Cổ phiếu ngành cá tra đã có bước lội ngược dòng ngoạn mục trong những tháng đầu năm 2019.
Điển hình là cổ phiếu Vĩnh Hoàn (VHC) đã tăng một mạch từ vùng đáy ngắn hạn 50.000 đồng lên gần 100.000 đồng/cp chỉ sau thời gian rất ngắn.
Thị trường xuất khẩu mở rộng
Vậy giá cổ phiếu VHC tăng do đâu? Theo báo cáo tài chính năm 2018 đã công bố, do cấu sản phẩm xuất khẩu năm 2018 của VHC không thay đổi nhiều so với năm 2017, trong đó cá tra philê vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu, tăng 34% so với năm trước. Đáng chú ý, phụ phẩm Collagen và Gelatin ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2018, với tổng giá trị xuất khẩu trị giá 11,2 triệu USD, gấp đôi kết quả năm 2017.
Năm 2018, VHC ghi nhận doanh thu 9.323 tỷ đồng tăng 14%, lợi nhuận sau thuế 1.452 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 đạt 15.585 đồng. Năm 2018, VHC đặt kế hoạch lãi sau thuế 620 tỷ đồng và với kết quả thực hiện, công ty đã hoàn thành vượt xa chỉ tiêu đề ra. Đây là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu VHC liên tục đạt đỉnh...
Về thị trường xuất khẩu, các thị trường hàng đầu của VHC vẫn ổn định với sự thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn. Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu số một, chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu với doanh thu hàng năm tăng vọt 49% do giá bán và khối lượng bán cao hơn.
Trong khi đó, thị trường Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục hơn 26%. Đây là kết quả từ nỗ lực quảng bá cá tra của VHC đến người tiêu dùng Trung Quốc, tập trung tại các chuỗi nhà hàng và nền tảng thương mại điện tử thời gian qua.
Ngoài ra, VHC còn xuất khẩu sang Thụy Sĩ, Australia và Bỉ trong năm 2018 với doanh thu tăng lần lượt 64%, 15% và 11% so với năm 2017.
Không riêng gì VHC, giá cổ phiếu khác trong nhóm cá tra như Công ty Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I (IDI), Navico (ANV), Công ty XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL)... cũng tăng gấp đôi so với với mức thị giá của năm 2017.
Cơ hội cho cổ phiếu ngành thuỷ sản
Theo VASEP, trong năm 2018, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra thiết lập mức cao kỷ lục 20 năm là 2,3 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2017. Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, sự phát triển của nhóm ngành cá tra sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2019 khi sản lượng trên toàn thế giới dự kiến đạt 3 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm trước.
Đáng chú ý, sau thời gian đến nay Mỹ đã quay trở lại vị trí quán quân thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam với giá trị 549 triệu USD trong năm 2018, tăng 60% so với năm trước. Chưa dừng lại, nhu cầu tại Mỹ dự kiến sẽ vẫn mạnh hơn vào năm 2019 nên giá vẫn ở mức cao.
Trung Quốc, Hồng Kông đứng thứ hai với tổng kim ngạch đạt 529 triệu USD, chiếm 23% tổng xuất khẩu cá tra Việt Nam năm 2018, tăng 29% so với năm trước. Theo VASEP, thị trường lân cận này vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển nhờ nhu cầu lớn đối với nhiều loại sản phẩm cá tra ở nhiều mức giá khác nhau, đây chính là cơ hội cho VHC nói riêng và các doanh nghiệp xuất khẩu ca tra nói chung...
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, ngành cá tra Việt Nam đã và đang tận dụng được các đơn đặt hàng mới từ Mỹ, và đây chính là cơ hội cho các cổ phiếu của doanh nghiệp cá tra bứt phá mạnh mẽ hơn.
Được biết, tại thị trường Mỹ, cá tra được coi là sản phẩm thay thế tốt nhất cho cá rô phi Trung Quốc nhờ giá cả cạnh tranh và chất lượng hơn. Gần đây, Mỹ đã áp dụng mức thuế 10% đối với cá rô phi nhập khẩu từ Trung Quốc và áp thêm 25% dự kiến vào tháng 3/2019.
Ông Nguyễn Bình Kim - Trưởng phòng phân tích VPBS cho rằng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng được xem là có nhiều chuyển biến để thúc đẩy sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trong ngành. Theo đó, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều doanh nghiệp cá tra sẽ có mùa kinh doanh vượt trội, giá cổ phiếu ngành này có thể sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2019.