Để cải thiện, nâng cao Chỉ số tiếp cận đất đai góp phần tăng điểm, tăng hạng PCI năm 2023, ngành TN&MT tỉnh Kiên Giang “bắt mạch” khắc phục hạn chế hiện thực hoá nhiều giải pháp.
Để hiểu rõ hơn, DĐDN có cuộc PV ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở TN&MT xung quanh vấn đề này.
Ông Bình nhìn nhận: Sở xác định Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ làm thước đo chương trình cải cách về điều hành kinh tế, trong đó “Tiếp cận đất đai” là 1 trong 10 chỉ số thành phần. Đây là chỉ số quan trọng tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy không chỉ thu hút mà còn góp phần giữ chân các nhà đầu tư hoạt động lâu dài tại địa phương.
- Việc quy hoạch quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh được thực hiện ra sao trong thời gian qua, thưa ông?
Trên cơ sở quy định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều 37 luật liên quan đến quy hoạch, Sở cũng đã tham mưu tỉnh ban hành kế hoạch về việc triển khai lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện. Đến nay, đã được UBND tỉnh phê duyệt 15/15 huyện, thành phố…
Đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đạt khoảng 93,8%. Trong đó, tỷ lệ cấp lần đầu đất tổ chức đạt 88,5%, của hộ gia đình, cá nhân đạt 95,0% diện tích cấp Giấy chứng nhận.
- Theo các doanh nghiệp, việc triển khai các dự án sản xuất kinh doanh gặp khó khăn vì chưa có hướng dẫn GPMB theo quy định tại Điều 73 của Luật Đất đai năm 2013; hệ thống pháp luật còn chồng chéo. Với Kiên Giang, vấn đề này đã được Sở tháo gỡ chưa, thưa ông?
Hệ thống pháp luật còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo như Luật Đất đai hiện hành với nhiều luật khác…Hiện Bộ TN&MT đang dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đồng bộ với các luật liên quan, đặc biệt là thể chế hóa nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW, góp phần sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, bền vững...
Về việc hướng dẫn GPMB triển khai các dự án sản xuất kinh doanh tại Điều 73 của Luật Đất đai, Sở cũng đã có văn bản kiến nghị trong quá trình góp ý sửa đổi Luật Đất đai: “Đối với các dự án phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận, đề nghị nghiên cứu bổ sung về cơ chế khi nhà đầu tư không thỏa thuận được 100% diện tích đất để thực hiện dự án theo quyết định chủ trương đầu tư được duyệt thì phần diện tích còn lại thực hiện theo cơ chế thu hồi đất, GPMB...
- Còn vấn đề kiểm soát TTHC, cải cách TTHC trong lĩnh vực TN&MT nhằm kiến tạo phục vụ doanh nghiệp, người dân… được Sở triển khai thế nào, thưa ông?
Công tác CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng luôn được Sở xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Theo đó, Sở đã cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 14 TTHC thuộc lĩnh vực đất đai; Ứng dụng hiệu quả Cổng thông tin giải quyết TTHC tỉnh; Thường xuyên chỉ đạo tăng cường trách nhiệm trong việc xử lý hồ sơ, khắc phục tình trạng trễ hạn trên hệ thống...; Nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức, viên chức; Thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân và doanh nghiệp đối với các hồ sơ giải quyết trễ hẹn.
Bên cạnh đó, từ năm 2012 Sở đã tham mưu tỉnh xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính thông qua Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, đạt nhiều kết quả (đã hoàn thành đưa vào sử dụng 05 huyện, thành phố, sắp hoàn thành 03 huyện, và đang tiếp tục thực hiện 07 huyện; Phấn đấu đến cuối năm 2024 toàn bộ hồ sơ đất đai được vận hành).
- Trong 10 tiêu chí đánh giá PCI năm 2022, Chỉ số tiếp cận đất đai của Kiên Giang tuy đã được cải thiện (6,71 điểm) nhưng còn kém 0,82 điểm so với năm 2021 (7,53 điểm). Chắc hẳn năm 2023 Sở đã có giải pháp “khơi thông” tạo bước đột phá chỉ số trên?
Sau khi VCCI công bố kết quả PCI năm 2022, Sở đã phân tích, đánh giá các chỉ tiêu thấp điểm, giảm điểm và nguyên nhân. Từ đó, Sở xác định công tác bồi thường, GPMB là một trong những “mấu chốt” dẫn đến “ách tắc” trong tiếp cận đất đai, triển khai dự án đầu tư. Do đó, Sở đã tham mưu tỉnh tổ chức đối thoại công khai với người sử dụng đất để kịp thời tháo gỡ vướng mắc; Tăng cường công khai các TTHC về đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; tiếp tục nhân rộng mô hình cung cấp thông tin về đất đai thông qua phương thức điện tử của TP.Phú Quốc và huyện Kiên Hải sang các huyện, thành phố còn lại…
Cùng với đó, chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ về đất đai, tài sản khi thu hồi đất được sửa đổi, bổ sung phù hợp thực tế; Đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể các loại đất, đơn giá bồi thường tài sản trên đất sát với giá thị trường; Rà soát quỹ đất sạch, thu hồi đất các dự án không triển khai..., lập kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trình UBND tỉnh phê duyệt tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án đầu tư…
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm