Một số vùng mía nguyên liệu đã phải phá bỏ, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng... Nếu tình này kéo dài nhiều doanh nghiệp ngành đường trong nước sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản.
Từ ngày 1/1/2020, hạn ngạch nhập khẩu mía đường từ ASEAN chính thức được xóa bỏ và mức thuế suất nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ là 0%. Điều này một lần nữa dấy lên nỗi lo cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trường Chinh - Giám đốc Nhà máy đường Tuy Hòa, cho biết, giá đường giảm sâu đương nhiên sẽ đẩy giá mía đi xuống. Các vụ mía từ 3 năm trở lại đây, giá mía trung bình chỉ khoảng 800 đồng/kg. Đây là mức giá theo người nông dân họ vẫn có thể sống được nhưng nếu giá tiếp tục giảm, chắc chắn sẽ phải "bỏ của chạy lấy người".
Thực tế, trong niên vụ mía vừa qua, một số vùng mía nguyên liệu đã phải phá bỏ, nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng... Nếu tình này kéo dài nhiều doanh nghiệp ngành đường trong nước sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, niên vụ năm 2018-2019 công ty chỉ ép được gần 591.700 tấn mía, giảm gần 38%, sản lượng mía ép giảm hơn 37% và lượng đường thu được hơn 50.500 tấn, giảm 43,5% so với niên vụ trước đó.
Câu chuyện tương tự với Nhà máy đường Tuy Hòa, vùng nguyên liệu gần 8.000 ha trước đây đã giảm chỉ còn 5.500 ha trong niên vụ này, khiến tổng sản lượng mía còn 210.000 tấn, giảm 120.000 tấn. Mía nguyên liệu giảm buộc nhà máy phải giảm công suất.
Mặc dù vậy, lượng đường tồn kho vẫn tăng cao do, giá thấp và nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Dự báo năm 2019, nhu cầu tiêu thụ đường của cả nước đạt khảng 1,5-1,6 triệu tấn/năm, trong khi sản xuất chỉ đạt 1,2 triệu tấn/năm, cung không đủ cầu là lý do khiến buôn lậu đường tăng mạnh. Đặc biệt, từ tháng 8 trở đi các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, như An Giang, Đồng Tháp vào mùa nước lên, là điều kiện tốt hỗ trợ buôn lậu đường tăng mạnh.
Theo ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), mỗi năm có khoảng 500.000 tấn – 700.000 tấn đường được buôn lậu vào Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành mía đường trong nước và tác động lên mặt bằng giá. Giá đường ở phía Bắc, Nam Trung Bộ bị ảnh hưởng nhiều nhất do năng suất thấp hơn phía Nam.
Bên cạnh đó còn một số lượng lớn đường nhập theo chiêu trò "tạm nhập" nhưng không "tái xuất" đang xâm nhập thị trường nội địa khiến mặt hàng đường sản xuất trong nước không thể cạnh tranh, tồn kho ngày một lớn.
Cả nước hiện tồn kho khoảng 650.000 tấn đường. Như tại Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La lượng đường đang tồn kho gần 40.000 tấn đường với giá trị tương đương 500 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hòa đến thời điểm này vẫn khoảng 15.000 tấn đường nằm im trong kho tương đương hơn 170 tỷ đồng...
Có thể bạn quan tâm
11:01, 17/06/2019
05:07, 06/04/2019
05:31, 04/04/2019
06:01, 21/12/2018
11:00, 28/09/2018
02:43, 19/09/2018
Còn nhiều bất lợi
Vào năm 2017, số lượng nhà máy đường trên cả nước đã giảm từ 46 xuống còn 42, và theo số liệu cập nhật mới nhất trong năm 2019, số lượng nhà máy đường trên cả nước là 36 nhà máy. Trong đó, bởi những khó khăn kể trên mà hiện có đến 17/36 nhà máy sản xuất đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Số còn lại đa số chỉ hoạt động cầm chừng nên rất khó dự đoán chính xác còn bao nhiêu nhà máy sẽ trụ lại được trong niên vụ 2019-2020.
Thực tế, doanh nghiệp, nhà máy mía đường đã gặp phải khó khăn tài chính trong 2 năm qua. Thậm chí, giới chuyên môn nhận định, từ đầu năm 2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực sau 2 năm tạm hoãn, đường nhập khẩu trong khu vực sẽ có thuế suất 0%. Lúc đó, đường Thái Lan sẽ phải nhập lậu vào Việt Nam. Các nhà máy đường trong nước muốn tồn tại phải hạ giá theo đường Thái Lan, đồng nghĩa với thua lỗ sẽ nặng hơn và đóng cửa nhiều hơn. “Bởi giá thành sản xuất mía tại Việt Nam quá cao (50 USD/tấn) khó lòng cạnh tranh với các nước sản xuất đường khác, như Thái Lan là 30 USD/tấn, Brazil chỉ 16 USD/tấn và Úc chỉ có 18 USD/tấn”, GS.TS. Võ Tòng Xuân nhận định.
Cùng với đó, các chính sách giảm giá đồng nội tệ của quốc gia đứng đầu về sản xuất đường là Brazil cũng như các đối thủ cạnh tranh khác, lại khiến đường Việt càng khó khăn trong câu chuyện cạnh tranh.
Do đó, có thể thấy, bài toán tồn tại và phát triển ngành mía đường cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn nạn đường nhập lậu, đồng thời tăng thuế nhập đường lỏng lên 12% để giảm lượng đường nước nhập vào Việt Nam.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đã kiến nghị xem xét việc kéo dài thời gian quản lý hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường thêm 2-3 năm nữa. Cùng với đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn để doanh nghiệp có vốn thu mua mía nguyên liệu cho nông dân. Tập hợp các hộ dân canh tác mía thành cánh đồng lớn vài chục ngàn hecta trở lên để cơ giới hóa, từ đó giảm giá thành sản xuất. Cải tạo giống mía có chữ đường cao hơn.