Tin vào cảm xúc thay vì kiểm chứng, nhiều người tiêu dùng dễ dàng mua phải sữa giả qua livestream, đánh cược sức khỏe bằng niềm tin mù quáng…
Từ một trào lưu bán hàng online, livestream đang dần trở thành kênh tiêu thụ đầy rủi ro, khi đánh trúng tâm lý và cảm xúc người tiêu dùng. Không ít người, chỉ vì vài lời ngọt ngào và hình ảnh quen thuộc trên sóng trực tuyến, đã vô tình trở thành nạn nhân của sản phẩm giả mạo, nguy hại tới sức khỏe.
Không cần phòng thu hoành tráng, không cần giấy kiểm định hay kiến thức chuyên môn, chỉ với một chiếc điện thoại và vài câu chuyện được “dàn dựng” khéo léo, nhiều người bán đã hóa thân thành những “mẹ bỉm sữa” đáng tin trên sóng livestream.
“Em là mẹ hai con, từng vật lộn vì bé đầu còi cọc, uống bao nhiêu sữa ngoại cũng không cải thiện. Từ ngày dùng dòng sữa mát này, bé tăng đều, ăn ngoan ngủ ngoan... Em mừng rơi nước mắt!” – lời chia sẻ ấy vang lên giữa buổi livestream có hàng nghìn lượt theo dõi, kèm ánh mắt long lanh và giọng nghẹn ngào.
Đằng sau hình ảnh giản dị và lời nói chân thành là cả một “màn kịch cảm xúc”: căn bếp ấm cúng, tiếng trẻ con cười đùa, sản phẩm được cầm trên tay và câu khẳng định “đã thử rồi, rất hiệu quả”. Đó là cách niềm tin được gieo trồng, không bằng bằng chứng khoa học, mà bằng sự đồng cảm từ một người “từng trải”.
Khi người xem vừa là cha mẹ, vừa lo lắng cho con cái, thì những câu chuyện đời thường ấy lại trở thành minh chứng thuyết phục. Nhiều người dễ dàng bỏ qua kiểm chứng chỉ vì: “chị ấy cũng từng như mình”. Và từ những lời rao thân tình, hàng nghìn đơn hàng được chốt. Nhưng sản phẩm mang về không phải là dưỡng chất cho con, mà là mối nguy cho cả gia đình.
Hãy nhìn lại vụ triệt phá đường dây sản xuất và phân phối sữa giả quy mô lớn do Bộ Công an công bố gần đây khiến dư luận rúng động: hơn 573 dòng sản phẩm sữa bột và thực phẩm dinh dưỡng bị làm giả nhãn hiệu, giả giấy công bố, đóng gói tinh vi tại các cơ sở do đối tượng tự lập và điều hành. Các pháp nhân như Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group cùng mạng lưới công ty “vệ tinh” được dựng lên để công bố sản phẩm, phân phối tràn lan qua mạng xã hội.
Một “kịch bản” quen thuộc tiếp tục diễn ra: các đối tượng thuê cộng tác viên livestream, đóng vai “mẹ bỉm”, “người từng trải” để tiếp cận người mua một cách cảm xúc hóa, biến hàng giả thành sản phẩm “được tin dùng”.
Đây không còn là một vụ vi phạm đơn lẻ, mà là ví dụ điển hình cho kiểu tội phạm mới: tội phạm lợi dụng lòng tin cảm tính trong không gian mạng để thao túng hành vi tiêu dùng.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về nội dung này, một chuyên gia xã hội học cho biết: “Người tiêu dùng hiện nay vẫn có xu hướng tin vào lời khuyên cá nhân hoặc trải nghiệm quen thuộc hơn là kiểm chứng khoa học. Trong môi trường số, người bán có thể tạo dựng hình ảnh đáng tin, gần gũi để chiếm lấy lòng tin, thay vì thuyết phục bằng chứng cứ rõ ràng.”
Theo vị chuyên gia này, khi niềm tin bị cảm xúc dẫn dắt mà thiếu cơ chế sàng lọc, người tiêu dùng rất dễ bị thao túng. Sữa giả không len lỏi vào bữa ăn từng gia đình vì quá tinh vi, mà vì người dùng đã tự “hạ giáp” chỉ bởi vài lời nói có vẻ thân quen.
Tuy nhiên, pháp luật không thể đứng ngoài cuộc chơi của niềm tin và gian lận. Nhìn lại đường dây sữa giả bị triệt phá mới đây, trao đổi từ góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật TNHH L&A Legal Experts cảnh báo: “Việc giả mạo giấy công bố sản phẩm là hành vi vi phạm nghiêm trọng theo Điều 192 và 193 Bộ luật Hình sự. Ngoài trách nhiệm hình sự, các cá nhân, tổ chức tham gia vào đường dây hàng giả có thể bị xử lý cả về thuế, thương mại và dân sự nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng”.
Bà Nhung nhấn mạnh, cần xem xét cả trách nhiệm pháp lý với các cá nhân livestream bán sản phẩm giả nếu có dấu hiệu đồng phạm hoặc tiếp tay tiêu thụ hàng cấm.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Hồng Tình – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Trí An – bổ sung: “Các nền tảng mạng xã hội hiện chưa bị ràng buộc đủ mạnh về trách nhiệm kiểm soát nội dung livestream thương mại. Phải sửa luật theo hướng quy định trách nhiệm liên đới của nền tảng, thậm chí xử phạt hành chính nếu không ngăn chặn hành vi vi phạm trong không gian của mình.”
Tuy nhiên, siết quản lý thôi chưa đủ. Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ là nâng cao năng lực tự phòng vệ của người dân. Không thể kỳ vọng cơ quan chức năng kiểm soát được từng dòng livestream. Người tiêu dùng cần trang bị kỹ năng nhận biết sản phẩm, tra cứu mã vạch, đọc nhãn mác và, trên hết, học cách đặt câu hỏi trước mỗi cú click.
Suy cho cùng, sữa giả không chỉ là một sản phẩm sai phạm, nó là cái giá phải trả cho một hệ thống niềm tin đang bị thao túng. Trong thời đại mà mỗi cú click có thể quyết định sức khỏe cả gia đình, sự tỉnh táo của cha mẹ không chỉ là lựa chọn, mà là lá chắn đầu tiên.