Sự hứng thú với xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế của nó như giá thành cao, sạc pin tốn thời gian. Đây là lợi thế lớn để phát triển xe điện nhưng đến nay vẫn chưa được khai thác.
>>Hỗ trợ người dân mua xe điện, cần tầm nhìn dài hạn
Ô nhiễm ngày càng tăng
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng khí thải CO2 (cacbon dioxit) của Việt Nam hiện nay là 500 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp giảm phát thải, lượng CO2 có thể tăng gấp đôi lên tới 900 triệu tấn. Đây là mức độ tăng rất lớn. Trong đó có tỷ lệ lớn đến từ giao thông vận tải.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến 31/12/2022, cả nước có 5.850.000 ô tô và trên 72 triệu xe máy các loại, trong đó có 11.000 ô tô điện hóa (hybrid, hybrid sạc ngoài, thuần điện) và gần 2 triệu xe máy điện. Với số phương tiện đường bộ như trên thì phát thải CO2 của Việt Nam tương đương với thế giới và chiếm 0,45% tổng phát thải đường bộ so với thế giới. Tại các đô thị lớn, nơi phương tiện giao thông tập trung đông đúc, tắc đường ngày càng diễn ra phổ biến dẫn đến tiêu thụ quá nhiều năng lượng, đã làm gia tăng mạnh mẽ khí phát thải và tiếng ồn.
Còn dự báo của Bộ Công thương cho thấy, nhu cầu về ô tô tại Việt Nam sẽ tăng lên 800.000 xe/năm vào năm 2025 và 1,2 triệu xe/năm vào năm 2030. Cùng với đó, mỗi năm còn có hơn 2 triệu xe máy mới tham gia giao thông.
Để đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì đòi hỏi chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch là tất yếu. Trong số những loại phương tiện không phát thải hiện nay thì xe điện đóng vai trò cốt lõi. Xe điện đang có sức hút nhất định, có thể thuyết phục người tiêu dùng chuyển đổi. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2022 cả nước mới có 11.000 ô tô điện hóa (hybrid, hybrid sạc ngoài, thuần điện) và gần 2 triệu xe máy điện lưu hành. Đây là con số quá nhỏ bé, trong quá trình chuyển đổi sang giao thông xanh.
Về chính sách, hiện tại ô tô điện được ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ. Cụ thể, với ô tô điện chạy pin từ 9 chỗ ngồi trở xuống, từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027, được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 3%, từ ngày 1/3/2027 trở đi tăng lên 11%; Ô tô từ 10-16 chỗ và ô tô vừa chở người vừa chở hàng, từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027 được hưởng thuế 2%, từ ngày 1/3/2027 trở đi tăng lên 7%; Ô tô từ 16-24 chỗ, từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027 hưởng thuế 1%, từ ngày 1/3/2027 tăng lên 4%. Cùng với đó, lệ phí trước bạ cũng được ưu đãi. Cụ thể từ ngày 1/03/2022 đến 28/02/2025, giảm 100%; từ 01/03/2025 đến 28/02/2027 giảm 50% so với mức thu của các loại xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đánh giá, những ưu đãi này vừa chậm vừa kém hấp dẫn hơn hẳn so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia. Chẳng hạn như Thái Lan, từ năm 2016 đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên lượng phát thải khí CO2. Có nghĩa là những mẫu xe càng có phát thải CO2 thấp thì càng có thuế suất thấp. Điều này vừa thúc đẩy phát triển xe xanh vừa bảo vệ môi trường.
Lợi thế lớn chưa khai thác
>>Ấn tượng Liễu Châu, ô tô điện mini tràn ngập đường phố
Theo ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Công nghệ Đức -Việt (tp Hồ Chí Minh), muốn chuyển đổi sang xe điện, không phải chỉ có mỗi ưu đãi thuế, phí cho nhà sản xuất là đủ, mà cần một chiến lược tổng thể với tầm nhìn dài hạn. Từ 10 năm trước đã có những quốc gia ban hành chính sách phát triển xe điện rất bài bản, với 3 nhóm cơ bản là: ưu đãi cho nhà sản xuất; trợ cấp người mua xe; hỗ trợ phát triển hạ tầng và các thủ tục hành chính ưu tiên xe điện. Còn Việt Nam đến nay vẫn chỉ có một số chính sách nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh mẽ để khuyến khích xã hội chuyển đổi sang xe điện.
