Theo chương trình làm việc, ngày mai (22/11), Quốc hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế với bà Nguyễn Thị Kim Tiến để nhận nhiệm vụ mới.
Trước đó, Bộ Chính trị đã quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng Ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ trung ương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã được cử làm bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế.
Ngay sau khi có thông tin Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến vào ngày 22/11, dư luận đã đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người thay thế nắm giữ vị trí này?
Trả lời câu hỏi này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/11 vừa, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Với trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Hiến pháp, theo luật Tổ chức Chính phủ thì khi chưa có kỳ họp Quốc, thẩm quyền Thủ tướng sẽ giao quyền Bộ trưởng. Với trách nhiệm của Chính phủ thì Thủ tướng sẽ trình với Quốc hội để Quốc hội bổ nhiệm, sẽ phê chuẩn các chức danh Bộ trưởng.
Như vậy, theo ông Dũng khi chưa diễn ra kỳ họp, theo thẩm quyền Thủ tướng giao quyền Bộ trưởng. Vừa qua Bộ chính trị quyết định phân công PTT Vũ Đức Đam kiêm Ban cán sự đảng bộ Y tế và chịu trách nhiệm toàn diện các hoạt động của Bộ Y tế trước Bộ Chính trị, trước Trung ương, trước thủ tướng Chính phủ.
Có thể bạn quan tâm
“Việc này Ban cán sự Đảng, Chính phủ sẽ họp và phân công rõ trách nhiệm. Về Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ tiến tới đang thực hiện. Đây là việc theo quy trình, thủ tục chọn điều kiện, tiêu chuẩn, nhân sự... Hiện Chính phủ đang tiếp tục thực hiện quy trình... Trước mắt phải chờ Quốc hội miễn nhiệm”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tại phiên họp họp báo trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã cho biết, trong chương trình kỳ họp này có việc miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế vì bà đến tuổi nghỉ hưu và được phân công đảm nhiệm.
Ông Phúc cho biết, bà Nguyễn Thị Kim Tiến được chuyển sang làm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ TƯ. Đây cũng là một vị trí rất quan trọng.
Trả lời câu hỏi ai thay thế vị trí Bộ trưởng của bà Tiến, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, “việc ai thay Bộ trưởng Y tế sẽ dựa trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội xem xét phê chuẩn”.
Trước đó, ngày 21/10, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trải lòng những trăn trở của bà trước khi rời cương vị bộ trưởng, chuyển sang làm việc tại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương.
"Tôi trăn trở là nhiều công trình xây dựng bị vướng, chưa xong sớm để phục vụ người dân tốt hơn". - Nữ Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dược cũng được bộ trưởng nhắc đến và cho đây là câu chuyện mà bà "bị vướng vào thị phi". "Một số vấn đề về dược đang giải quyết, mình vẫn bị thị phi đấy. Nhưng có những thông tin không trung thực, không chính xác qua những mạng trái, mạng ngoài lề. Tôi nghĩ rằng những cơ quan chức năng sẽ làm mọi cách để đảm bảo công minh, chính xác, đúng người đúng tội, đúng việc. Không bỏ sót, oan sai, để xây dựng một nền y tế phục vụ dân tốt hơn", bà Tiến nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian qua, cán bộ toàn ngành từ Bộ Y tế đến các sở y tế làm việc dưới một áp lực rất kinh khủng, từ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội ra nghị quyết, trung ương ra nghị quyết… Bà Tiến cho biết "áp lực nhiều việc quá, thay đổi nhiều quá", nhưng đến lúc có kết quả thì các giám đốc sở, giám đốc các bệnh viện "rất hạnh phúc".
Nữ Bộ trưởng cho rằng, trong suốt 8 năm qua, kết quả mà bà tâm huyết nhất là tăng sự hài lòng của người dân, chất lượng dịch vụ và bảo hiểm y tế lo cho người nghèo, người khó khăn. Theo chính sách của Luật bảo hiểm sửa đổi, người nghèo được hỗ trợ 100%, người cận nghèo là 70%.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
|