Doanh nghiệp

Nâng sức chống chịu cho doanh nghiệp cá tra trong "bão" thuế quan

Thy Hằng 19/04/2025 10:34

Đây là lúc các doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược, tìm kiếm thị trường và đối tác, xây dựng hệ thống đủ sức chống chịu trong kịch bản chiến tranh thương mại kéo dài.

Chính quyền Tổng thống Trump đã tuyên bố tạm hoãn 90 ngày đối với đợt áp thuế đối ứng mới, đây có thể coi là “thời gian vàng” để cả Việt Nam và Mỹ tiếp tục đàm phán, hướng tới khả năng kéo dài thời hạn hoặc lý tưởng hơn là loại bỏ hoàn toàn thuế đối ứng, tức giảm về 0%.

11-8673 (1)
Việt Nam là nhà cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường Mỹ, người tiêu dùng tại Mỹ đã phần nào quen với hương vị của loài cá thịt trắng đến từ Việt Nam.

Chuyên gia nhận định, việc hoãn áp thuế 90 ngày cũng tạo cơ hội đẩy nhanh xuất khẩu các đơn hàng trong đó có thuỷ sản như cá tra đang bị đình trệ trước hạn áp thuế 9/4, tránh rủi ro hàng hóa tồn kho kéo dài.

Lạc quan mà nói, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ, là nhà cung cấp cá tra lớn nhất cho thị trường này, người tiêu dùng tại Mỹ đã phần nào quen với hương vị của loài cá thịt trắng đến từ Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi - một loài cá thịt trắng có nhiều điểm tương đồng với cá tra Việt Nam, lớn nhất thế giới và lớn nhất cho Mỹ, nhưng đang phải chịu mức thuế kỷ lục. Vậy, sẽ là một cơ hội cho cá tra Việt Nam nếu như cá rô phi Trung Quốc vào Mỹ quá đắt đỏ, và nếu như Việt Nam và Mỹ đạt được thỏa thuận về thuế.

Dù vậy, việc tạm hoãn thuế đối ứng với Việt Nam mặc dù tạo ra nhiều cơ hội cho toàn ngành, tuy nhiên doanh nghiệp cần tỉnh táo trước những rủi ro vẫn đang hiện hữu bởi sự trì hoãn chỉ là tạm thời.

xuat-khau-ca-tra-1110.jpeg
Doanh nghiệp cần tỉnh táo trước những rủi ro vẫn đang hiện hữu bởi sự trì hoãn áp dụng thuế đối ứng chỉ là tạm thời.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep) nhận định, thuế này mới chỉ được hoãn, chứ chưa bị gỡ bỏ hoàn toàn, điều này có nghĩa rằng không có gì đảm bảo chắc chắn trong tương lai, Mỹ sẽ gỡ bỏ hoặc ít nhất giảm thuế đối với Việt Nam. Thậm chí, tuyên bố tăng thuế với hàng Trung Quốc lên tới 125% của Mỹ vẫn có hiệu lực ngay lập tức.

Hơn nữa, chính sách thương mại dưới thời ông Trump luôn tiềm ẩn yếu tố bất ngờ, có thể đảo chiều chỉ trong một đêm và tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường. Thị trường xuất khẩu cá tra không phải là ngoại lệ.

“Tác động của chiến tranh thương mại là dài hạn, đặc biệt là đối với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Người đứng đầu Nhà trắng sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu, dòng vốn, lạm phát và chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và ngành xuất khẩu cá tra”, Vasep nhận định.

Với Việt Nam – nền kinh tế có độ mở cao và còn phụ thuộc lớn vào thương mại quốc tế nên mọi biến động về thuế quan từ Mỹ đều có thể gây ra hiệu ứng domino, tác động tiêu cực đến thị trường, trong đó có xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng.

Thẳng thắn đối diện với thách thức này, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn, dựa trên những đánh giá sơ bộ đã đưa ra ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2025 có thể giảm 15 - 30% khi tính thêm tác động tiêu cực của “cơn bão” thuế quan. Với bản kế hoạch lợi nhuận 1.500 tỷ đồng đang trình cổ đông, mức giảm trên tương đương con số tuyệt đối lên tới 225 - 450 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, tình hình vẫn còn thay đổi và tác động thực tế có thể sẽ khác tùy vào cách áp dụng thuế quan và các yếu tố khác nằm ngoài tầm kiểm soát”, Tổng giám đốc Vĩnh Hoàn cũng lưu ý.

Đồng thời, bà Tâm khẳng định, ưu tiên của doanh nghiệp trước biến số này vẫn là “hợp tác chặt chẽ với khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng địa phương, thể hiện sự kiên cường và quyết tâm tương tự đã giúp chúng tôi vượt qua những thách thức trong quá khứ”.

Từ góc độ Hiệp hội, Vasep cho rằng, ngay lúc này doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam nên tập trung đẩy nhanh các lô hàng còn đang trong quá trình trung chuyển, vận chuyển đến quốc gia tiêu thụ đích, ít nhất là trong 90 ngày tới để hạn chế tối đa rủi ro bị áp thuế cao. Đồng thời, tích cực chủ động chuẩn bị phương án để tìm kiếm, mở rộng, thay thế thị trường Mỹ bằng các thị trường khác như ASEAN, Trung Đông,...

Bên cạnh đó, thời điểm này cũng là lúc để các doanh nghiệp tái cấu trúc chiến lược, tìm kiếm thị trường và đối tác thay thế, nhằm xây dựng một hệ thống đủ sức chống chịu trong kịch bản chiến tranh thương mại kéo dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng sức chống chịu cho doanh nghiệp cá tra trong "bão" thuế quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO