Doanh nghiệp đề xuất cần sớm ban hành khung giá điện cho các loại hình dự án điện năng lượng tái tạo, giúp nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt cho khâu lập kế hoạch triển khai.
Thị trường năng lượng liệu có bùng nổ?
Năm 2025 thị trường năng lượng tái tạo sẽ khởi sắc và bứt tốc nhờ các cơ chế, chính sách được ban hành từ năm 2024 như Kế hoạch thực hiện điện VIII, Nghị định 135 về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, Luật Điện lực. Đặc biệt mới đây ngày 28/12, Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1682/QĐ -TTg về việc Phê duyệt bổ sung, cập nhật kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từ năm 2021 -2030 tầm nhìn đến năm 2050 (QH điện VIII).
Việc ban hành kế hoạch bổ sung kịp thời sẽ tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến sự chậm trễ trong triển khai các dự án nguồn và lưới điện, giảm khoảng cách kéo dài tiến độ vận hành, giúp đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ các mục tiêu cung cấp đủ điện và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên song song với các chính sách đã ban hành, doanh nghiệp năng lượng tái tạo mong muốn Chính phủ sớm ban hành khung giá điện cho các loại hình dự án điện năng lượng tái tạo giúp nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt cho khâu lập kế hoạch triển khai dự án.
Với điện mặt trời cần sớm hoàn thiện các quy định bổ sung công suất theo quy hoạch để các chính sách ban hành ra thực thi được, không phải chờ đợi thêm. Đặc biệt là cơ chế DDPA theo Nghị định số 80/2024/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03 tháng 7 năm 2024 Quy định về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương sớm lấy ý kiến hoàn thiện bổ sung để có hành lang pháp lý triển khai áp dụng được trong đầu năm 2025.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn năng lượng tái tạo trong nước chia sẻ: Chúng ta đều biết Luật Điện lực (sửa đổi) vừa mới chính thức được Quốc hội thông qua, mở ra hành lang pháp lý cho các dự án phát điện từ năng lượng tái tạo, cùng với đó là một loạt khung chính sách về quy hoạch, đầu tư và cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hay cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA. Đây là các yếu tố then chốt để chúng ta có thể hiện thực hoá các mục tiêu về phát triển điện gió, điện mặt trời và các loại hình năng lượng tái tạo khác được đề ra trong Quy hoạch điện VIII. Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi rất kỳ vọng vào Chính phủ thúc đẩy nhanh các quy trình và thủ tục cho dự án năng lượng tái tạo mới để sớm đưa vào xây dựng và vận hành.
“Năm 2025 sắp đến, đối với doanh nghiệp chúng tôi sẽ là một năm dấu ấn, bởi chúng tôi đang triển khai một loạt các công việc tổng thầu xây lắp cho 450MW dự án điện gió và 30MW dự án điện mặt trời ở trong và ngoài nước. Những kết quả thành công của dự án sẽ là niềm tri ân sâu sắc tới mọi sự nỗ lực và cố gắng của toàn bộ nhân viên, sự tin tưởng của khách hàng và đối tác đã đồng hành cùng với ban lãnh đạo công ty trong suốt quá trình hình thành và phát triển của chúng tối trong 25 năm qua”- đại diện đơn vị Tập đoàn năng lượng trong nước cho biết.
Đề xuất từ doanh nghiệp
Với các cơ sở của Quy hoạch điện VIII đưa ra cho ngành năng lượng và mục tiêu thực hiện Net Zero vào 2050, nhiều doanh nghiệp sản xuất mong muốn các chính sách ban hành đều có hướng dẫn rõ ràng để doanh nghiệp dễ thực thi áp dụng. Việc này không chỉ giảm thiệt hại cho nền kinh tế, mà còn giảm hệ lụy các sai phạm, kiện tụng quốc tế kéo dài. Điển hình như danh sách 14 dự án của tỉnh Ninh Thuận đang đề xuất phương hướng giải quyết khó khăn do kết luận của Thanh tra Chính phủ số 1027/KL-TTCP ngày 28/4/2023 về việc vi phạm hưởng ưu đãi giá bán điện không đúng Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018.
Trước những hệ lụy đó doanh nghiệp đề xuất các chính sách ban hành cần rõ ràng, minh bạch và dễ hiểu, dễ áp dụng. Trong bối cảnh chỉ còn 6 năm để đảm bảo tiến độ và mục tiêu phát triển điện năng lượng tái tạo đến 2030 đã đề ra trong Quy hoạch điện VIII, nhiều nhà đầu tư trong nước cho rằng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, các cấp thẩm quyền cần thúc đẩy đơn giản hoá quy trình và thủ tục về phê duyệt quy hoạch liên quan, thẩm định dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng, đền bù giải phóng mặt bằng.
Đặc biệt, cần sớm ban hành khung giá điện cho các loại hình dự án điện năng lượng tái tạo giúp nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt cho khâu lập kế hoạch triển khai, các bước đầu tư và huy động tài chính cho dự án. Ngoài ra, Chính phủ cần tháo gỡ khó khăn bất cập trong triển khai các dự án điện gió ngoài khơi vì loại hình dự án này còn rất mới mẻ ở Việt Nam, đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ càng và nhiều thời gian trong giai đoạn triển khai dự án.
“Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước, tuy nhiên, phía trước là thách thức không hề nhỏ và cần sự phối hợp giữa các bên nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như thực hiện được các cam kết về trung hoà các-bon vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Chúng tôi với vai trò là doanh nghiệp tư nhân tham gia trong chuỗi cung ứng nội địa cần phải luôn sẵn sàng về nguồn nhân lực, năng lực kỹ thuật và tài chính để góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia”- đại diện nhà đầu tư và thi công các dự án điện năng lượng tái tạo trong nước chia sẻ.