Một vụ sữa bột giả quy mô “khủng” vừa bị bóc trần. Nhưng điều đáng lo không chỉ là hàng giả, mà là vì sao nó tồn tại quá lâu mà không ai phát hiện?
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án sản xuất và buôn bán sữa bột giả quy mô lớn. Theo điều tra ban đầu, các đối tượng đã thành lập nhiều công ty, thiết lập cả một hệ sinh thái phân phối, tiêu thụ hàng trăm nghìn sản phẩm làm giả. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, vụ việc này khiến dư luận đặc biệt lo ngại bởi sữa bột là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe trẻ nhỏ, người bệnh và phụ nữ mang thai.
Theo thông tin ban đầu, nhiều sản phẩm sữa giả bị thu giữ trong vụ án có đầy đủ nhãn mác, mã số công bố, thậm chí cả tem chống hàng giả. Nhìn bằng mắt thường, không dễ để phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng trộn từ nguyên liệu trôi nổi. Một lớp vỏ hoàn hảo che giấu chất lượng bên trong và đó là điều nguy hiểm nhất.
Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn thực phẩm bổ sung và thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quản lý theo cơ chế “tự công bố”. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm lập hồ sơ, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ và hậu kiểm khi cần. Trong cơ chế ấy, nếu khâu giám sát không kịp thời, không thực chất, thì việc sản phẩm kém chất lượng được hợp pháp hóa chỉ là vấn đề thời gian.
Câu chuyện đặt ra không phải là “ai sai”, mà là hệ thống quản lý có đủ công cụ để nhận diện gian lận hay không. Việc kiểm tra hồ sơ liệu có thể sàng lọc những dấu hiệu bất thường? Các bước xác minh thành phần, nguồn gốc có được thực hiện đến nơi đến chốn, hay vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào “cam kết trên giấy”?
Đáng chú ý, trong khi các đối tượng trong đường dây làm giả thu lợi bất chính bằng cách rút ngắn quy trình, giảm chi phí, thì những doanh nghiệp làm thật, làm đúng lại bị đẩy vào thế yếu. Một số doanh nghiệp phản ánh rằng họ phải mất hàng trăm triệu đồng để xét nghiệm thành phần, xây dựng quy trình công bố sản phẩm. Thế nhưng, ra thị trường, sản phẩm tử tế lại phải cạnh tranh với những loại sữa “giống thật như thật” nhưng giá rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn.
Hệ quả là không chỉ người tiêu dùng bị tổn thương, mà uy tín và động lực của các doanh nghiệp tuân thủ cũng dần mai một. Trong một thị trường thiếu công bằng, ai còn muốn đầu tư vào chất lượng khi hàng giả có thể hợp pháp hóa chỉ bằng vài con dấu?
Vấn đề đặt ra là: phải chăng chính những kẽ hở trong hậu kiểm đang tạo ra vùng trũng cho hành vi gian lận phát triển? Khi các đợt kiểm tra chủ yếu theo kế hoạch, khi lực lượng chức năng không kịp thích ứng với mô hình kinh doanh online, livestream, phân phối qua trung gian thì hàng giả hoàn toàn có thể “lách” ra ngoài tầm kiểm soát.
Dư luận không mong chờ một cuộc truy trách nhiệm cụ thể, nhưng rất cần một cuộc rà soát nghiêm túc. Việc hàng giả len lỏi, tồn tại suốt một thời gian dài cho thấy không chỉ hành vi vi phạm đã tinh vi hơn, mà hệ thống giám sát cũng đang có những điểm mờ. Những điểm mờ ấy nếu không bịt lại từ gốc sẽ còn tạo điều kiện cho nhiều loại “hàng giả hợp pháp” khác tràn ra thị trường.
Trong lúc vụ án vẫn đang được điều tra làm rõ, đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại toàn bộ chuỗi kiểm soát sản phẩm, từ hồ sơ công bố đến khâu hậu kiểm. Nếu không muốn tiếp tục chứng kiến những cú sốc tương tự, có lẽ đã đến lúc đặt lại câu hỏi: hệ thống hậu kiểm đang vận hành như thế nào, và liệu nó có đang chạy sau thực tế quá xa?