Kiến nghị

Điện mặt trời mái nhà, minh bạch để phát triển bền vững

Phương Thanh 24/11/2024 04:30

Việt Nam cần thiết lập và tăng cường cơ sở dữ liệu quốc gia về các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã và sẽ phát triển mới để giám sát và đánh giá sự bùng nổ của thị trường này.

Xu hướng phát triển do giá thành rẻ nhanh

Tại hội thảo mới đây, báo cáo GIZ đã chỉ ra rằng chi phí tấm quang điện đã giảm đáng kể, với mức giảm khoảng 50% trong năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm thêm từ 21% đến 34% trong năm 2024. Sự sụt giảm giá này đã góp phần vào hai năm liên tiếp lập kỷ lục về công suất điện mặt trời mới được lắp đặt, với 440GW trong năm 2023 và dự kiến là 590GW trong năm 2024.

Toàn cầu hiện đã vượt qua cột mốc 2 terawatt (TW) công suất điện mặt trời. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu với việc lắp đặt gần 20GW mỗi tháng, nâng tổng công suất lên khoảng 800GW. Đức cũng không kém cạnh với việc thiết lập một kỷ lục lắp đặt mới, và dự kiến sẽ vượt qua ngưỡng 100GW vào cuối năm 2024.

222222.jpg
Việt Nam cần thiết lập và tăng cường cơ sở dữ liệu quốc gia về tất cả các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã và sẽ phát triển mới

Tại Hoa Kỳ, một kỷ lục mới đã được thiết lập với việc lắp đặt thêm 36,4GW trong năm 2023 và dự kiến là 42GW trong năm 2024, đạt tổng cộng khoảng 210GW. Trong khi đó, Ấn Độ đang lắp đặt hơn 1GW mỗi tháng, đạt tổng cộng hơn 80GW. Pakistan cũng ghi nhận một tốc độ tăng trưởng chưa từng có, với ước tính hiện đã đạt hơn 15GW, một bước nhảy vọt từ chỉ 630MW vào tháng 6/2023.

Năng lượng xanh gia tăng sản xuất

Tại Việt Nam, mặc dù nhu cầu sử dụng năng lượng sạch với các nhà máy, doanh nghiệp là rất lớn, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nguồn năng lượng thiên nhiên này.

Theo thông tin từ Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), hiện tại Việt Nam chưa có đến 1% trong số tất cả các mái nhà đã lắp đặt hệ thống ĐMTMN. Do đó theo Tổ chức GIZ để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) thì Việt Nam cần thúc đẩy nhanh hơn nữa sự chuyển dịch năng lượng ở các mô hình nhà xưởng, doanh nghiệp và nhà máy sản xuất tại các khu công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu của GIZ cũng cho rằng, để đạt tỷ lệ này thì Việt Nam cần khoảng 5 triệu hệ thống điện mặt trời cho hộ gia đình và hơn 40.000 hệ thống cho tòa nhà công sở lắp ĐMTMN.

Tuy vậy, để thực hiện hóa được điều này chúng ta cũng cần khuyến khích thúc đẩy các địa phương lắp đặt ĐMTMN, tạo nên một làn sóng sử dụng ĐMTMN trên toàn quốc. Đồng thời cần thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia và minh bạch số lượngcác hệ thống điện mặt trời mái nhà, sản lượng phát triển để giám sát thị trường này.

Về chính sách tạo động tác động trực tiếp, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2024/ NĐ- CP ngày 22/10 quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho thị trường sau một thời gian dài không có chính sách cụ thể. Việc mở lại thị trường điện mặt trời sẽ giúp ích rất lớn cho kế hoạch thực hiện xanh hóa của khối doanh nghiệp sản xuất và thu hút đa lĩnh vực ngành nghề đầu tư, chế tạo lắp ráp mới quan trọng tại Việt Nam.

Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện mặt trời sẽ kéo theo sự bùng nổ của các ngành sản xuất, chế tạo mới như sản xuất tấm quang năng, lưu trữ, thiết bị điện, công nghệ … phục vụ cho chuỗi giá trị năng lượng xanh này.

Minh bạch hệ thống lắp đặt

111111.png
Các dự án ĐMT thương mại và công nghiệp cũng đang đối mặt với với quy định giới hạn 2.600 MW vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VII

Để thúc đẩy thị trường ĐMTMN ở Việt Nam được phát triển đồng bộ, Tổ chức Hợp tác Phát triển (GIZ) kiến nghị: Bộ Công Thương nên bắt đầu công bố “Báo cáo tình hình thị trường điện mặt trời” hàng năm, cung cấp thông tin cập nhật về mức độ triển khai lắp đặt hệ thống ĐMT hàng tháng trong hàng năm để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều nắm được tỷ lệ công suất ĐMTMN đã phát triển.

Trong đó báo cáo nên tổng hợp dữ liệu về số lượng hệ thống đã được lắp đặt, số lượng hệ thống tại mỗi tỉnh, dữ liệu về quy mô dự án và các chỉ số quan trọng khác. Đồng thời Chính phủ Việt Nam có thể sử dụng Báo cáo tình hình thị trường ĐMT này để chia sẻ thông tin về các chính sách của Chính phủ và để nâng cao hiểu biết về các vấn đề và cập nhật khi có phát sinh.

Ngoài ra, trong bối cảnh một số chính sách vừa ban hành về phát triển ĐMTMN hiện nay tại Việt Nam, một loạt câu hỏi mở đã được đặt ra như vấn đề về mức trần giới hạn công suất bán.

Cụ thể như doanh nghiệp dùng không hết được bán lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt. Quy định này của Chính phủ đã mở ra sự khích lệ lớn với doanh nghiệp. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đây có phải là đơn vị được quy định để giới hạn theo công suất lắp đặt (kW) hay sản lượng (kWh)? Do 30% số ngày trong năm là các ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ, vậy việc giới hạn phát tối đa 20% cùng yêu cầu lắp đặt thiết bị chống phát ngược có thể khiến lượng điện năng bị lãng phí.

Bên cạnh đó, các dự án ĐMT thương mại và công nghiệp cũng đang đối mặt với với quy định giới hạn 2.600 MW vào năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII, khiến cộng đồng doanh nghiệp kêu gọi đề xuất Bộ Công Thương cần cập nhật điều chỉnh quy hoạch để tăng công suất cho các dự án này.

Ngoài ra, việc bán điện cho bên thứ ba được cho là sẽ hạn chế sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới như mô hình dịch vụ năng lượng ESCO, nhà máy điện ảo VPP. Việc "bán lại" điện dư không chỉ làm giảm lượng điện năng lãng phí mà còn có thể mang lại nguồn thu đáng kể cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mở ra hướng đi mới cho ngành năng lượng tái tạo trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điện mặt trời mái nhà, minh bạch để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO