Những câu hỏi khiến bạn trẻ chết khiếp khi về quê ăn Tết

Theo Tuổi Trẻ 07/01/2018 17:06

Tết là mùa sum vầy, nhưng không ít bạn trẻ lại sợ về nhà bởi những áp lực từ câu hỏi của người thân, hàng xóm.

Người Việt Nam thường hỏi thăm nhau về mọi thứ, từ tiền lương, tiền thưởng đến tổng thu nhập.

Những câu hỏi quen thuộc ấy tưởng như vô hại, nhưng thực ra lại rất nhạy cảm. Không ai muốn tiết lộ mức lương thực tế để bị soi xét, đánh giá, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. 

"Đang làm ở đâu? Lương được bao nhiêu?"

Một trong những câu hỏi gây sợ hãi nhất ngày Tết với bạn trẻ là chuyện công việc. Tết là mùa sum vầy họ hàng xa gần. Chẳng lạ gì khi mỗi ngày bạn có thể nhận được câu câu hỏi giống hệt nhau.

"Mỗi lần về nhà, mình nhận được hàng chục câu hỏi về lương. "Lương bao nhiêu, cao lắm à?". Thậm chí có người còn hỏi ba lần, khiến mình vừa bực, vừa khó xử", Lê Bích Ngọc (22 tuổi, Phú Thọ) chia sẻ.

Hương Thảo (22 tuổi, Hải Phòng) cho biết, cô cũng đau đầu mỗi lần người nhà hỏi "Đã được vào chính thức chưa?". "Thời điểm mà công việc chưa ổn định, những câu hỏi như vậy rất khó trả lời. Gặp ai cũng nhận câu hỏi như vậy, khiến mình cảm thấy mệt mỏi hơn rất nhiều".

"Đáng sợ nhất là những người hỏi lương có cao không. Đây là câu hỏi rất vô duyên và khó trả lời. Thế nào là cao, và không cao thì sao? Mỗi lần nghe câu hỏi đó, mình cảm thấy cực kì khó chịu" - Ngọc bức xúc.

"Đi đâu về thế? Sao không về nhà làm?"

Việc lựa chọn công việc cũng nằm trong tầm ngắm của người hỏi. Việc làm ở thành phố nào, không làm ở quê cũng trở thành chủ đề chất vấn.

"Mình thường xuyên nhận được những câu hỏi về chỗ làm, hoặc tại sao lại không về cho gần nhà. Mình rất ngại giải thích nhiều là về quê ít cơ hội việc làm" - Ngọc chia sẻ.

Ngoài ra, những câu hỏi như làm cụ thể chỗ nào cũng khiến người nghe đau đầu. Đa phần các bạn trẻ cho biết, người quen thường hỏi "Công ty ấy tên gì?", nhưng khi nhận được câu trả lời thì lại không biết.

Có trường hợp thậm chí bị "ép" giải thích cụ thể đang làm gì, nhưng kết quả nhận về lại chỉ là những câu như: "Tưởng mày làm cái gì. Có mỗi thế thôi thì về!", "Công ty này là chỗ nào, về công ty nhà nước cho ổn định".

Người trẻ luôn muốn trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội. Những lời nói thiếu khích lệ từ người lớn khiến sinh viên mới ra trường ít muốn chia sẻ hơn.

"Có người yêu chưa? Bao giờ lấy chồng?"

"Mình phải nghe mỗi năm, mỗi tháng. Nếu chỉ hỏi cho vui thì không sao, nhưng nhiều người lo xa, lo hộ, lúc nào cũng giảng giải là phải kiếm người này người kia mà lấy, khiến mình vô cùng mệt mỏi" - Thanh Loan (25 tuổi, Bình Dương) cho hay.

Sự quan tâm quá mức của người xung quanh về chuyện tình yêu - hôn nhân tạo thành áp lực đối với các bạn nữ. Điều này khiến cuộc gặp gỡ ngày Tết trở nên nặng nề.

"Họ khiến mình cảm giác lấy chồng là một nghĩa vụ, không thì mình sẽ có tội vậy. Đáng sợ hơn là điệp khúc "mấy năm nữa không ai lấy" làm mình cảm thấy mọi người coi con gái như hàng tồn kho", Loan nói thêm.

Vấn đề quan trọng hơn,  việc hôn nhân sẽ không bao giờ ngừng được đưa ra bàn tán. Theo các cô gái, sau khi lấy chồng, câu hỏi tiếp theo nhận được sẽ về việc con cái, tương lai. Sở thích hỏi kỹ chuyện riêng tư đã trở thành thói quen vô thức với người Việt.

Hãy hỏi bằng sự quan tâm và lịch s

Theo Ngọc, mọi người đều hỏi cùng một câu hỏi vì họ không biết phải hỏi gì. Đa số thường ngày không gặp nhau nhiều, nên họ thường hỏi những câu hỏi xã giao, theo mô típ có sẵn. 

Bên cạnh đó, nhiều người còn cố đào sâu thông tin cốt để sau này có chuyện để đi "buôn dưa lê", so sánh mức lương của con nhà này với con nhà khác. 

"Mình đi xa về, nhưng không ai thèm hỏi có mệt không, vất vả không. Tất cả chỉ quan tâm đến địa vị và những con số".

"Chính cách hỏi của mọi người khiến mình cảm thấy không được quan tâm thực sự. Thay vì cố gắng đào sâu về vị trí, mức lương mình có, tại sao không hỏi có khó khăn gì không, hay động viên mình cố gắng. 

Mọi người thường hỏi nhưng không nhớ, lần sau lặp lại. Điều đó cho thấy họ không thật sự để tâm mà chỉ hỏi qua loa" - Hà Thương (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

"Nếu thân thiết, mình sẽ tự động kể chi tiết. Còn không mình nghĩ hãy dừng ở việc hỏi thăm và động viên. Đừng hỏi quá chi tiết về về những vấn đề riêng tư như lương, tình cảm... Không phải ai cũng có hoàn cảnh suôn sẻ để tự tin trả lời những câu hỏi ấy".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những câu hỏi khiến bạn trẻ chết khiếp khi về quê ăn Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO