Nghiên cứu - Trao đổi

Luật Điện lực (sửa đổi): Động lực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 06/12/2024 11:05

Không chỉ tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch trong quá trình cải cách và hiện đại hóa ngành điện, Luật Điện lực (sửa đổi) còn được cho sẽ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Theo đó, Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

luat-dien-luc-sua-doi-05.12.1.jpg
Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị - Ảnh minh họa

Nội dung của Luật không chỉ bao quát được các chính sách lớn như: quy hoạch điện lực, thị trường điện và phát triển năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với các luật liên quan. Mà còn bổ sung nhiều quy định để tháo gỡ những điểm nghẽn trong đầu tư dự án điện như: khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo; cơ chế thực hiện các dự án điện khẩn cấp; làm rõ cơ chế xử lý, chính sách mới về giá, hợp đồng mua bán điện; thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh; khuyến khích đa dạng các thành phần kinh tế tham gia đầu tư…

Với việc sẽ có hiệu lực từ ngày 01/02/2025 – Luật Điện lực (sửa đổi) được cho là Dự án Luật quan trọng, đem đến nhiều kỳ vọng, tác động mạnh đến việc phát triển nguồn năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đáng nói, một trong những nội dung mới Luật (sửa đổi) lần này đem lại là việc xây dựng hành lang pháp lý liên quan đến phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong đó, Luật quy định các cơ chế như tư nhân hóa lưới điện truyền tải, cũng như hợp đồng BOT cho điện khí (LNG) và điện gió ngoài khơi, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

luat-dien-luc-sua-doi-05.12.2.jpg
Với nhiều quy định mới, Luật Điện lực (sửa đổi) được cho sẽ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo - Ảnh minh họa

Không chỉ có vậy, Luật Điện lực (sửa đổi) còn khuyến khích phát triển các hệ thống điện tự sản xuất và tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, mang lại tính linh hoạt và giảm áp lực lên lưới điện quốc gia. Việc cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị trong các nhà máy điện năng lượng tái tạo cũng được quy định rõ ràng, nhằm đảm bảo hiệu quả vận hành và kéo dài tuổi thọ công trình.

Các quy định này được kỳ vọng, không chỉ tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế, mà còn đặt nền móng cho một hệ thống năng lượng ổn định, hiệu quả.

Nhìn nhận về các nội dung đã nêu, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) mang ý nghĩa to lớn trong việc định hình lại thị trường điện lực Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững. Đây không chỉ là bước ngoặt về mặt pháp lý mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành năng lượng tái tạo và thị trường điện lực hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.

Theo vị chuyên gia này, Luật khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện nay như thiếu quy định rõ ràng, để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; nhất là chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi,...

Do đó, với các quy định mới của Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ giúp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, những điểm mới của Luật Điện lực (sửa đổi) không chỉ tạo ra một khung pháp lý thuận lợi cho phát triển thị trường điện mà còn góp phần nâng cao tính bền vững trong phát triển năng lượng của Việt Nam.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu của thế giới hiện nay.

Được biết, Bộ Công Thương vừa gửi tờ trình tới Thủ tướng về việc xây dựng, ban hành quyết định của Thủ tướng triển khai thi hành Luật Điện lực năm 2025.

Trong đó, để triển khai Luật Điện lực (sửa đổi) hiệu quả, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ ban hành 7 Nghị định, Bộ trưởng ban hành 27 Thông tư hướng dẫn, trong đó tập trung các nội dung về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn; Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh căn cứ lập, điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân; Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Điện lực (sửa đổi): Động lực thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO