Cơ chế tiếp theo cho thị trường năng lượng tái tạo, được đánh giá khả thi hiện nay là cơ chế đấu thầu, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ quy trình và cách thức đấu thầu của mô hình này.
>>Sau khi rà soát, Quy hoạch điện VIII được trình lại
Để tìm hiểu về quy trình và lợi ích cũng như kinh nghiệm của các nước quốc tế về cách thức đấu thầu cho dự án năng lượng tái tạo, DĐDN đã có buổi phỏng vấn ông Phan Công Tiến chuyên gia nghiên cứu về năng lượng xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, vì sao cơ chế đấu thầu được đánh giá là khả thi so với các cơ chế khác?
Như chúng ta đã biết cơ chế ưu đãi (giá FIT) chỉ có thể phát triển ở một giai đoạn cụ thể với một số lượng công suất tham gia hạn chế để tránh ảnh hưởng lớn đến biến động giá điện bán lẻ đầu ra. Về lâu dài để phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) thì cần phải có một cơ chế cân bằng những giải pháp, phương thức để phát triển một cách bài bản và bền vững theo thị trường, mà một trong những cơ chế được cho là khả thi hiện nay được các nước trên thế giới đang áp dụng thành công là cơ chế đấu thầu.
Hiện nay đối với các ngành kinh tế khác, chúng ta cũng đang áp dụng và thấy rất rõ những lợi ích từ cạnh tranh công bằng về giá, đạt tiêu chuẩn và qui định, đem lại sự công bằng và lợi ích cho người mua hàng từ cơ chế đấu thầu. Tuy vậy đối với nước ta, áp dụng cơ chế đấu thầu cho lĩnh vực điện năng lượng tái tạo còn khá mới mẻ và thiếu các văn bản quy định pháp luật để điều chỉnh phạm vi này.
- Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện đấu thầu để phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo?
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các nước đã bắt đầu thực hiện hình thức đấu thầu từ năm 2005 - 2017 ở 29 quốc gia, năm 2018 có ít nhất 48 nước đã tổ chức đấu thầu và cho đến nay đã thực hiện đấu thầu năng lượng tái tạo trên 80 nước. Theo báo cáo của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa kỳ_ USAID cho thấy kết quả trao thầu cho một số dự án được phát triển thông qua đấu thầu có giá cạnh tranh thấp kỷ lục như trong năm 2017, các dự án điện mặt trời được trao thầu tại Mexico với giá 1,9 cents/kWh, tại Chilê đạt tới mức giá 2,1 cents/kWh, Ả Rập Saudi là 2,3 cents/kWh và Abu Dhabi/UAE ($2,4 cents/kWh.
Tương tự, cũng với giá thấp kỷ lục cho một số dự án điện gió trên bờ ở Mexico với giá 1,8 cents/kWh, tại Ma Rốc với giá 2,5 cents/kWh và Brazil là 3 cents/kWh. Ở Zambia và Senegal, các dự án điện mặt trời được trao thầu với giá 6 cents/kWh vào năm 2016 và 4,7 cents/kWh vào năm 2017. Tại Kazakhstan năm 2018 giá điện gió trên bờ là 5,3 cents/kWh. Tại Afghanistan, dự án điện mặt trời được trao với giá 7,3 cent/kWh trong cuộc đấu thầu năm 2016.
Các kết quả giá điện thông qua đấu thầu thấp kỷ lục nói trên có thể chưa phản ảnh đúng bản chất chung của giá điện năng lượng tái tạo theo thị trường thông qua đấu thầu bởi vì nó còn phụ thuộc với nhiều yếu tố, nhiều tình huống cụ thể ở mỗi nước, mỗi đợt đầu thầu, tuy nhiên có thể thấy rằng cơ chế đấu thầu tạo cơ hội cạnh tranh thực sự, giúp người mua điện được hưởng lợi trực tiếp giá mua điện cạnh tranh nhất.
