Cần định hướng thu hút đầu tư nước ngoài tránh bất lợi cho doanh nghiệp nội
ĐB Hoàng Văn Cường cho biết cần xem lại để định hướng và chọn lọc trong thu hút đầu tư nước ngoài để tránh tình trạng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước.
Đó là một trong những nhận định của các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ sáng nay (22/5) về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Các đại biểu cũng thảo luận việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công, kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Xây dựng các kịch bản ứng phó biến động thế giới
Phát biểu tại tổ, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) chỉ ra các biến động có thể ảnh hưởng đến chỉ tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Bất cập quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài
19:00, 21/05/2019
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lối đi nào cho kinh tế Việt Nam?
07:30, 22/05/2019
Đừng tưởng may mặc được hưởng lợi bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
11:30, 13/12/2018
Cổ phiếu cá tra "được mùa" từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
04:20, 09/02/2019
“Rất có thể xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Iran, tác động giá dầu thế giới. Từ đầu năm giá dầu đã tăng 35%. Việc điều chỉnh giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng CPI” – ĐB Ngân nhận định.
Ông Ngân ghi nhận tốc độ tăng trưởng năm 2018 đã đạt 7,08%, cao nhất 2008 đến nay. Ông cũng cho rằng chất lượng tăng trưởng đã tốt hơn, điển hình như đóng góp của khai khoáng vào GDP đã giảm dần, trong khi công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng tích cực hơn. Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) hiện nay đã chiếm 45,2%, kéo theo chỉ số ICOR cũng tăng.
Tuy nhiên, ông Ngân bày tỏ sự lo lắng khi bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới hiện nay diễn biến rất phức tạp. Ông cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, bất ổn khu vực Trung Đông giữa Mỹ - Iran, khó khăn của tiến trình Brexit sẽ tạo ra những bất ổn cho thế giới và cả Việt Nam.
“Độ mở của nền kinh tế Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. Khi thương mại thế giới suy giảm thì kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động. Chính phủ cần phải xây dựng các kịch bản ứng phó biến động thế giới”, ông Ngân nói.
Định hướng thu hút đầu tư FDI
Tại đoàn Hà Nội, ĐB Hoàng Văn Cường cũng ghi nhận thành tựu kinh tế năm 2018 với nhiều ấn tượng, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao nhất trong 11 năm qua. Đặc biệt, xu thế này tiếp tục được duy trì trong quý 1 năm 2019 khi mà tốc độ tăng trưởng đạt 6,79%.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường: “Đây không phải con số thấp, bởi lẽ quý 1 năm 2018 đạt mức tăng trưởng 7,38% thì không dễ gì quý 1 năm 2019 vượt qua được. Tốc độ 6,79% là con số cao nhất trong khoảng hơn 10 năm qua trừ quý 1 năm 2018. 10 năm trước đó, tốc độ tăng trưởng cao nhất không quá 6,2%”.
“Động lực tăng trưởng kinh tế của chúng ta trong năm qua chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là chính. Tuy nhiên 4 tháng đầu năm 2019 nhóm ngành này có tốc độ giảm hơn so với quý 1 năm trước. Đặc biệt, giảm mạnh nhất là các ngành công nghiệp điện tử. Quý 1 năm 2018 các ngành này tăng 34% nhưng năm nay chỉ tăng 1,9%. Vậy nhưng chúng ta vẫn đạt tăng trưởng 6,79% cho thấy kinh tế không bị lệ thuộc quá nhiều vào nhóm ngành mà chúng ta gọi là trụ cột tăng trưởng” - ĐB Hoàng Văn Cường phân tích.
Việc nhóm ngành công nghiệp điện tử giảm mạnh là điều đáng phải quan tâm cho tăng trưởng những quý tiếp theo. Tuy nhiên, điều này cũng không quá lo ngại vì chiến tranh Mỹ - Trung căng thẳng thì những tập đoàn trong ngành điện tử được hưởng lợi nhiều nhất. Do đó, triển vọng kinh tế năm 2019 sẽ đạt được mục tiêu đặt ra.
Liên quan đến định hướng của Chính phủ khi đặt ra định hướng thúc đẩy sự phát triển của các tập đoàn kinh tế tư nhân, ĐB Hoàng Văn Cường nhận định, đây là vấn đề trước nay ít được đề cập. “Chúng ta đề cập đến việc coi kinh tế tư nhân là trụ cột cho tăng trưởng. Nhưng kinh tế tư nhân chưa đủ mà cần phải dựa vào những tập đoàn lớn. Khi đó chúng ta mới tạo ra được chuỗi giá trị và thực sự đóng góp cho tăng trưởng kinh tế”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Ông cũng cho rằng, nếu chỉ phát triển kinh tế tư nhân thông thường, chỉ là gia công cho các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn ở nước ngoài thì phần giá trị mới của chúng ta thấp, không tạo được tăng trưởng.
Để thực hiện được định hướng này, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng Chính phủ cần phải chú ý 2 vấn đề. Trước tiên, cần phải xem lại việc hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân xuất phát từ đâu và dựa vào cái gì. “Vì trên thực tế, những tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước của chúng ta hiện nay phần lớn dựa vào khai thác những yếu tố lợi thế như đất đai, tài nguyên hoặc thương mại. Đây là con đường các nước phát triển đã thực hiện từ thế kỷ 15, 16 chứ không phải hiện tại”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Mặt khác, ông cho rằng, các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đang bị cạnh tranh hoặc rơi vào DN FDI. “Chẳng hạn, chúng ta có lợi thế trong lĩnh vực rất lợi thế như dệt may. Nhưng thực tế ngành dệt may hiện nay lại rơi vào tay của các nhà kinh tế thương mại mà chúng ta lại trở thành người gia công cho khu vực đó. Đây là điều cần xem lại để định hướng và chọn lọc trong thu hút đầu tư nước ngoài để tránh tình trạng cạnh tranh với các DN trong nước”, ĐB Hoàng Văn Cường nói.
Hiện nay, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, dự báo dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á sẽ diễn ra rất mạnh. Trong đó, Việt Nam là 1 trong những địa bàn thu hút rất mạnh luồng đầu tư này.
“Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2019, đăng ký FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng lên 241% so với năm 2018”, ĐB Hoàng Văn Cường dẫn chứng và cho rằng: “Chúng ta cần có định hướng thu hút đầu tư; khi mà thu hút đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng, những DN trong nước ra đời nhiều nhưng trong đó DN quy mô vừa và lớn bị dừng hoạt động cũng rất cao".