Những rào cản kỹ thuật khiến xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Ả rập Xê út giảm đáng kể, cùng với đó, những khó khăn từ Mỹ, EU khiến con cá tra đang trông đợi nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang là thị trường XK chủ lực của Việt Nam. Ví dụ điển hình, trong năm 2017, ngành cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, từ thuế chống bán phá giá, truyền thông bôi bẩn ở một số nước EU, Đạo luật Farm Bill của Hoa Kỳ… Trong khi kim ngạch XK cá tra sang các thị trường chủ lực, điển hình như Hoa Kỳ sụt giảm mạnh mẽ thì sự gia tăng XK tới trên 40% sang thị trường Trung Quốc được xem là "cứu cánh" quan trọng.
Xuất khẩu tiểu ngạch chiếm 40%
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (XK) Thủy sản Việt Nam (VASEP): Trong 5 năm gần đây, tỷ trọng XK cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh với mức trung bình 21%-31%/năm. 7 tháng đầu năm nay, XK cá tra đạt 1,2 tỷ USD, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường XK hàng đầu.
Trên thực tế, kể từ ngày 1/7 vừa qua, thuế nhập khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm khoảng 3 - 4%. Cụ thể, thuế NK philê cá tra đông lạnh giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Đây được nhìn nhận là yếu tố thuận lợi tạo thêm cơ hội để DN đẩy mạnh XK cá tra sang Trung Quốc. Theo thông tin mới nhất từ Bộ NN&PTNT: Ở thời điểm hiện tại, các nhà NK tại thị trường Trung Quốc đã tạm ngừng thu mua cá tra Việt Nam để tiêu thụ hết lượng hàng đã nhập trước đó. Vì vậy, nhiều DN giảm khâu thu mua cá tra nguyên liệu từ các hộ nuôi dù đang trong giai đoạn thời tiết thuận lợi để thả đợt cá giống mới. Dù vậy, dự báo giá cá tra từ nay đến cuối năm sẽ vẫn ở mức có lãi cho người nuôi.
Đánh giá về tiềm năng thị trường Trung Quốc trong dài lâu với mặt hàng cá tra, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư Ký VASEP phân tích: Trung Quốc không chỉ là một thị trường rộng lớn mà còn là quốc gia có nền ẩm thực khá phong phú. Trong khi đó, cá tra là sản phẩm phù hợp để có thể biến tấu lên tới hàng trăm món ăn khác nhau. Ngành cá tra trong nước có thể gia tăng XK các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường này.
Tuy nhiên, theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, điều đáng lo ngại là hiện nay, XK cá tra sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đang chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch XK. Trong khi đó, giá XK giữa đường chính ngạch và tiểu ngạch chênh lệch khá lớn, lên đến 1USD/kg, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là chưa kể, chất lượng hàng hóa xuất qua đường tiểu ngạch cũng khó được kiểm soát, rất có thể các nhà nhập khẩu với giá rẻ, sau đó lại chế biến sản phẩm dưới tên gọi khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá tra Việt Nam”- ông Quốc nêu một thực tế.
Bài toán xuất khẩu chính ngạch
Trung Quốc không còn là thị trường hàng chất lượng thấp mà là một thị trường đang phát triển và nhạy cảm với các vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nên người tiêu dùng Trung Quốc đã tìm kiếm những sản phẩm NK được chấp nhận tại thị trường Âu, Mỹ, trong đó có sản phẩm cá tra Việt Nam.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, để hạn chế rủi ro, phát triển ổn định, lâu dài, các doanh nghiệp nhất thiết phải đi bằng con đường chính ngạch để đưa cá tra sang Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 01/08/2018
08:42, 07/07/2018
10:09, 22/06/2018
Có một điều khá thuận lợi là, thuế nhập khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm khoảng 3 - 4% kể từ ngày 1/7/2018. Cụ thể, thuế nhập khẩu philê cá tra đông lạnh giảm từ 10% xuống còn 7%, thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp đẩy mạnh XK cá tra sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.
Cũng trong Công văn số 93/2018/CV-VASEP gửi Bộ NNPTNT thông tin về tình hình XK thủy sản sang thị trường Trung Quốc, VASEP đã đề nghị các ngành chức năng cần siết chặt hơn nữa hoạt động kiểm soát chất lượng hàng cá tra đi qua đường tiểu ngạch, Bộ NNPTNT có chương trình kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản hiện nay để đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu qua biên giới.
VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên chủ động tuân thủ chặt chẽ về việc truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và sử dụng chứng thư thủy sản XK theo quy định. Đồng thời, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt nhất chất lượng thủy sản XK nói chung cũng như sang thị trường Trung Quốc nói riêng, trong đó bao gồm sản phẩm cá tra.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cá tra Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ đưa ra cảnh báo, trong thương mại với thị trường Trung Quốc, sản lượng không phải là vấn đề, mà là sự ổn định. Thị trường này luôn có thể xuất hiện những động thái bất lợi cho cá tra Việt Nam bất cứ lúc nào, không đoán trước được. Chính vì vậy, ngành cá tra cần có sự chủ động kiểm soát diện tích thả nuôi nhằm chủ động ứng phó với diễn biến bất lợi của thị trường. Ngoài ra, việc giữ uy tín và chất lượng cho thương hiệu cá tra Việt Nam để giữ vững thị trường cũ và khai phá thị trường mới cũng là vấn đề đáng quan tâm.