Ai được hưởng lợi khi giá điện tăng?
Việc nhiều người tiêu dùng bị sốc vì hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 tăng “phi mã” đã đặt ra câu hỏi, rốt cuộc ai sẽ hưởng lợi khi người dân phải chịu khoản tăng 8,36% giá điện?
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam có 8 lần tăng giá điện. Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành điện, có nhiều yếu tố tác động tăng giá điện, trong đó quan trọng nhất là giá nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, việc áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường đối với than làm giá than tăng. Cụ thể, từ ngày 5/1/2019, giá than bán cho sản xuất điện tăng từ 2,61% đến hơn 7% tùy từng loại than. Bên cạnh đó, EVN cho rằng phải thanh toán nhiều khoản bằng ngoại tệ, điều đó ảnh hưởng đến tiêu chí đầu vào của giá điện.
Niềm vui thuộc về doanh nghiệp phân phối điện?
Khi phân bổ, lãnh đạo EVN cũng cho biết, số tiền 20.000 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán các chi phí đầu vào tăng thêm hằng năm. Trong đó, chi phí cho than là hơn 7.000 tỉ đồng, chi phí chênh lệch tỉ giá khí trong bao tiêu là gần 6.000 tỷ đồng và gần 3.800 tỷ đồng thanh toán chênh lệch tỉ giá cho các nhà đầu tư không thuộc EVN.
Có thể bạn quan tâm
Việc nguồn nguyên vật liệu đầu vào tăng giá cùng với đó là những khoản lỗ đã đẩy chi phí đầu vào EVN cũng như các doanh nghiệp ngành điện lên cao. Những tưởng, việc tăng giá điện bán lẻ từ 1.720,65 đồng lên 1.864,44 đồng/kWh sẽ giải quyết được bài toán doanh thu - chi phí. Nhưng thực tế, giá bán điện của các công ty ngành điện đã được thỏa thuận dài hạn trong hợp đồng đã ký với EVN, nên việc tăng giá bán điện thành phẩm trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu của doanh nghiệp sản xuất điện.
Những doanh nghiệp sản xuất điện lớn như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Ninh Bình hay Nhiệt điện Quảng Ninh... có những dự án lớn được đàm phán trước giá bán điện trong 25 năm nên giá bán điện được thỏa thuận qua từng giai đoạn. Do đó, trong ngắn hạn, việc tăng giá điện cũng chưa thể tác động đến doanh thu của các doanh nghiệp này.
Thủy điện hiện chiếm tỉ trọng khá lớn trong bức tranh sản xuất điện, lên đến 36%. Đối với những nhóm công ty thủy điện lớn như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Thác Mơ, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh... sở hữu những nhà máy thủy điện với công suất hàng trăm MW, thu về mỗi năm hàng trăm triệu kWh, thì những yếu tố đầu vào như than lại không có tác động nhiều đến chi phí của doanh nghiệp. Yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất điện là thời tiết, thủy văn sông ngòi, kênh rạch và các yếu tố tự nhiên.
Còn đối với những doanh nghiệp phân phối điện, theo đánh giá của một chuyên gia phân tích chứng khoán năng lượng, việc tăng giá điện bán lẻ có thể là một tác động tích cực. Điển hình là Điện lực Khánh Hòa khi doanh nghiệp này mua điện từ Tổng Công ty Điện lực miền Trung (trực thuộc EVN) và bán lẻ cho người dân, nên giá điện tăng sẽ giúp lợi nhuận tăng. Việc đã ký hợp đồng dài hạn với giá rẻ, nay lại bán với giá lẻ cao hơn, lợi nhuận doanh nghiệp phân phối nhiều khả năng sẽ có biến động.
Nhìn tổng thể bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện. Giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện. Khi đó, gánh nặng đặt lên vai ai, có thể lại là một vấn đề đáng tranh luận.
EVN minh bạch thua xa công ty cổ phần đại chúng
Nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động mua bán điện và hạn chế thế độc quyền của EVN, từ đầu năm 2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức hoạt động với sự tham gia của PVN, Vinacomin. Các công ty điện trong ngành có số ít là doanh nghiệp tư nhân, còn phần lớn là công ty con của EVN, PVN, Vinacomin.
Bình luận về câu chuyện minh bạch trong cách tính giá điện, theo ông Ngô Đức Lâm (Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam) cho rằng, điều quan trọng nhất của các loại giá là cần công khai các đầu vào để tính chi phí, bởi nếu không, nó dẫn tới giá thành không thực, trong đó còn có thể có những yếu tố chưa minh bạch, chưa đúng mà người tiêu dùng cần biết.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, đầu vào của điện lực ít được đề cập. Thông thường, có từ 7-9 yếu tố được tính vào đầu vào, gồm: khấu hao, nguyên nhiên liệu, vật liệu; lương (thưởng); sửa chữa lớn; dịch vụ mua ngoài; chi phí tài chính (lãi vay, chênh lệch tỷ giá); chi phí phát triển khách hàng và các chi phí bằng tiền khác.
Trong các chi phí đầu vào trên, có 2 chi phí là khấu hao và chi phí định mức lương là do Nhà nước quy định, còn các chi phí khác hoàn toàn do EVN tự quyết định. Việc EVN tự quyết định - theo ông Lâm, có thể dẫn đến có nhiều yếu tố không khách quan, có lợi cho bên sản xuất, không minh bạch, ảnh hưởng nhiều đến yếu tố giảm giá thành.
Ông Lâm Minh Chánh - Chủ tịch Trường Đào tạo quản trị kinh doanh BizUni (TP.HCM) thì đánh giá, mặc dù là một doanh nghiệp nhận vốn của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó là sản xuất, truyền tải và xuất nhập khẩu điện năng, đảm bảo thực hiện kế hoạch cung cấp điện cho toàn Việt Nam, nhưng tính minh bạch của EVN còn thua xa một công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán. Báo cáo thường niên của EVN chỉ vỏn vẹn 40 trang. Trong khi báo cáo của một doanh nghiệp có doanh số 1.000 tỷ đồng đã hơn 100 trang. Báo cáo thường niên của EVN thiếu nhiều chi tiết quan trọng, thiếu các giải trình chi tiết, thiếu hẳn báo cáo dòng tiền, báo cáo kiểm toán. Đã thế còn rất chậm trễ. Thời điểm này (28/4/2019) vẫn chưa có báo cáo của năm 2017 và 2018.
Theo ông Chánh, EVN cần phải báo cáo minh bạch mọi chi tiết liên quan đến giá điện bình quân, như giá thành, chi phí sản xuất, các loại chi phí trực tiếp, gián tiếp khác. Và tất cả con số này phải cầm kiểm toán và thanh tra. Tuy nhiên, có điều rất lạ lùng, là trong hoàn cảnh này mà Bộ Công Thương xin Quốc hội cơ chế bảo mật giá điện. Đây là một bước thụt lùi và là một cách làm không giống ai trên thế giới.