- Ngoài việc đạt được các kết quả giá cạnh tranh, việc tổ chức đấu thầu để phát triển năng lượng tái tạo còn có những lợi ích gì khác không, thưa ông?
Một lợi ích khác mang lại của đấu thầu là khi đấu thầu, việc tổ chức thực hiện được công khai minh bạch và được thông báo rộng rãi, từ đó các bên liên quan như Nhà đầu tư, Đơn vị truyền tải điện, Đơn vị phân phối điện và cơ quan liên quan khác sẽ có cơ sở và thời gian phối hợp nhịp nhàng hơn trong việc chuẩn bị dự án, chuẩn bị đường truyền tải, lưới phân phối từ đó hạn chế thấp nhất việc lỡ nhịp để tích hợp nguồn NLTT khi nhà máy điện được hoàn thành, tránh việc cắt giảm công suất gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
>>Sẵn sàng cơ chế đấu thầu năng lượng tái tạo
>>Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 2: Cần xây dựng cơ chế giá mua điện phù hợp
Mặt khác, thông qua đấu thầu Chính phủ sẽ đưa ra tiêu chí trong hồ sơ mời thầu từ đó sẽ định hướng và cân đối được số lượng công suất NLTT phát triển theo vùng miền tốt hơn. Ngoài ra thông qua công cụ này, Chính phủ định hướng một tỉ lệ phần trăm nội địa hóa hợp lý, đây là công cụ rất tốt để tạo cơ hội phát triển chuỗi cung ứng nội địa, góp phần thúc đẩy các nền kinh tế phụ trợ khác trong chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị năng lượng tái tạo.
Đơn cử theo báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo Quốc tế_ IRENA thì tại Trung Quốc, họ yêu cầu về nội dung nội địa hóa đối với đấu thầu điện gió trên bờ được đặt ra ở mức 50% vào năm 2003 và tăng lên 70% vào năm 2005, đã đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành năng lượng gió trong nước. Thông qua cách tổ chức này nhiều nhà cung cấp thiết bị NLTT quốc tế phải đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với doanh nghiệp trong nước để sản xuất thiết bị điện gió trong nước và thực tế nhiều Công ty Trung Quốc đã lớn mạnh và vươn ra thế giới trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, đấu thầu NLTT tạo ra “sân chơi” rộng mở và công bằng cho tất cả các nhà đầu tư, kể cả doanh nghiệp tư nhân lẫn doanh nghiệp Nhà nước đều có thể tham gia bình đẳng. Mặt khác qua đấu thầu sẽ sàng lọc và xác lập được các nhà đầu tư có năng lực mạnh sẽ đồng hành lâu dài đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia.
- Như vậy cách thức và đề bài đặt ra để đấu thầu một dự án năng lượng tái tạo là như thế nào thưa ông?
Có rất nhiều cách thức đấu thầu và đề bài khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù mỗi quốc gia để đưa ra phù hợp, cụ thể như đưa ra qui mô công suất nguồn điện cần đấu thầu bổ sung vào hệ thống với đơn vị vài chục đến vài trăm MW cho mỗi đợt thầu, hay là đấu thầu theo qui mô sản lượng phát điện với vài chục đến vài trăm MWh theo các mốc thời điểm hoặc theo qui mô gói tài chính với tổng số tiền có được v.v.
Ngoài ra đấu thầu cũng chia theo đặc thù công nghệ như điện mặt trời (solar farm), điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, thủy điện nhỏ, điện sinh khối hoặc qui mô công nghệ hỗn hợp tức là kết hợp nhiều loại công nghệ khác nhau cho một gói thầu. Việc đấu thầu còn phân ra hình thức đấu thầu chưa xác định vị trí dự án chính xác và hình thức xác định vị trí dự án cụ thể. Tức là yêu cầu đấu thầu để cung cấp cho khu vực vùng phụ tải nhất định cho một qui mô nguồn điện nhất định nào đấy, nhà đầu tư sẽ tự chọn vị trí dự án của mình trong khu vực phụ tải để chào thầu, hoặc có thể Chính phủ chỉ định vị trí dự án cụ thể, các nhà đầu tư đấu thầu cạnh tranh trên vị trí dự án cụ thể này.
