Giao vốn chưa kịp thời làm chậm giải ngân ODA

Hằng Hà 23/07/2019 00:02

Việc giao vốn còn chậm, chưa kịp thời; kế hoạch vốn giao không phù hợp với hiệp định vay,... là những nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân các dự án ODA.

giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán

Giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán

Số liệu của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn nước ngoài cho cấp phát đầu tư phát triển trong nửa đầu năm 2019 mới đạt 2.050 tỷ đồng, đạt 3,42% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Khoản cho vay lại với chính quyền địa phương cũng chỉ đạt khoảng 216 tỷ đồng, bằng 1,26% kế hoạch. Cho vay lại với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công có khá hơn, đạt 7.664 tỷ đồng, đạt 29,22% hạn mức giải ngân cho vay lại. 

Có 59 địa phương được giao kế hoạch vốn ODA năm 2019. Tỷ lệ giải ngân mới đạt 12,14%, trong đó 8/59 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30% (Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Yên, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Trà Vinh, Kiên Giang và Bạc Liêu); có 28 địa phương giải ngân vốn ODA bằng 0%.

Một số dự án chậm giải ngân tiêu biểu như: Dự án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư sân bay Long Thành; Dự án xây mới, mở rộng các tuyến đường vành đai 1, 2, 3 của Hà Nội; Dự án Mở rộng bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình; Nâng cấp trường Đại học Cần Thơ; Dự án xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy, trường Đại học Dược Hà Nội...

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng chỉ thị nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA

    Thủ tướng chỉ thị nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA

    21:03, 29/06/2019

  • Gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị với kết quả giải ngân vốn ODA

    Gắn trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị với kết quả giải ngân vốn ODA

    00:50, 01/07/2019

  • Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi: ADB khuyến nghị những gì?

    Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi: ADB khuyến nghị những gì?

    06:30, 08/07/2019

  • Thủ tục đẩy chi phí vốn ODA tăng

    Thủ tục đẩy chi phí vốn ODA tăng

    00:00, 20/07/2019

Theo Bộ Tài chính, giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán. Theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng.

Đến hết năm 2019, tổng số đã giao trong dự toán NSNN của giai đoạn 2016 - 2019 là 244.300 tỷ đồng, số còn lại chưa giao là 115.700 tỷ đồng, bằng 67,9% kế hoạch điều chỉnh của cả giai đoạn. Số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5/2019, là 133.042 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch đã giao của giai đoạn 2016 - 2019 và bằng 36,96% kế hoạch trung hạn điều chỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nếu so với kế hoạch ban đầu là 300.000 tỷ đồng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, thì mới giải ngân đạt 46%.

Nguyên nhân giải ngân chậm các dự án ODA là do một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư; việc giao vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn chậm, chưa kịp thời; kế hoạch vốn giao không phù hợp với hiệp định vay, khả năng thực hiện dự án. Nhiều dự án hiện nay gặp vướng mắc trong việc sử dụng vốn. Thủ tục thẩm định tài chính, thủ tục thẩm định tài sản đảm bảo tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam kéo dài, đặc biệt đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với dự án có nhiều địa phương tham gia, việc hoàn thiện hồ sơ thẩm định mất nhiều thời gian; vướng mắc về hạn mức dư nợ trong điều kiện được vay lại, địa phương có nợ quá hạn trên 180 ngày với ngân sách nhà nước, dù đã ký hợp đồng cho vay lại nhưng chưa đủ căn cứ để giải ngân. Ngoài ra, việc chủ dự án chậm làm thủ tục ghi thu ghi chi, làm ảnh hưởng đến việc tổng hợp số liệu báo cáo và duyệt đơn rút vốn; chủ dự án chậm báo cáo tất toán các khoản tạm ứng với nhà tài trợ cũng khiến giải ngân chậm.

Theo ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Bộ Tài chính, việc thông báo kế hoạch vốn năm 2019 của các Bộ, ngành, địa phương hiện rất chậm. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới giao kế hoạch bằng 48% kế hoạch vốn Quốc hội giao. Tình trạng này dẫn đến việc rất nhiều nơi không có nguồn để giải ngân. Ngoài ra, việc bố trí vốn thiếu so với kế hoạch, tiến độ triển khai cũng như với cam kết của các hiệp định vay đang là mối quan tâm của cả chủ dự án và các nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh kế hoạch vốn ở các dự án và các tiểu dự án diễn ra thường xuyên và liên tục ở tất cả Bộ, ngành và địa phương, tuy nhiên, thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn theo quy định rất phức tạp qua nhiều cấp. Nhiều trường hợp dự án đến khi được điều chỉnh đã hết thời hạn giải ngân và lại phải xin gia hạn dự án, kéo theo nhiều thủ tục pháp lý phức tạp.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn ODA theo đúng kế hoạch, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã đề nghị, các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án cần chú trọng việc chuẩn bị, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, nhanh chóng triển khai dự án để có khối lượng hoàn thành và thanh toán vốn…

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành có liên quan để xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn; đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm; đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Bên cạnh việc phối hợp với các bộ ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn, Bộ Tài chính sẽ thực hiện việc đánh giá 1 năm triển khai Luật quản lý nợ công, đồng thời rà soát và đánh giá lại các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công trong đó có Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ...

Hằng Hà