Chống hàng giả

Sữa giả – món “đặc sản” của thị trường lỏng lẻo

Nguyễn Giang 13/04/2025 21:00

Đường dây sản xuất sữa giả với 573 nhãn hiệu, doanh thu 500 tỷ đồng bị triệt phá, phơi bày những lỗ hổng đáng báo động trong việc kiểm soát thị trường…

Khi Bộ Công an khởi tố vụ án và tạm giam 8 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả quy mô lớn, dư luận một lần nữa rúng động trước mức độ liều lĩnh và tinh vi của tội phạm kinh tế. Hai kẻ cầm đầu đã lập hai công ty, hoạt động dưới vỏ bọc kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng. Nhưng thực chất, đó là những doanh nghiệp “vỏ sạch – ruột bẩn”, tổ chức sản xuất sữa bột giả khép kín từ đầu đến cuối: nhập nguyên liệu, pha trộn, đóng gói, dán nhãn, lưu kho và phân phối.

Tội ác từ những hộp sữa giả

sua-gia-mon-dac-san-cua-thi-truong-long-leo-2.png
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sữa bột giả lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP Hà Nội.

Con số 573 nhãn hiệu sữa bột bị làm giả khiến bất kỳ ai cũng phải giật mình. Cơ quan chức năng cho biết, đường dây này đã lặng lẽ vận hành suốt gần ba năm (từ tháng 8/2021 đến khi bị phát hiện) đã thu lợi khoảng 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, chúng không đưa sản phẩm vào siêu thị hay chuỗi lớn mà lợi dụng các kênh bán hàng trực tuyến, đại lý nhỏ lẻ, nhóm cộng tác viên trên mạng xã hội. Nói cách khác, chúng “ẩn mình” trong những kênh khó bị kiểm soát, nơi hàng nghìn hộp sữa giả có thể trôi nổi mà không bị nghi ngờ.

Đáng chú ý, theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa bột không phải mặt hàng thông thường. Đó là sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh, người già, người bệnh, những nhóm yếu thế nhất trong xã hội. Việc sản xuất và tung ra thị trường hàng loạt sữa giả không chỉ là hành vi trục lợi, mà là một tội ác có hệ thống. Bởi, một em bé uống phải sữa giả không chỉ không được bổ sung dinh dưỡng mà còn có nguy cơ tổn thương hệ tiêu hóa, suy dinh dưỡng hoặc ngộ độc kéo dài.

Nhiều ý kiến cho rằng, một “hệ sinh thái” hàng giả tồn tại, phát triển và thu về hàng trăm tỷ đồng trong suốt gần ba năm không thể chỉ là lỗi của các đối tượng sản xuất. Đó còn là hệ quả từ sự buông lỏng quản lý, những lỗ hổng trong hậu kiểm và sự bị động của các cơ quan liên ngành. Không thể có chuyện hàng nghìn hộp sữa giả được vận chuyển, lưu kho, tiêu thụ mà không ai phát hiện nếu công tác hậu kiểm thực sự chặt chẽ.

Từ vụ án này, giới chuyên gia cho rằng cần nhìn thẳng vào thực tế: các quy trình cấp phép, kiểm tra đột xuất, truy xuất nguồn gốc phải được siết lại, minh bạch và hiện đại hóa. Những kho hàng ở vùng ven, cơ sở sản xuất “ngụy trang”, điểm bán online phải được đưa vào diện giám sát thực chất, thay vì chỉ kiểm tra theo kế hoạch có sẵn. Quản lý thị trường cần chuyển từ tư duy “giám sát sau” sang “phát hiện sớm, cảnh báo sớm”.

Trong khi đó, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cũng không thể phó mặc toàn bộ cho cơ quan chức năng. Chủ động phối hợp giám định, xác minh dấu hiệu hàng giả, gửi cảnh báo khi phát hiện bất thường là điều cần thiết, không chỉ để bảo vệ người tiêu dùng mà còn là cách tự bảo vệ chính mình.

Phải lấp đầy khoảng trống hậu kiểm

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật TNHH L&A Legal Experts đánh giá, sự lan rộng của nạn sữa giả là một dấu hiệu báo động về chất lượng thực thi pháp luật.

sua-gia-mon-dac-san-cua-thi-truong-long-leo-1.jpg
Bên trong kho xưởng của đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng "khủng" trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận.

“Mặt hàng như sữa bột vốn chịu điều kiện nghiêm ngặt về công bố tiêu chuẩn, nhưng các đối tượng vẫn hoạt động suốt 3 năm, điều này cho thấy sự thiếu hụt trách nhiệm trong giám sát thị trường. Cần quy trách nhiệm cụ thể cho cơ quan quản lý địa phương nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng như vậy, đồng thời siết chặt hậu kiểm bằng công nghệ để tránh tình trạng phát hiện muộn, xử lý chậm như hiện nay”, luật sư Nhung nói.

Bình luận về vụ án này, luật sư Nhung cho rằng, vụ việc là một hồi chuông cảnh tỉnh. “Trong một thị trường đang chuyển dịch mạnh về bán hàng online, nếu thiếu kiểm soát, thiếu sự vào cuộc đồng bộ và thiếu ý thức cộng đồng, thì những “hệ sinh thái hàng giả” như thế vẫn sẽ có đất sống. Bởi khi niềm tin bị đóng gói, người mất mát nhiều nhất không chỉ là người tiêu dùng, mà còn là doanh nghiệp chân chính và cả nền kinh tế”, luật sư Nhung nói.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Hồng Tình – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Trí An đánh giá, vụ án này là ví dụ điển hình cho loại hình tội phạm kinh tế “ẩn mình” tinh vi, sử dụng pháp nhân làm bình phong để hợp thức hóa hoạt động phạm pháp. Điều đáng nói không chỉ nằm ở mức độ tinh vi trong sản xuất, mà còn là sự lỏng lẻo trong cơ chế pháp lý liên quan đến kiểm soát chuỗi cung ứng.

“Các đối tượng đã lập công ty, đóng mã số thuế, hoạt động như một doanh nghiệp hợp pháp. Nhưng bên trong, chúng sản xuất sản phẩm giả, đánh tráo niềm tin và trốn tránh mọi nghĩa vụ đạo đức lẫn pháp luật. Pháp luật hình sự hiện hành đã có điều khoản rõ ràng về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng, các khung hình phạt chưa đủ tính răn đe. Nhiều vụ việc chỉ bị xử lý hành chính ở giai đoạn đầu, làm giảm tính nghiêm khắc của pháp luật”, luật sư Trần Hồng Tình chia sẻ.

Do đó, luật sư Trần Hồng Tình cho rằng, cần xem xét mở rộng trách nhiệm hình sự với cả những người tiếp tay trong chuỗi phân phối: như đại lý, cộng tác viên, đơn vị vận chuyển, nếu biết rõ đó là hàng giả mà vẫn tiếp tục tiêu thụ.

“Chỉ khi hình thành một cơ chế pháp lý mang tính răn đe và truy cứu trách nhiệm chuỗi, mới có thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả lộng hành. Đặc biệt với nhóm sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng như sữa bột, cần có quy định riêng, khắt khe hơn về xử lý hình sự và truy cứu dân sự”, luật sư Tình nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sữa giả – món “đặc sản” của thị trường lỏng lẻo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO