Kinh tế

Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 1: Kinh nghiệm từ quốc tế

TS Dư Văn Toán (*) 11/01/2025 05:00

Nguồn điện gió ngoài khơi đã khẳng định vị thế là một phương án phát điện quy mô lớn, sạch và đáng tin cậy giúp đảm bảo an ninh năng lượng ở nhiều quốc gia.

Giá trị dài hạn

Theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng tái tạo Thế giới (IRENA), các nguồn điện năng lượng tái tạo có thể tạo ra 130.000 TWh điện mỗi năm, cao hơn gấp đôi nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu hiện nay. Trong đó, điện gió ngoài khơi vào năm 2050 có thể chiếm đến gần 40% sản lượng điện năng lượng tái tạo trên toàn cầu.

Công nghệ chuyển đổi gió trên biển thành điện năng nhờ các turbine gió có công suất lớn lên đến 16- 20 MW, được chế tạo với tuổi thọ cao hơn lên đến 25 - 30 năm, phù hợp với điều kiện đầu tư khắc nghiệt trên biển. Điện gió ngoài khơi (ĐGNK) là hình thức khai thác sức gió ngoài biển để biến thành điện năng và cung cấp cho mạng lưới truyền tải điện trên bờ.

12.jpg
Các quốc gia khác cũng gặp khó khăn về tranh chấp quyền sở hữu đất đai, tài nguyên biển và vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.

Đối với nhiều quốc gia, ĐGNK đã khẳng định vị thế là một lựa chọn phát điện quy mô lớn, sạch và đáng tin cậy, với những lợi thế như: là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính; tạo thêm việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cải thiện đời sống của người dân. Khi các nhà máy điện gió ngoài khơi đi vào hoạt động tạo thêm việc làm chất lượng cao từ nguồn nhân lực trong nước; phục hồi dần hệ sinh thái biển để trở thành khu bảo tồn thiên nhiên nhờ cấu trúc móng dưới nước của các turbine gió ngoài khơi có thể hoạt động như các rạn san hô nhân tạo, thu hút một số loài nhuyễn thể và cá nhỏ, tác động trực tiếp đến chuỗi thức ăn của các loài sinh vật lớn.

Theo thống kê của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), lũy kế đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt ĐGNK trên toàn cầu đạt 75,2 GW, trong đó đứng đầu là Trung Quốc (37,6 GW) chiếm 50%, Vương quốc Anh (13,6 GW) chiếm 20%, Đức (8 GW) chiếm 11%, Hà Lan (4,5 GW) chiếm 6%, Đan Mạch (3 GW) chiếm 4%. 5 quốc gia trên chiếm đến 91% trong tổng công suất lắp đặt ĐGNK toàn cầu; các quốc gia còn lại, trong đó có Việt Nam, chỉ chiếm có 9%.

Đặc biệt, Đan Mạch có kế hoạch tiêu thụ điện từ năng lượng gió ngoài khơi đạt 50% vào năm 2030, Vương quốc Anh đã xây dựng được dự án ĐGNK lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án ĐGNK cũng gặp phải khó khăn và thách thức như: tranh chấp quyền sở hữu đất đai, tài nguyên biển và vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Do đó, để phát triển được ĐGNK cần có sự hợp tác giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Chính sách hỗ trợ

Để xây dựng hệ thống hành lang pháp lý và chính sách phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và bảo vệ môi trường. Gần đây, các quốc gia có chính sách cụ thể cho điện gió ngoài khơi gồm cơ quan đầu mối quản lý cấp phép điện gió ngoài khơi (Mỹ là Cục Năng lượng Đại dương - BOEM, Australia là Cục Năng lượng và Biến đổi Khí hậu) và một số đạo luật, chiến lược phát triển về điện gió ngoài khơi.

13.jpg
Các nước khác đã có chính sách đặc thù hỗ trợ

Các quốc gia đi đầu trong phát triển điện gió ngoài khơi như Đan Mạch, Vương Quốc Anh, Đức đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ hiệu quả. Đan Mạch, quốc gia tiên phong, đã ban hành Đạo luật về ĐGNK từ năm 1991, thiết lập cơ chế đấu thầu cạnh tranh và hỗ trợ tài chính cho các dự án Vương quốc Anh cũng đưa ra Đạo luật Năng lượng từ năm 2013 với mục tiêu cụ thể cho ĐGNK, kèm theo cơ chế hỗ trợ giá (CfD). Chính phủ Đức thông qua Luật Năng lượng Tái tạo (EEG) với cơ chế feed-in-tariff ưu đãi cho điện gió ngoài khơi từ năm 2000.

Các nước này cũng tạo thuận lợi về quy hoạch không gian biển, đầu tư lưới điện, chuỗi cung ứng và logistics. Đan Mạch xây dựng atlas gió, quy hoạch các khu vực tiềm năng và hạ tầng kết nối. Vương quốc Anh thiết lập các vùng dự án, đầu tư nâng cấp lưới truyền tải. Đức đưa ra quy hoạch tích hợp các trang trại điện gió trên biển và đầu tư công nghệ cho lĩnh vực này.

Về công nghệ, các nước này đều chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển các giải pháp tiên tiến như turbine công suất lớn (10 - 15 MW), nền móng nổi cho vùng nước sâu, hệ thống lưu trữ năng lượng. Chính sách ưu đãi và tài trợ của nhà nước đã thúc đẩy sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và sự hợp tác với các nhà sản xuất turbine hàng đầu như: Vestas, Siemens Gamesa, GE.

Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô điện gió ngoài khơi cũng đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia. Vấn đề về chi phí đầu tư ban đầu cao, quá trình cấp phép phức tạp và xung đột với các bên liên quan (như ngư dân, vận tải biển) là những rào cản chính. Việc tích hợp một lượng lớn điện gió ngoài khơi vào hệ thống điện cũng đòi hỏi nâng cấp đáng kể cơ sở hạ tầng lưới điện, tăng khả năng dự phòng và linh hoạt của các nguồn phát khác. Bên cạnh đó, tác động môi trường như tiếng ồn, thay đổi sinh thái biển cần được giám sát và giảm thiểu trong điều kiện cho phép.

Trước các phân tích trên cho thấy để vượt qua các thách thức này, việc hoàn thiện khung pháp lý, thu hút đầu tư tư nhân, tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế được xem là những giải pháp quan trọng. Kinh nghiệm từ các quốc gia đi đầu sẽ là bài học quý cho Việt Nam trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.

(*)TS Dư Văn Toán - Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo

Bài 2: Thiếu hành lang pháp lý để thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển điện gió ngoài khơi - Bài 1: Kinh nghiệm từ quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO