VCCI đề xuất bỏ thủ tục đăng ký với sàn TMĐT nhỏ và website bán hàng để giảm gánh nặng hành chính, song cũng đặt ra yêu cầu kiểm soát rủi ro pháp lý phù hợp…
Trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất một loạt điều chỉnh đáng chú ý liên quan tới hoạt động của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nhỏ và website bán hàng trực tuyến.
Theo VCCI, quy định hiện hành yêu cầu cả sàn TMĐT quy mô nhỏ lẫn các website bán hàng đơn giản cũng phải thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký, giống như các sàn lớn như Shopee, Lazada… Điều này được cho là không còn phù hợp trong bối cảnh TMĐT đã trở thành xu thế phổ biến, và nhu cầu khởi nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ ngày càng lớn.
Đáng chú ý, VCCI đề xuất hai điểm chính: Thứ nhất, sàn TMĐT quy mô nhỏ không phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động ngay từ đầu, mà chỉ cần thông báo khi bắt đầu vận hành. Việc đăng ký chỉ bắt buộc khi sàn đạt đến ngưỡng quy mô nhất định.
Thứ hai, bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo/đăng ký đối với các website TMĐT bán hàng, bởi thực chất đây chỉ là kênh tiếp thị hàng hóa, không tạo ra những quan hệ giao dịch phức tạp như mô hình sàn TMĐT.
Lập luận của VCCI dựa trên nguyên tắc “quản lý theo mức độ rủi ro”, từng được áp dụng tại Nghị định 147/2024/NĐ-CP về dịch vụ mạng xã hội. Theo đó, các nền tảng nhỏ không phải xin giấy phép tiền kiểm, mà sẽ chịu chế tài hậu kiểm nếu phát sinh vi phạm.
Với phương án tương tự áp dụng cho TMĐT, VCCI kỳ vọng sẽ giảm mạnh gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán hàng trực tuyến.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài – Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Chống hàng giả cho rằng đề xuất của VCCI là “một hướng đi cởi mở và tiến bộ”, phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số. Tuy nhiên, bà cảnh báo: “Nếu hệ thống hậu kiểm không đủ năng lực, cơ chế nới lỏng sẽ nhanh chóng biến thành kẽ hở lớn cho các vi phạm bùng phát, đặc biệt là hành vi bán hàng giả, hàng nhái, gian lận trong thanh toán”.
Theo luật sư Hoài, để đảm bảo hiệu quả, nhà nước cần quy định rõ các ngưỡng định lượng như số lượng giao dịch, doanh thu, lượng người dùng… làm cơ sở xác định khi nào sàn TMĐT phải đăng ký đầy đủ. Đồng thời, cần đưa vào luật các yêu cầu bắt buộc về công khai chính sách vận hành, giải quyết tranh chấp, bảo vệ dữ liệu cá nhân ngay cả đối với sàn nhỏ.
“Đừng để sự thuận tiện cho người bán trở thành gánh nặng cho người mua. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải là nguyên tắc bất biến, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ”, luật sư Hoài nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts – cho rằng việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là xu hướng quản lý hiện đại, nhưng phải song hành với nâng cao trách nhiệm pháp lý của các chủ thể kinh doanh.
“Theo cơ chế đề xuất, các website TMĐT bán hàng sẽ được miễn thủ tục, còn sàn nhỏ chỉ cần thông báo. Về mặt pháp lý, điều này làm nhẹ gánh thủ tục cho doanh nghiệp, nhưng lại đặt ra áp lực rất lớn cho công tác thanh tra, kiểm tra – vốn còn rất mỏng về lực lượng và công cụ số hóa”, bà Nhung phân tích.
Luật sư Nhung đề xuất nên thiết lập cơ chế cảnh báo sớm. Ví dụ: nếu một sàn nhỏ có tỷ lệ khiếu nại vượt mức, bị tố cáo nhiều lần mà không xử lý hoặc có dấu hiệu né tránh trách nhiệm, thì phải buộc đăng ký lại như sàn lớn hoặc tạm dừng hoạt động để kiểm tra toàn diện.
Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm rõ ràng của người vận hành sàn: từ nghĩa vụ lưu giữ dữ liệu giao dịch, hợp tác với cơ quan quản lý, đến bồi thường thiệt hại khi để xảy ra vi phạm.
Thực tế cho thấy, nhiều sàn TMĐT nhỏ và website bán hàng cá nhân là nơi tiềm ẩn rủi ro về hàng lậu, hàng cấm, thông tin sai lệch hoặc gian lận thương mại. Việc bãi bỏ cấp phép, nếu không kèm ràng buộc nghĩa vụ và công cụ giám sát hiệu quả, có thể dẫn đến hậu quả ngoài mong muốn.
Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng TMĐT quy mô nhỏ đang là trụ cột mới của khởi nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn hậu COVID-19, khi nhiều hộ kinh doanh chuyển sang hình thức bán hàng online như Facebook, TikTok Shop, các sàn địa phương...
Do đó, các chuyên gia nhận định, giải pháp lý tưởng là một cơ chế nới lỏng có điều kiện, trong đó vừa mở cửa cho doanh nghiệp dễ tiếp cận thị trường, vừa có hành lang pháp lý và cơ chế giám sát đủ mạnh để đảm bảo trật tự – minh bạch – an toàn cho toàn hệ sinh thái.