Ngoài ra cũng có phân theo loại đấu thầu hồ sơ kín, tức giá chào giá cố định và loại đấu thầu mở có nhiều giai đoạn để đàm phán giá, khối lượng. Một ví dụ cụ thể như đối với Philippines trong đầu năm 2022, theo báo cáo Bộ Năng lượng Philippines đã thông báo đợt đấu thầu công suất 2000Mw nguồn năng lượng tái tạo bổ sung vào hệ thống điện quốc gia theo phương thức đấu thầu theo từng loại công nghệ, và bổ sung cho từng vùng phụ tải cụ thể gồm có tại khu vực Luzon gồm thủy điện nhỏ 80Mw, điện sinh khối 60Mw, điện mặt trời farm 900Mw, điện gió trên bờ 360Mw. Khu vực Visayas với điện sinh khối 120Mw, điện mặt trời 260Mw, điện gió 20Mw và khu vực Mindanao: thủy điện nhỏ 50 mw, điện sinh khối 50 mw và điện mặt trời 100 Mw.
- Quy trình đấu thầu dự án năng lượng tái tạo tại các nước được được tổ chức như thế nào, thưa ông?
Dựa vào Qui hoạch điện Quốc gia và nhu cầu phụ tải vùng miền, Chính phủ các nước hàng năm lên mục tiêu NLTT để có kế hoạch đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng thị trường công suất điện mới.
Thông thường cơ quan chủ trì đấu thầu thường là bộ máy chuyên môn trực thuộc Bộ chuyên ngành thường là Bộ Năng lượng/Bộ Công Thương, cùng tham gia nhóm đấu thầu còn có các cơ quan liên quan của Chính phủ, các thành viên điều hành hệ thống điện (hoặc Thị trường điện), các đơn vị quản lý truyền tải, phân phối .v.v. Tuy nhiên quan trọng nhất phải có xác định được danh mục dự án và hệ thống pháp luật liên quan để thực hiện đấu thầu, cái này tôi sẽ nói cụ thể sau.
Sau khi xác định được qui mô NLTT cần bổ sung vào hệ thống, các trình tự triển khai đấu thấu cũng gần giống như việc đấu thầu các dự án mà chúng ta hiện đang triển khai cụ thể gồm các bước sau:
Một là, ban hành giá trần trên; Hai là, ban hành hồ sơ thầu và qui trình đánh giá; Ba là, các nhà đầu tư đăng ký và nộp hồ sơ năng lực.
Bốn là, đánh giá và phê danh sách nhà đầu tư có năng lực; Năm là, Các nhà đầu tư gửi bản chào giá.
Sáu là, đánh giá bản giá chào và công bố trao dự án. Có nhiều tiêu chí lựa chọn nhưng thông thường là dự án nào được chào với giá điện trên Kwh thấp nhất sẽ được trao dự án. Với một qui trình rõ ràng và minh bạch như trên, các nước đã thực hiện đấu thầu và phát triển thành công nhiều công suất nguồn điện từ các nguồn NLTT trong nhiều năm qua.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp ổn định nguồn năng lượng tái tạo hướng tới Net Zero
03:00, 06/11/2022
Khai thác tiềm năng từ nguồn năng lượng tái tạo
02:49, 04/11/2022
Phát triển năng lượng tái tạo: Cần thêm cơ chế, chính sách
15:24, 24/10/2022
Phát triển năng lượng tái tạo còn nhiều rào cản
03:00, 14/10/2022
Thị trường năng lượng tái tạo - Bài 1: Đàm phán giá mua điện khó khả thi
03:50, 10/08/2022
Xin cảm ơn ông!