Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Nên "liệu cơm gắp mắm"!
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đất nước còn nghèo, nợ công vẫn ở mức cao, nên phải "liệu cơm gắp mắm". Cùng với đó, tốc độ 350km/giờ sẽ tiềm ẩn rủi ro, cần điều chỉnh và xây dựng theo từng đoạn.
Sau khi Bộ GTVT đưa ra phương án vốn làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam mức 58,7 tỉ USD thì Bộ KH&ĐT và các chuyên gia tư vấn Đức, Hà Lan vừa đưa ra kiến nghị về cải tạo, xây dựng đường sắt cao tốc với chi phí 26 tỷ USD. Điểm trọng yếu chính là bác bỏ khả năng áp dụng tàu cao tốc 350km/h theo đề xuất của Bộ GTVT trước đó. Với đề xuất này, Bộ KH&ĐT tiết kiệm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ GTVT trước đó.
Tốc độ…không nên quá cao
Đánh giá về phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội nhận định, với tốc độ đường sắt 350 km/giờ ở Việt Nam sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. "Thời tiết khí hậu của Việt Nam khắc nghiệt, đường sắt Bắc Nam đi qua nhiều địa hình hiểm trở như núi cao, biển. Chỉ một chi tiết sai lầm nhỏ sẽ gây nguy hiểm cho đoàn tàu. Nếu có tàu cao tốc 350 km/giờ, tôi cũng không dám đi", ông Phong nói.
Với điều kiện vốn của Việt Nam, ông Phong cho biết ủng hộ phương án Bộ KH&ĐT đưa ra cải tạo, rồi dần dần xây mới với chi phí 26 tỷ USD là hợp lý hơn.
"Việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam có tốc độ vừa phải, như nhiều nước phát triển đang sử dụng là hợp lý, chúng ta cũng sẽ xây dựng theo từng đoạn. Đoạn nào đông khách làm trước để giảm chi phí, tăng cơ hội cho đoạn tiếp theo", ông Phong nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, tốc độ của đường sắt cao tốc Bắc Nam không nên quá cao. “Tôi đã từng đi tàu cao tốc ở các nước trên thế giới, tốc độ khoảng trên 200 km/giờ. Về vốn đầu tư, tôi nghĩ sẽ cao hơn mức 26 tỷ USD mà Bộ KH&ĐT đưa ra bởi lẽ liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, công nghệ hiện đại”, ông Lực cho biết.
Sẽ không có “lời giải” hoàn hảo
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cải cách toàn bộ hệ thống đường sắt Việt Nam hiện hữu chắc là cần thiết, còn đường sắt cao tốc thì phải đặt lại bài toán đó là Tại sao phải làm đường sắt cao tốc, mục tiêu là gì và có cần hay không?
Thứ hai là chở khách, chờ hàng? Khi có tiêu đề phải đặt ra giới hạn ràng buộc tốc độ. Sau ràng buộc mới tối ưu hoá. “Phần đánh giá lợi ích chúng ta mới cần bàn bạc, sau đó mới tiến hành bước kỹ thuật, vốn, công nghệ”, chuyên gia Võ Trí Thành nói.
Có thể bạn quan tâm
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chênh 32 tỷ đô, nghiêng về đâu?
06:50, 11/07/2019
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cần 58,7 hay 26 tỷ đô?
07:15, 10/07/2019
Hà Nội: Thống nhất phương án vay lại Dự án Đường sắt đô thị
13:39, 08/07/2019
Đề xuất đầu tư 40.000 tỷ đồng làm đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai
00:57, 06/07/2019
Hà Nội vay lại 98,35 triệu USD vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
11:00, 03/07/2019
Theo ông Thành, không ai nói đúng đối với thì tương lại được cả, nhưng phải xem kỹ dự án đó để hạn chế rủi ro. Cần so sánh các phương án, chi phí, lợi ích, mục tiêu, tiền đề và ràng buộc...
"Tôi muốn nói, bài toán chi phí và lợi ích có rất nhiều, bao gồm chi phí lọi tích môi trường, kinh tế vĩ mô, ngân sách, nợ công, hiệu quả. Chưa có được bản này trong tay, không đánh giá cụ thể", TS Võ Trí Thành cho biết.
Chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng: "Sẽ không có lời giải hoàn hảo đối với mọi phương án. Tương lai công nghệ thay đổi, chi phí thay đổi, kịch bản đưa ra sẽ phải làm tốt nhất có thể. Số khách đi ai có thể nói trước được. Đặc biệt, cái rất quan trọng khi so sánh 2 phương án, họ liệt kê rủi ro nằm ở đâu và biện pháp tối thiểu hoá rủi ro đó".
Ông Thành cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là người đứng đầu và Quốc hội có "dám chơi", dám chịu trách nhiệm hay không? Nếu "dám chơi" thì giải trình thẳng thắn để đất nước có người chịu trách nhiệm về quyết sách. Để không còn chuyện có một vấn đề lớn kéo dài 20 năm không ai quyết được như sân bay Long Thành, đặc khu, phải đưa đi đưa lại 20 năm cũng không quyết được.
"Chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc này đã bàn cách đây 10 năm. Nếu chúng ta mãi chỉ cãi nhau phải hoàn hảo thì không bao giờ có hoàn hảo. Mỗi phương án đều có rủi ro, phải tối ưu hóa, tối thiểu hóa rủi ro", TS Thành nói.
Sau khi Bộ GTVT đưa ra phương án vốn làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam mức 58,7 tỉ USD thì Bộ KH&ĐT và các chuyên gia tư vấn Đức, Hà Lan vừa đưa ra kiến nghị về cải tạo, xây dựng đường sắt cao tốc với chi phí 26 tỷ USD.
Điểm trọng yếu chính là bác bỏ khả năng áp dụng tàu cao tốc 350km/h theo đề xuất của Bộ GTVT trước đó. Với đề xuất này, Bộ KH&ĐT tiết kiệm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ GTVT trước đó.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đất nước còn nghèo, nợ công vẫn ở mức cao, nên phải "liệu cơm gắp mắm". Do đó, chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên thuê cơ quan tư vấn độc lập có uy tín của nước ngoài để đánh giá về các phương án, đưa ra cho chúng ta những đề xuất cần thiết, sau đó Chính phủ và Quốc hội sẽ cân nhắc.
Cùng với đó, sự chậm trễ trong việc thực hiện các dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM, đặc biệt là việc lựa chọn nhà thầu, sự chậm trễ và đội vốn của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) phải được coi là bài học xương máu. Siêu dự án mấy chục tỉ USD mà để đội vốn như chuyện xảy ra với Cát Linh - Hà Đông thì hậu quả khôn lường.