“Sẽ có hàng loạt nhà máy đường phá sản nếu, việc xóa bỏ hạn ngạnh thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN theo cam kết ATIGA được thực hiện vào 1/1/2020”
Đó là khẳng định của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây.
Xoay sở mọi cách vẫn lỗ
Thời hoàng kim của cây mía cả nước có gần 50 nhà máy đường công suất lớn hoạt động, chỉ riêng ĐBSCL đã có đến 8 nhà máy đường tổng công suất ép hàng chục ngàn tấn mía/ngày. Sau thời gian sản xuất khó khăn, niên vụ 2019-2020 này khu vực ĐBSCL chỉ còn 3 nhà máy dự kiến hoạt động.
Tỉnh Hậu Giang được xem là “thủ phủ” của cây mía, có năm diện tích mía của địa phương lên đến 16.000ha. Trên địa bàn tỉnh có tới 3 nhà máy đường, gồm 2 nhà máy của Casuco và 1 của Công ty CP đường cồn Long Mỹ Phát. Nhưng do giá mía nguyên liệu liên tục giảm, nông dân đã bỏ mía chuyển sang cây trồng khác, niên vụ 2019-2020, diện tích mía của tỉnh chỉ còn 8.600 ha. Casuco - đơn vị sản xuất đường chủ lực của địa phương cũng cho biết, niên vụ mía này chỉ đưa 1/2 nhà máy đường vào hoạt động.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Hòa, Phó phòng kỹ thuật môi trường và quản lý chất lượng Casuco cho biết: Năm 1999, 2011 công ty đã đưa turbin phát điện từ đốt bả mía công suất 2MW và 5MW vào vận hành, kể từ đó 100% bã miá được tận dụng để phát điện và đốt lò hơi giúp công ty tiết kiệm được chi phí trên 10 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, các phụ phẩm, phế phẩm khác như mật rỉ, bả bùn… được các đơn vị liên kết chuỗi mua hết. “Nói chung là chúng tôi đã xoay sở mọi cách để giảm giá thành cho sản phẩm chính” - ông Hòa cho biết.
Tuy nhiên, với giá mía dự kiến mua vào măm nay là 700 đồng/kg 10 chữ đường (CCS) tại rẫy thì giá thành 1kg đường cũng đã trên 10.000 đồng, với giá bán ra 11.000 đồng thì chỉ mới “hòa”, còn nếu giá đường giảm hơn nữa thì công ty cầm chắc thua lỗ.
“Trước những khó khăn của ngành mía đường và vùng nguyên liệu bị thu hẹp nên trong niên vụ 2019-2020 Casuco quyết định dừng hoạt động một nhà máy với hơn 200 công nhân phải nghỉ chờ việc”, ông Hòa thông tin thêm.
Có thể bạn quan tâm
02:37, 04/09/2019
11:22, 16/08/2019
05:06, 15/08/2019
05:07, 06/04/2019
CLB 200 tấn cũng thua
Chỉ tay về phía 2 ha mía đang sắp thu hoạch, ông Nguyễn Văn Lắm, ấp Tân Phú B1, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp buồn bã: “Nông dân ở đây đã “vui, buồn” với cây mía mấy chục năm nay, nhưng những năm gần đây thì “buồn” nhiều hơn “vui” vì cây mía liên tục rớt giá. Như năm nay nếu giá mía 700 đồng/kg thì ngay những hộ trồng mía năng suất 200 tấn/ha như tôi cũng “chào thua” vì công thu hoạch đã mất 200 đồng/kg, nông dân chỉ còn 500 đồng/kg mà phải gánh biết bao chi phí khác”.
Ông Võ Văn Hiển, Lê Văn Hai - hai hộ trồng mía khác ở gần đó than thở: “Vùng này đất đai trũng phèn, nếu bỏ mía thì không biết trồng cây gì, ở đây một số hộ chuyển sang trồng tràm nhưng trong thời gian mấy năm chờ cây tràm lớn thì gia đình sống bằng cái gì là điều lo lắng?”.
Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp - Nguyễn Thế Tự cho biết: Phụng Hiệp là vùng chuyên canh mía lớn nhất của tỉnh Hậu Giang. Năm nay giá sản xuất mía của nông dân trên địa bàn huyện ở mức 756 đồng/kg, riêng những hộ nằm trong câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha cũng ở mức trên 700 đồng/kg. Nên nếu giá mía dưới 800 đồng/kg thì nông dân cầm chắc thua lỗ.
(Kỳ II: Lối thoát nào?)