Chống hàng giả

Hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp dịp cuối năm

Khôi Nguyên 05/12/2024 11:05

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng bắt đầu diễn biến phức tạp bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm...

hang-lau-hang-gia-dien-bien-phuc-tap-dip-cuoi-nam-2.jpg
Trên 200.000 sản phẩm xâm phạm quyền nhãn hiệu Redbull bị thu giữ tại xưởng sản xuất ở Bắc Ninh. Ảnh: QLTT

Hàng chục nghìn vụ việc bị phát hiện

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong 11 tháng trong năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.

Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.

Theo số liệu báo cáo cho thấy, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 60 nghìn vụ, phát hiện, xử lý 40 nghìn vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý gần 800 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 400 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 200 tỷ đồng, trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 200 tỷ đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 500 tỷ đồng.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc liên quan hàng giả, hàng nhái và hàng hóa không rõ nguồn gốc được lực lượng Quản lý thị trường phát hiện thời gian gần đây. Tình trạng này cho thấy hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tiếp tục gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội.

Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh LTH, địa chỉ: huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) do ông L.V.L làm chủ, phát hiện hộ kinh doanh nêu trên đang kinh doanh hàng hóa là phân bón giả mạo bao bì và buôn bán hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; tổng số lượng hàng hóa vi phạm trên hóa đơn 40 bao (loại 50 kg/bao tương đương 2 tấn).

Trước đó, trong tháng 10 vừa qua, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Quản lý Thị trường đã kịp thời phát hiện và tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc, nghi hàng giả tại một cơ sở kinh doanh ở số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Đoàn kiểm tra ghi nhận địa điểm kinh doanh được bố trí bài bản với đầy đủ các khu vực: livestream, chốt đơn, máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng. Các khu vực được bố trí riêng biệt, nằm tất cả trên mặt sàn rộng khoảng 1.000m2.

Để kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã đồng loạt triển khai các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm 2024; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhằm ổn định thị trường, kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Trả lời báo chí, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê, cho biết, đơn vị sẽ phối hợp các lực lượng chức năng tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng,…

Trong đó, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm được quan tâm trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: bánh, mứt, kẹo,… Tuy nhiên, bên cạnh công tác nghiệp vụ, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, thận trọng hơn trong việc nhận diện, phòng tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

hang-lau-hang-gia-dien-bien-phuc-tap-dip-cuoi-nam-1.png
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra kho kinh doanh nước hoa không rõ nguồn gốc trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội). Ảnh: QLTT

Tiếp tục “siết” trên không gian mạng

Riêng với lĩnh vực thương mại điện tử, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục tập trung kiểm soát chặt chẽ các kênh kinh doanh online, sàn thương mại điện tử, website, Facebook, TikTok nhằm kiểm chất lượng hàng hóa, việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm và tiếp tục chống hàng giả tại các địa bàn trọng điểm.

Tuy nhiên, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cũng thừa nhận, việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện còn gặp nhiều khó khăn khi kiểm tra xử lý mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Quan trọng nhất là làm sao để tuyên truyền cho mỗi người dân đều hiểu, cùng tham gia ngăn chặn bằng cách không mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ; để mỗi doanh nghiệp chủ động phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả là cách bảo vệ thương hiệu hiệu quả nhất.

Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới. Cùng với đó, kiến nghị Chính phủ tăng nặng mức xử phạt có tính răn đe mạnh hơn nữa để các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái chùn bước trước những lợi nhuận mà các hoạt động phi pháp này mang lại.

“Từ nay đến sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại. Trong đó chú trọng việc lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để bảo đảm ổn định thị trường, từng bước ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hàng lậu, hàng giả diễn biến phức tạp dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO