Chống hàng giả

Ứng dụng công nghệ số để chống hàng giả, hàng nhái

Gia Nguyễn 08/01/2025 00:30

Vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, mà còn đe dọa quyền lợi của người tiêu dùng.

Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, để ngăn chặn, ứng dụng công nghệ được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay.

hang-hoa1.jpeg
Ứng dụng ghi nhãn điện tử trong quản lý chất lượng sản phẩm là yếu tố cơ bản liên kết thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng sản phẩm

Tính chung cả năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2%). Thu nộp ngân sách trên 541 tỷ đồng (tăng 8%). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó, trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 205 tỷ đồng.

“Điểm nóng” vi phạm trên không gian mạng

Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng bùng nổ, dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán nhiều trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội.
Thực tế cho thấy, một trong những điểm nhấn trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trong năm 2024 của lực lượng chức năng đó là kiểm tra trên môi trường TMĐT.

Theo đó, xác định việc kiểm tra, xử lý vi phạm qua TMĐT có xu hướng tăng cao, các Cục Quản lý thị trường đã chủ động ban hành thành lập các Tổ TMĐT nhằm thực hiện nhiệm vụ nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, tham mưu cũng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan.

Tính đến nay, đã có 63/63 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành quyết định thành lập Tổ TMĐT và các đơn vị chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra về hoạt động TMĐT trong năm 2024.

Liên quan đến lĩnh vực thương mại, toàn lực lượng đã phát hiện, xử lý 3.124 vụ vi phạm (tăng 266% so với năm 2023), chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 48 tỷ đồng (tăng 220% so với năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 34 tỷ đồng (tăng 440% so với năm 2023).

Các đơn vị kiểm tra, xử lý vi phạm trong TMĐT có hiệu quả cao: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng Sơn, Quảng Bình, Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.

Nhìn nhận về thực trang đã nêu, ông Trần Văn Dũng - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý Thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường bày tỏ, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán nhiều trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách…

Cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số

Theo ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường số phải dùng công nghệ số bằng tem chống giả, AI, blockchain,… bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đăng ký quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng khi phát hiện hàng giả, hàng nhái.

Còn theo ông Nguyễn Viết Hồng - Tổng Giám đốc Vina CHG, với tình hình nạn hàng giả ngày càng gia tăng, việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả công tác chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu và giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật, hàng giả một cách chính xác và nhanh chóng.

Vị này cho rằng, công nghệ số không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực trong việc phát hiện và xử lý hàng giả, mà còn tạo sự linh hoạt và chủ động trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong công tác chuyển đổi số, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng.

“Và để triển khai chuyển đổi số hiệu quả trong việc chống hàng giả, doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, đồng thời ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và chống giả bằng cách tích hợp QR code vào bao bì sản phẩm kết hợp với các công nghệ chống giả hiện đại”, ông Hồng đề xuất.

Đồng thời lưu ý, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh cảnh báo hàng giả trên các phương tiện thông tin để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và phân biệt hàng thật, hàng giả, giúp họ mua sắm đúng sản phẩm chính hãng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng nên công bố số “hotline” để tiếp nhận kịp thời các phản ánh của người tiêu dùng về hàng giả.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong công tác chống hàng giả; phần mềm truy xuất nguồn gốc là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, các giải pháp này thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, hàng hóa chất lượng.

Trong khi, người tiêu dùng cũng ý thức hơn việc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc minh bạch, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng. Hiện, nhiều giải pháp số đã được áp dụng như các phần mềm chống hàng giả, các mã sản phẩm QR code riêng biệt…

“Bằng các công nghệ mới và sau nhiều lần nghiên cứu, Hiệp hội cũng đưa ra được tìm ra rất nhiều giải pháp năm 2024 giờ chúng tôi đã chốt lại một giải pháp mang tên của Hiệp hội, bên cạnh quét mã QR code là để truy xuất nguồn gốc, chúng tôi có cả phần mềm chống giả, chúng tôi có giải pháp chống hàng giả theo công nghệ số”, vị này cho hay.

Được biết, để ngăn chặn vi phạm hàng hóa trên TMĐT, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ứng dụng công nghệ số để chống hàng giả, hàng nhái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO