Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh: Cảnh báo nguy cơ rủi ro
Theo Vasep, hiện mặt hàng cá tra xuất qua đường biên mậu không phải chịu 17% thuế VAT. Do vậy, việc phá giá là rất lớn so với các sản phẩm nhập chính ngạch qua đường biển.
Năm 2018, do giá cá tra nguyên liệu lãi chưa từng có, khiến nhiều địa phương, đặc biệt là vùng Đồng Tháp Mười…đổ xô đào ao thả cá.
Bộ NN-PTNT và các hiệp hội đã khuyến cáo, tình trạng ào ào trên sẽ dẫn đến nguy cơ "vỡ trận ” khi cá tra lao dốc, nhất là thời điểm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng chóng mặt, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam không giấu nỗi lo lắng khi thông tin giá cá tra khoảng hơn 10 ngày qua giảm hơn 10.000 đồng/kg, còn 26.000-27.000 nghìn đồng/kg.
“Việc tăng giảm của thị tường là bình thường, nhưng tăng giảm kiểu trên là bất thường. Có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, hiện tượng mua hàng giá thấp, rồi bán phá giá qua đường tiểu ngạch với Trung Quốc… Chúng tôi sẽ có báo cáo, kiến nghị với Bộ NN-PTNT chỉ đạo kiểm soát về chất lượng và hoạt động biên mậu”, ông Quốc nói.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng đột biến: Liệu đã vội mừng?
02:34, 20/11/2018
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc không dễ "ăn"
03:18, 29/10/2018
Gian nan xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc
11:11, 14/08/2018
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh
12:01, 13/12/2015
Liên quan đến thị trường Trung Quốc, mới đây Vasep cũng cho biết, lâu nay xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chủ yếu đi đường bộ, gần 84% qua cửa khẩu Lạng Sơn, còn lại đi qua cửa khẩu Quảng Ninh, Điện Biên, Cao Bằng. Theo Vasep, hiện mặt hàng cá tra xuất qua đường biên mậu không phải chịu 17% thuế VAT. Do vậy, việc phá giá là rất lớn so với các sản phẩm nhập chính ngạch qua đường biển. Vasep cũng cho biết, gần đây phía Trung Quốc có thay đổi liên quan đến đơn vị kiểm nghiệm, kiểm dịch, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Cụ thể, trong khi quy định dư lượng photphat trong cá tra của châu Âu là không vượt quá 4%, tuy nhiên, phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của nước họ.
Lo lắng và cảnh báo của lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Vasep không phải không có cơ sở khi từ trước tới nay, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đã có rất nhiều bài học đắng với thị trường Trung Quốc, từ các mặt hàng như lợn, các nông sản như thanh long, dưa hấu, khoai lang... Kịch bản chung là khi Trung Quốc 'ăn' hàng nhiều, giá đẩy lên cao thì người dân đua nhau nuôi, đua nhau trồng, đến lúc thị trường ngừng nhập, giá giảm, người dân chỉ biết ngồi khóc ròng vì thua lỗ.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Bagico từng chia sẻ, muốn bán hàng thì phải đi chợ. Trung Quốc đang là "chợ" lớn nhất của Việt Nam, nhưng chúng ta gần như không đi chợ mà chỉ thụ động ngồi chờ họ đến mua. Còn "nông sản Việt Nam như đang một cô gái quê danh giá đợi các chàng trai đến tán".
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt” diễn ra cách đây không lâu, ông Vĩ Tích Thành - Tham tán Thương mại và kinh tế, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM cho biết, người Trung Quốc ngày càng nâng cao tiêu chuẩn của nông sản. Không phải vì đông dân nhất thế giới, nhu cầu nông sản, ẩm thực nhiều mà cái gì cũng có thể bán được cho Trung Quốc. Việc nông sản Việt gặp khó là bởi người Việt chưa hiểu về thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp chưa chủ động xem thị hiếu, nhu cầu của người dân Trung Quốc là gì để từ đó tập trung sản xuất. Ngược lại, chính các thương lái Trung Quốc đã đi tìm gặp nông dân để thu mua.