Nan giải bài toán quản lý vốn ODA
Lập kế hoạch không sát với thực tế, huy dộng và sử dụng vốn thiếu tính toán, dàn trải và manh mún… được cho là những hạn chế trong việc quản lý vốn ODA hiện nay.
Theo đó, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Cụ thể, trong các dự án được cho là thành công, mức chi phí bỏ ra cũng khá lớn, trong khi hiệu quả sử dụng chưa cao.
Giải ngân luôn vượt mức dự toán
Theo báo cáo lần đầu của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 đang lấy ý kiến tại UBTVQH mới đây, từ năm 2015 về trước, vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án vì vậy kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua. Cụ thể, giai đoạn 2011- 2015 việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức, dẫn đến việc giải ngân thực tế vượt mức dự toán, tăng bội chi ngân sách so với chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định.
Điều này được thể hiện ở những con số tổng hợp số liệu báo cáo của Chính phủ, tổng số vốn vượt dự toán giai đoạn 2011-2015 lên tới 116.267 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2011 giải ngân vốn ODA vượt dự toán 5.775 tỷ đồng, năm 2012 vượt 17.143 tỷ đồng, năm 2013 vượt 29.422 tỉ đồng, năm 2014 vượt 26.169 tỉ đồng; năm 2015 vượt 30.725 tỉ đồng và năm 2016 vượt 17.033 tỉ đồng. Những con số trên cho thấy, trong vòng vài năm gần đây, mức vượt dự toán năm sau đều cao hơn năm trước khá lớn.
Điều này dẫn đến tình trạng giải ngân vượt dự toán này còn phải kể đến nguyên nhân do nhận thức về vốn vay nước ngoài, nhất là vốn vay ODA, là vốn viện trợ. Chính vì vậy, đã có những nhận định từ đoàn giám sát của UBTVQH cho biết: “Có những suy nghĩ “viết hay sẽ xoay được tiền” mà không chú ý đến hiệu quả và trách nhiệm trả nợ làm cho gánh nặng nợ nước ngoài, nợ công vẫn không giảm”. Bởi, quy trình Chính phủ đi vay và cấp phát cho địa phương khiến địa phương không chịu áp lực trả nợ, trả lãi.
Có thể bạn quan tâm
Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vận tải hàng hoá đường bộ đang bị lãng phí?
04:15, 02/09/2018
Việt Nam sẽ là đích đến đầu tư của nhiều dòng vốn thực hiện chính sách hướng Nam
06:03, 31/08/2018
Vì sao thị trường Lào hấp dẫn nhà đầu tư Việt Nam?
11:14, 29/08/2018
"Cửa lớn" thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản
03:43, 28/08/2018
Giải ngân theo đầu tư trung và dài hạn
Theo báo cáo về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, tổng số vốn vay nước ngoài ký kết trong giai đoạn 2011-2015, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố cuối tháng 8 vừa qua, tổng vốn vay nước ngoài ký kết trong giai đoạn 2011 – 2015 đạt khoảng 28 tỷ USD, trong đó giải ngân được 23 tỷ USD vốn ODA chiếm khoảng 82%.
Ngoài ra, cũng theo báo cáo lần đầu của Đoàn Giám sát UBTVQH về việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 – 2016 đang lấy ý kiến tại UBTVQH, tính đến hết năm 2016 nợ nước ngoài của Quốc gia là 44,3% GDP. Đây là mức đang trong giới hạn cho phép của Quốc hội là dưới 50% GDP. Các nghĩa vụ trả nợ đều đúng hạn, hoặc trong giới hạn. Vì vậy một số ý kiến cho rằng, không nên e ngại về việc thanh toán dư nợ hiện hành, nhất là các khoản vay ODA đều dàn hạn, lãi suất thấp và nền kinh tế đảm bảo được ổn định vĩ mô, không có cú sốc nào quá lớn. Tuy nhiên, báo cáo về vốn ODA của Bộ KH&ĐT cho thấy có những quan ngại lớn về rủi ro và việc kiểm soát chặt nợ công, vốn vay nước ngoài ngày càng trở nên thách thức, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại trên toàn cầu đang diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, được biết, mặc dù từ năm 2016, theo Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước của Quốc hội, các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi không được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án như trước mà phải giải ngân theo kế hoạch đầu tư công trung và dài hạn. Tuy nhiên, kế hoạch này lại không sát với tiến độ thực hiện dự án, dẫn đến nhiều vướng mắc.
Vì vậy theo một số chuyên gia, đã đến lúc phải đánh giá, rà soát lại kế hoạch tài chính năm 2016-2020 để có cái nhìn tổng quan về việc huy động, ký kết, giải ngân nguồn vốn ODA để hướng tới việc sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, thực chất.