M&A ngành y tế bước vào thời "khoe sắc"

Tiến Minh 24/08/2018 03:43

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế trong nước đã chứng kiến các thương vụ M&A đạt giá trị cả ngàn tỷ đồng báo hiệu lĩnh vực này đang vào thời “khoe sắc”.

Là một trong 21 nước được IMS Health xếp vào nhóm có ngành dược tăng trưởng nhanh nhất, Việt Nam hiện mở ra nhiều cơ hội đối với khối doanh nghiệp y tế và dược phẩm.

Thị trường sôi động

Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế trong nước bắt đầu chứng kiến các thương vụ M&A đạt giá trị cả ngàn tỷ đồng. Mới đây nhất là thương vụ hệ thống Nha khoa Mỹ (NKM) sáp nhập vào Sun Medical Center (SMC). 

Mảng dược phẩm cũng có những động thái rất đáng ý trong hoạt động M&A, trong đó phải kể đến thương vụ Dược Cửu Long mua Dược phẩm Euvipharm. Giá trị chuyển nhượng bao gồm cả một số khoản chi trả nội bộ sau khi tiếp quản Euvipharm là khoảng 200 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT Dược Cửu Long cho biết, việc mua chi phối Euvipharm sẽ giúp Dược Cửu Long tăng mạnh năng lực sản xuất, phát triển các dòng dược phẩm mới, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển do tận dụng được hệ thống trang thiết bị hiện đại của Euvipharm tại Long An.

Mảng dược phẩm cũng có những động thái rất đáng ý trong hoạt động M&A

Mảng dược phẩm cũng có những động thái rất đáng ý trong hoạt động M&A

Một thương vụ khác trong ngành dược đó là tập đoàn dược Adamed Group của Bà Lan chỉ 50 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của Đạt Vi Phú (Davipharm) cũng gây bất ngờ lớn đối với toàn ngành. Đây là thương vụ đầu tư lớn nhất của các nhà đầu tư Ba Lan vào thị trường Việt Nam. Theo các nhà đầu tư này, việc thực hiện M&A chính là bước đệm để đón đầu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019. Trước M&A, danh mục sản xuất của Davipharm khá đơn giản, chỉ mới tập trung vào các loại thuốc phổ thông (generic) với nhà máy sản xuất đặt tại Bình Dương. Nhờ sáp nhập, mức vốn hóa thị trường của Davipharm được định giá ở mức 71,4 triệu USD (khoảng 1.614 tỷ đồng).

Hồi đầu năm 2018, Tập đoàn Hoàn Mỹ cũng đã hoàn tất việc mua lại Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc. Theo ông Huỳnh Lê Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ cho biết, Hoàn Mỹ hiện có 13 bệnh viện, 5 phòng khám. Sắp tới, khoa sản nhi ở 13 bệnh viện sẽ được nâng cấp và theo hướng phát triển của Bệnh viện Hạnh Phúc. Song song đó, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của Hạnh Phúc sẽ được triển khai cho toàn bộ hệ thống bệnh viện của Hoàn Mỹ. Nếu nhu cầu tăng cao, thì Hoàn Mỹ có thể sẽ mở thêm một bệnh viện Hạnh Phúc ở tỉnh, thành phố mới.

Như vậy, có thể thấy, việc thực hiện các thương vụ M&A đã giúp một số doanh nghiệp dược tận dụng được dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại và nguồn tài chính dồi dào để nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất kinh doanh. Người tiêu dùng cũng được sử dụng một số sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn với cùng mức giá.

Sẽ còn tiếp tục bùng nổ

Nhiều chuyên gia cho rằng quy mô thị trường dược phẩm và trang thiết bị y tế Việt Nam sẽ vượt mức 10 tỷ USD/năm vào năm 2020 và sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tài chính lớn nhập cuộc, thúc đẩy các doanh nghiệp ngành y tế nhỏ cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Điều này được chứng minh khi thời gian qua, không chỉ các doanh nghiệp trong ngành mà nhiều doanh nghiệp ngoài ngành cũng có động thái nhòm ngó mảng y - dược. 

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều tiềm năng hứa hẹn ứng dụng AI trong y tế

    Nhiều tiềm năng hứa hẹn ứng dụng AI trong y tế

    11:30, 18/08/2018

  • Nhà nước hỗ trợ 30% tiền Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên

    Nhà nước hỗ trợ 30% tiền Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên

    10:21, 16/08/2018

  • Lạm phát y tế

    Lạm phát y tế

    05:00, 15/08/2018

  • Du lịch y tế, “miền đất hứa” của các công ty khởi nghiệp

    Du lịch y tế, “miền đất hứa” của các công ty khởi nghiệp

    04:26, 30/07/2018

  • Giá dịch vụ y tế giảm mạnh giúp CPI tháng 7

    Giá dịch vụ y tế giảm mạnh giúp CPI tháng 7 "hạ nhiệt"

    14:43, 29/07/2018

Một trong những doanh nghiệp ngoại đạo đang ngấp nghé tiến quân vào mảng y tế là Thế giới Di động (MWG). Theo đó, công ty bán lẻ này đã nhận chuyển nhượng hơn 634.000 cổ phần, tương đương 49% vốn cổ phần hệ thống nhà thuốc An Khang, tổng chi phí cho thương vụ này hơn 62 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp ngành phân phối khác là Thế giới số (Digiworld) cũng tham gia phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mảng kinh doanh này cũng đã bắt đầu đóng góp vào doanh thu của Digiwold từ đầu năm 2018.

Một ngoại binh khác là Tập đoàn Sao Mai khi có kế hoạch hợp tác với Tập đoàn Siemens (Đức) để xây dựng mô hình bệnh viện kỹ thuật số đầu tiên tại Việt Nam là Bệnh viện Kỹ thuật số Sao Mai.

Hay Công ty cổ phần Sara Việt Nam tuyên bố mở rộng đầu tư sang y tế. Đây vốn là doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin. Từ năm 2017, Sara đã thành lập 3 công ty con tại Cần Thơ, Nha Trang và Phú Thọ đều kinh doanh buôn bán máy móc, thiết bị y tế, vật tư tiêu hao… Sau động thái đầu tư sang y tế, Công ty đã đạt doanh thu thuần 52,5 tỷ đồng trong quý II/2018 (cùng kỳ chỉ đạt 4,2 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt tới 29,4 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ đạt 494 triệu đồng). Trong đó, phần lớn lợi nhuận mà Sara có được trong quý II/2018 đến từ các công ty con.

Hiện, Chính phủ đặt ra tham vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất thuốc generic tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2020 với những chính sách hỗ trợ, càng tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp trong ngành.

Dự báo hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp ngành dược tới năm 2020, trong đó có các thương hiệu đáng chú ý như Dược Hậu Giang, Traphaco, Domesco Đồng Tháp, Công ty Trang thiết bị kỹ thuật y tế TP.HCM… Do đó, để cạnh tranh thành công và nếu không muốn bị thâu tóm, các doanh nghiệp trong nước buộc phải chi các khoản đầu tư lớn vào công nghệ, dây chuyền sản xuất, quản lý hàng tồn kho, gia tăng năng lực marketing, hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, phải tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

So với đại đa số doanh nghiệp nội có quy mô vừa và nhỏ, các doanh nghiệp nước ngoài đang chiếm ưu thế nhờ tiềm lực tài chính mạnh mẽ, năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) và bề dày kinh nghiệm. Do đó, ngoài việc mạnh tay đầu tư cho sản xuất thì các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh hợp tác để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong đó, phải đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành quốc tế như PIC/S và EU-GMP nhằm tăng cơ hội tiếp cận ở phân khúc cấp cao, cũng như xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Tiến Minh