Mở thêm cơ chế cho doanh nghiệp xử lý rác thải

TUẤN VỸ 09/09/2022 03:50

Doanh nghiệp xử lý rác thải cần thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về vay vốn, ưu tiên đầu tư,... để giải quyết bài toán xử lý rác còn nhiều vướng mắc.

>>Quảng Nam thúc tiến độ giải phóng mặt bằng tại dự án KCN Tam Thăng mở rộng

Hiện nay có nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt như số lượng phát sinh rất lớn và gia tăng nhanh, phương thức quản lý tổng hợp chưa đạt kết quả mong muốn, các quy định pháp luật chưa phù hợp, cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đáp ứng được thực tế,…

Doanh nghiệp “nghẽn” mạch đầu tư

Hiện nay, ngân sách dành cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn khó khăn ở nhiều địa phương, quy mô phát sinh chất thải rắn (CTR) nhỏ trong khi việc liên kết vùng hạn chế, khó thu hút các doanh nghiệp tư nhân với công nghệ hiện đại. Cùng với đó, việc tổ chức lựa chọn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thiếu công khai, minh bạch... các quy định pháp luật chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để khuyến khích khối tư nhân tham gia sâu rộng hơn nữa.

Song song với đó, nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước cho bảo vệ môi trường mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu đầu tư, chưa kể đến những bất cập trong phân bổ nguồn vốn này giữa Trung ương và địa phương. Các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trong khi đó các quy định cụ thể trong chính sách chưa đủ hấp dẫn và chưa đồng bộ, đầy đủ

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương cho rằng về cơ bản luật Bảo vệ môi trường cũng đã nêu mục tiêu, định hướng những việc cần phải làm để thực hiện việc thu gom xử lý rác, nhất là rác sinh hoạt sao cho văn minh, khoa học và bền vững. Tuy nhiên, theo ông Thiền hiện nay chỉ mới có mục tiêu cần đến, còn trả lời về các vấn đề con đường đến đó như thế nào, những khó khăn, trở ngại xử lý ra sao, những việc làm cụ thể thuộc cơ quan nhà nước nào, huy động ra sao thì vẫn chưa được giải quyết.

Xử lý rác thải đang là bài toán dauddaauf cho tất cả các địa phương

Xử lý rác thải đang là bài toán đau đầu cho tất cả các địa phương, trong khi đó doanh nghiệp lại gặp nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư.

“Hiện nay, cơ chế, chính sách liên quan đến xử lý rác còn rất thiếu và yếu, nên các chính quyền địa phương, doanh nghiệp lúng túng. Vì thế, việc xử lý rác không có lối ra, không có đường đi rõ ràng mà chỉ mới nêu khuyến khích đầu tư, xã hội hóa, khuyến khích ưu đãi khác nhưng vẫn chưa nêu rõ đích danh doanh nghiệp sẽ được gì và khuyến mãi gì?”, ông Thiên đặt câu hỏi.

Vì thế, ông Nguyễn Văn Thiền cho rằng trong quá trình đầu tư của doanh nghiệp sẽ dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau như ODA, vốn tư nhân… nhưng phát triển không bền vững. Sau một thời gian vận hành thì các nhà máy xử lý rác cũng dừng hoạt động vì lâm cảnh thu không đủ chi, máy móc, thiết bị hư hỏng không có kinh phí sửa chữa. Cùng với đó, một số lò đốt rác nói là công nghệ tiên tiến nhưng khí thải không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, hoặc tro, xỉ tro cháy không triệt để, còn tỷ lệ lớn khó xử lý, số này lại chuyển thành rác nguy hại, lại phải đi chôn lấp, xử lý lại chi phí rất lớn.

Theo ông Nguyễn Hà, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Amaccao thì trên thực tế các nhà máy đốt rác phát điện hiện nay đều do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, chỉ có một nhà máy điện rác tại Hà Nội do tập đoàn Amaccao đầu tư là doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, ông Hà đặt vấn về việc đa số các nhà máy đốt rác đều là nhà đầu tư nước ngoài liệu có làm ảnh hưởng đến an ninh môi trường của từng tỉnh thành nói riêng và có thể tạo ra cuộc khủng hoảng xử lý rác thải sinh hoạt trên cả nước nói chung hay không khi đến một thời điểm nào đó, các nhà đầu tư nước ngoài dừng hoạt động các nhà máy?

“Hiện nay, công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng đang được quan tâm và các doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực tài chính, trí tuệ để có thể áp dụng cho các dự án xử lý rác thải tại Việt Nam. Vì vậy, các địa phương cần ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án dịch vụ công, có nguồn thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực cạnh tranh”, ông Nguyễn Hà đề xuất.

