Ninh Thuận tiếp tục ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư; Thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Chiều 17/1, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp đầu năm 2025, nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đồng thời, đề ra mục tiêu phát triển trong năm cuối của nhiệm kỳ 2020-2025.
Tại hội nghị, ông Trần Quốc Nam - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã ghi nhận và biểu dương những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đã đồng hành chia sẻ với tỉnh những khó khăn, thách thức và đã có nhiều đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận trong năm 2024.
Năm 2024, kinh tế xã hội của tỉnh đã đạt kết quả tích cực, tăng trưởng GRDP đạt 8,74%, đứng thứ 04/14 tỉnh khu vực và 16/63 tỉnh, thành phố; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt trên 98 triệu đồng/người, thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước và trong vùng, đưa Ninh Thuận từ tỉnh khó khăn lên tỉnh có thu nhập trung bình.
Thu ngân sách của tỉnh đạt gần 5 ngàn tỷ đồng, vượt 23,7% kế hoạch đề ra. Ninh Thuận đã khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế;thu hút đầu tư được 1,2 tỉ USD vốn FDI thuộc nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/12/2024 đạt trên 95% kế hoạch giao, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 97%. Đây là năm đạt tỷ lệ cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Hoạt động doanh nghiệp có tín hiệu phục hồi, trong năm 2024 có 455 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 6.459 tỷ đồng. Nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến ngày 31/12/2024 là 4.665 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 96.277,7 tỷ đồng. Đồng thời, có 127 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn điều lệ trên 4.128 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư mở rộng, tăng quy mô đầu tư kinh doanh.
Trong năm, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư, cấp quyết định đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn 26.206 tỷ đồng và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 58 dự án với tổng vốn tăng thêm 19.412 tỷ đồng. Nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai được tổ chức thành công.
Thời gian qua, tỉnh đã quán triệt các sở, ngành “cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc”. Theo đó, Ninh Thuận tập trung quyết liệt công tác tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, ổn định cho hoạt động đầu tư sản xuất của doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư. Với tinh thần “Chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân”, xác định “sự thành công của cộng đồng doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của tỉnh”.
Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh, năm 2025 được tỉnh xác định là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối nhiệm kỳ 2020-2025, năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025) của địa phương.
Để thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển, các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tiếp tục tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Trên tinh thần lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Ninh Thuận mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trao đổi, hiến kế, đề xuất ý kiến thiết thực, tâm huyết về thúc đẩy phát triển các lĩnh vực năng lượng, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản; tiếp cận vốn vay ngân hàng…, nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư, khởi nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Tiến Nghị - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận, trên thực tế, có những vấn đề liên quan đến các cơ chế chính sách mới cũng như phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành vẫn chưa thật sự đồng bộ, thông suốt. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận mong muốn các sở, ban, ngành đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, minh bạch, thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Anh Vũ, năm 2024, Ninh Thuận đón hơn 3,4 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 3.900 tỷ đồng, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, các doanh nghiệp hoạt động du lịch rất phấn khởi.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận đề xuất UBND tỉnh, các sở, ban, ngành hỗ trợ cho Hiệp hội thực hiện tốt hơn nữa vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp hoạt động du lịch và chính quyền các cấp để Hiệp hội tăng thêm động lực, thực hiện đạt mục tiêu thu hút 5 triệu lượt du khách đến Ninh Thuận.
Ông Trần Phú Chiến – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Hacom Holdings cho rằng, việc nhà máy điện hạt nhân có công suất 2000 MW dự kiến được khởi công xây dựng trong năm 2025 là cơ hội lớn cho Ninh Thuận. Nếu xây dựng nhà máy sẽ hút rất lớn các nguồn lực từ nhân công, chuyên gia, hạ tầng xây dựng, đất đai, vật liệu xây dựng... Mỗi năm sẽ có khoảng từ 800 triệu – 1 tỷ USD đổ về thị trường Ninh Thuận. Năm nay tuy tốc độ giải ngân ngân sách đạt 95%, nhưng chúng tôi muốn tỉnh khơi thông thêm nguồn lực từ các doanh nghiệp. Nếu các dự án mà được tỉnh tháo gỡ nhanh, sẽ được đầu tư nhanh và nguồn tiền đầu tư sẽ được giải ngân nhanh. Tôi tin năm 2025 chúng ta sẽ đạt và vượt chỉ tiêu GRDP này.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các doanh nhân, doanh nghiệp, đồng thời, đề nghị các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra.
Trước hết, các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; tăng tốc, bứt phá ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm mới; hành động quyết liệt hơn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong chỉ đạo, điều hành, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu.
Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tập trung giải quyết công việc trách nhiệm, hiệu quả, bảo đảm tiến độ, không để đình trệ công việc của người dân, doanh nghiệp; ưu tiên tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về chính sách đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, quy hoạch để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Kiên quyết khắc phục hiệu quả tình trạng “né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm”; tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” và có cơ chế, chính sách đột phá bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo ông Trần Quốc Nam, các cấp, các ngành cần quán triệt thật sâu sắc phương châm hành động năm 2025 là “Đoàn kết kỷ cương; chủ động sáng tạo; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”. Phải luôn lắng nghe, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách về ưu đãi đầu tư, về hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận tín dụng nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên, đóng góp lớn cho tăng trưởng, giải quyết nhiều việc làm, xuất khẩu…
Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh: Chúng tôi luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xem sự thành công, thịnh vượng của doanh nghiệp chính là thành công, thịnh vượng của tỉnh. Các cấp chính quyền tỉnh tăng cường sự tương tác với doanh nghiệp, chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời cũng như lắng nghe hiến kế thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư...
Các Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ và các Hiệp hội ngành nghề tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò tập hợp các doanh nhân, doanh nghiệp, tạo sự đoàn kết, thống nhất và làm cầu nối gắn kết bền chặt, thân thiện với chính quyền các cấp; đề xuất, hiến kế những biện pháp cụ thể, cùng chung sức xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Ninh Thuận ngày càng lớn mạnh; phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần tự lực, tự cường, gặt hái những thành công mới, góp phần xây dựng Ninh Thuận ngày càng phát triển, thịnh vượng.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã tặng bằng khen cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh Ninh Thuận phát triển trong năm 2024.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Nhiều năm qua cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng đối với môi trường đầu tư, đối với cơ hội phát triển trên địa bàn của tỉnh và tỉnh cũng luôn nằm trong top đầu nhờ cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Chúng tôi nhìn thấy được khát vọng từ chính các doanh nghiệp. Ninh Thuận sẽ là điểm đến trong 5 năm tới và có tiềm năng lợi thế không phải địa phương nào cũng có. Ninh Thuận sẽ được thành lập 4 trung tâm: Trung tâm năng lượng sạch và năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục đầu tư 57 dự án và 3700MW thêm năng lượng hạt nhân nữa là năng lượng sạch và năng lượng xanh Ninh thuận trở thành số 1 trung tâm năng lượng tái tạo. Trở thành Trung tâm công nghiệp dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng đặt tại Ninh Thuận. Cả nước có 2 trung tâm, một đặt tại Phía Bắc. Trung tâm sản xuất Chip và trí tuệ nhân tạo AI và Trung tâm Dữ liệu quốc gia và khu vực trên thế giới.