Không những thế sự thiếu thống nhất, không có chung tầm nhìn của các cơ quan quản lý, đang cản trở quá trình này. Chẳng hạn như mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra đề xuất hỗ trợ người dân 1.000 USD khi mua ô tô điện, ngay lập tức đã bị Bộ Tài chính bác bỏ. Bộ Tài chính lại cho rằng các chính sách ưu đãi khuyến khích sử dụng ô tô thân thiện môi trường, ô tô điện hóa hiện đã ở mức độ khá cao.
Câu chuyện “bất đồng quan điểm” giữa các cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách phát triển một ngành nào đó là điều thường thấy ở nước ta. Ngành công nghiệp ô tô là một ví dụ. Suốt 20 năm qua chưa bao giờ có được sự thống nhất của các cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách phát triển, bởi vậy đã không vươn lên được. Câu chuyện này có vẻ lại tiếp tục diễn ra với kế hoạch chuyển đổi năng lượng lớn lao trong lĩnh vực giao thông.
Một khảo sát của Công ty Frost & Sullivan (Mỹ) từ năm 2017 tại khu vực Đông Nam Á cho thấy, có tới 33% người tiêu dùng Việt Nam nghĩ đến mua xe điện ngay từ lần đầu. Việt Nam có dân số trẻ và rất nhiều người sử dụng Internet. Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế của nó như giá thành cao, sạc pin tốn thời gian. Đây là lợi thế lớn để phát triển xe điện tại Việt Nam. Vậy nhưng lợi thế này đến nay vẫn không được khai thác.
Khuyến khích chuyển đổi sang ô tô điện, không chỉ là giải pháp làm giảm phát thải CO2 mà còn mở hướng cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô thời kỳ mới. Với xe điện có 4 công nghệ cơ bản là: tích lũy điện (pin), động cơ điện, máy đổi điện (sạc) và kỹ thuật điều khiển. Khi những công nghệ này phát triển sẽ làm thay đổi hoàn toàn các ngành sản xuất và dịch vụ, kể cả hành vi của người tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa rất lớn đối với kinh tế - xã hội. Vì vậy, nhiều quốc gia đang nắm bắt cơ hội này để phát triển ngành công nghiệp xe điện.
Giới chuyên môn nhận xét rằng, điểm yếu cố hữu trong xây dựng chính sách của chúng ta là thiếu sự thống nhất, thiếu tầm nhìn, thiếu đồng bộ, thiếu ổn định và không thể tiên liệu được. Nhiều năm rồi mà không rút ra được bài học và không chịu thay đổi, đang ảnh hưởng tới những mục tiêu lớn của dân tộc.
Có thể bạn quan tâm
Ô tô điện sạc 10 phút đủ chạy hơn 1.000km, không lo cháy nổ, sắp ra đường
04:39, 22/09/2023
Cơ hội cho ô tô điện mini
15:00, 20/09/2023
Công nghiệp ô tô - Bài 10: Trung Quốc phát triển ô tô điện như thế nào?
04:30, 11/09/2023
“Tăng tốc cuộc đua” phát triển ô tô điện
13:32, 29/08/2023
Công nghiệp ô tô – Bài 9: Kỷ nguyên xe điện, xây dựng nền tảng để “cất cánh”
05:00, 04/09/2023
Công nghiệp ô tô - Bài 8: Xe điện cơ hội trăm năm có một
04:30, 28/08/2023
Công nghiệp ô tô - Bài 7: Làm ô tô thương hiệu Việt, doanh nghiệp quá đơn độc
11:15, 22/08/2023