Giải pháp thế nào?

Theo ThS. Phạm Hồng Sơn, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vấn đề văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường thời gian qua vẫn chưa đồng bộ, nhiều văn bản chồng chéo, trách nhiệm về quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn chưa rõ ràng giữa các ngành, các cấp. Theo đó, phần lớn các tỉnh, thành phố đều thiếu nguồn vốn để thực hiện quy hoạch quản lý CTR.

“Hiện nay cũng chưa có quy định cụ thể về thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn, cũng như chưa khuyến cáo công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt để áp dụng do đó địa phương còn gặp nhiều lúng túng khi lựa chọn công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt. Công nghệ xử lý rác thải hiện tại chủ yếu là chôn lấp, sử dụng diện tích đất lớn gây lãng phí tài nguyên, một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, ông Sơn cho hay.

Ông Nguyễn Văn Thiền cho rằng với điện sạch hiện nay Việt Nam đã có chủ trương tốt về giá, về đất (quy hoạch), vốn và các cơ chế đầu tư ưu đãi nên các doanh nghiệp điện năng lượng gió, mặt trời đã phát triển nhanh chóng đến nỗi đường dây tải, tuyến tải không kịp đáp ứng. Vì vậy, với lĩnh vực rác cũng cần có cơ chế tương tự, định hình giá thích hợp trong đó Bộ Tài chính là đơn vị xây dựng khung giá cho xử lý rác để doanh nghiệp có thể phát triển.

Cần có thêm nhiều cơ chế về giá, thu hút đầu tư, ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam,... trong quá trình kêu gọi các dự án xử lý rác thải.

Cần có thêm nhiều cơ chế về giá, thu hút đầu tư, ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam,... trong quá trình kêu gọi các dự án xử lý rác thải.

“Về cơ chế, chính sách cần ưu tiên, hỗ trợ sử dụng sản phẩm tái chế khi thị trường có cùng sản phẩm. Đặc biệt về điện, cần có chính sách giá và ưu tiên đấu nối với giá cả tốt bởi hiện nay các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là miễn giảm tối đa các loại thuế, phí liên quan đến hoạt động về rác. Các địa phương cũng phải dành quỹ đất thích hợp cho việc xử lý rác thải, thanh toán, sòng phẳng, kịp thời…. Ngoài ra, hiện nay mức cho vay quá thấp, trong khi dự án xử lý chất thải yêu cầu vốn nhiều với công nghệ hiện đại từ 300 ÷1.000 tỷ đồng, đề nghị cho vay  đến 50% giá trị dự án và thế chấp từ tài sản hình thành để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Thiền kiến nghị.

Còn theo đề xuất của ông Nguyễn Hà, các địa phương nên ưu tiên cho các doanh nghiệp ưu tiên các doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án xử lý rác, điều này sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, ứng dụng, áp dụng và tiến tới làm chủ công nghệ hiện đại và mang lại nguồn thu tá đầu tư, đảm bảo an ninh môi trường. Theo ông Hà, khi doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện dự án sẽ đảm bảo an ninh môi trường, tạo công ăn việc làm cho người địa phương, khi có nguồn thu sẽ lại tái đầu tư cho địa phương nơi làm việc,... góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

“Vì vậy, cần sớm có cơ chế ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong các dự án bảo vệ môi trường nói chung và xử lý chất thải rắn nói riêng, trong đó tập trung vào xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải theo công nghệ tiên tiến, hiện đại. Cần cụ thể hóa cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư các doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại, chuyển giao công nghệ tiên tiến,... hơn nữa để sớm giải quyết được bài toán rác thải vẫn còn đang đau đầu”, ông Hà nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghịch lý: Rác thải nhựa đầy rẫy nhưng doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu

    Nghịch lý: Rác thải nhựa đầy rẫy nhưng doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu

    04:03, 08/09/2022

  • Vụ chôn rác thải quy mô lớn: Tỉnh Bình Dương không dung túng sai phạm về môi trường

    Vụ chôn rác thải quy mô lớn: Tỉnh Bình Dương không dung túng sai phạm về môi trường

    17:00, 04/09/2022

  • Áp dụng công nghệ để tối ưu hoá khai thác rác thải

    Áp dụng công nghệ để tối ưu hoá khai thác rác thải

    04:00, 21/07/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mở thêm cơ chế cho doanh nghiệp xử lý rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO