Phó Giáo sư Ngô Trí Long chỉ rõ: “Tính giá điện theo bậc lũy tiến hợp lý khi tổng doanh số bán ra chia cho tổng sản lượng phải bằng với giá bình quân.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, điện đang là một ngành giữ thế độc quyền, nếu độc quyền thì nhà nước phải định giá sao cho sát với giá thị trường. Vì định giá cao người tiêu dùng thiệt, định giá thấp “nhà đèn” sập tiệm.
Tuy nhiên, theo ông để định giá được thế nào là giá thị trường - tức là giá chi phí hợp lý cộng với mức lãi hợp lý, để áp dụng công thức này thì phải có cơ quan chức năng quyết định đưa ra mức giá hợp lý nhất. Và có một câu hỏi đặt ra, cơ quan chức năng đã khách quan, công tâm và có đủ năng lực hay chưa?
Có thể bạn quan tâm
- Thời gian qua, nhiều người dân tỏ bất ngờ khi cầm trong tay hoá đơn tiền điện. Theo đó, giá điện của nhiều hộ gia đình tăng gấp 2 - 3 lần so với tháng trước. Vì sao lại có hiện tượng như vậy, thưa ông?
Chính phủ quy định giá điện tăng 8,36%, bản thân Cục trưởng Cục điện lực từng tuyên bố, nếu tăng với mức này thì người đóng thấp nhất mỗi tháng cũng chỉ mất thêm khoảng 7.000 đồng, người đóng cao nhất khoảng hơn 77.000 đồng. Nhưng tại sao lại bị phản ứng dữ dội? Ở đây có 3 lý do. Thứ nhất, là do giá điện tăng. Thứ hai, mùa nắng nóng nên tiêu thụ nhiều điện. Thứ ba, và đây là nguyên nhân chính khiến giá điện cao là biểu giá điện bất hợp lý.
- Ông có thể phân tích điểm bất hợp lý trong biểu giá điện này?
Về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân. Mức giá bình quân sau khi được điều chỉnh từ ngày 20/03 là 1.864 đồng/kWh. Chính phủ giao cho Bộ Công Thương xây dựng biểu giá điện đạt được mục tiêu: Thứ nhất, đảm bảo an sinh xã hội, có nghĩa phải hỗ trợ cho người nghèo. Để hỗ trợ người nghèo, cơ quan chức năng là Cục điều tiết Điện lực xây dựng lại và Cục này đưa ra 2 bậc 1 và 2 thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân, đó là từ 1 đến 50 và từ 51 đến dưới 100 thì thấp hơn 1.864,4 đồng.
Thứ hai, điện được sản xuất ngoài thủy điện thì chủ yếu bằng nhiệt điện, nhiệt than và dầu khí. Đây là những nguyên liệu hóa thạch, chỉ dùng hữu hạn mà không phải vô hạn, cho nên phải tiết kiệm. Đồng thời, những nguyên liệu này thường gây ô nhiễm môi trường, do đó nhà nước không khuyến khích sử dụng nguồn điện sản xuất từ đây. Khi không khuyến khích sử dụng thì chỉ còn cách kiểm soát bằng giá, có nghĩa nếu dùng càng nhiều thì giá càng tăng theo bậc lũy tiến. Trong thị trường không có loại hàng hóa nào như điện, mua nhiều đắt hơn mua ít.
Thứ ba, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam ngày càng lớn, nhưng khả năng cung ứng không đáp ứng kịp, nên không khuyến khích sử dụng và buộc phải sử dụng giá lũy tiến.
Biểu giá điện của Bộ Công Thương xây dựng hiện nay theo 6 bậc. Trong đó, biểu giá điện hay dùng nhiều nhất là từ 201 đến 300 kWh, do đó trọng số người phải trả tiền điện rơi vào đây rất nhiều. Trong khi khu vực này lại được quy định mức giá cao, bằng 1,36% so với giá bán lẻ bình quân, có nghĩa tăng gần 1,4 lần. Ngược lại, người tiêu dùng sử dụng từ 50 đến 100 kWh lại rất ít, mặc dù dân số đông, như vậy sẽ chỉ có lợi cho “nhà đèn”.
- Vậy theo ông, biểu giá bán lẻ điện nên chia lại như thế nào để hợp lý nhất?
Tôi đồng ý với cách tính bậc thang lũy tiến, nhưng vấn đề là khoảng cách mỗi bậc là bao nhiêu so với giá bình quân, nếu bậc nào dùng nhiều nhất thì không nên tính giá quá cao so với mức bán lẻ bình quân. Có nghĩa, doanh thu sản lượng điện hàng năm chia cho doanh thu tiền điện cho sản lượng điện thương phẩm phải bằng với giá là 1.864,4 đồng/kWh.
Ví dụ, hiện nay người tiêu dùng nhiều nhất trong khoảng từ 201 đến 300 kWh, thì giá bán lẻ ở bậc này chỉ nên cao hơn giá bán lẻ bình quân có thể từ 1,1 đến 1,2, còn với 1,36% là cao quá mức. Ngoài ra, chia càng nhiều bậc thì càng chính xác.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!