Đẩy mạnh cơ hội hợp tác đầu tư Việt Nam - Liên bang Nga
Thông qua các diễn đàn xúc tiến đầu tư, hội chợ triển lãm Việt - Nga cùng các hoạt động trong "Năm chéo Việt - Nga", cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại cho doanh nghiệp hai bên đang ngày một rộng mở.
Cơ hội từ các FTA
Kể từ khi Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) được ký kết năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2016, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đã có sự tăng trưởng tích cực. Điều này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp Nga thể hiện sự quan tâm lớn với thị trường Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Triển lãm Quốc tế Việt - Nga: Tăng cường hợp tác doanh nghiệp 2 bên
15:02, 12/11/2019
14-16/11: Triển lãm quốc tế Việt - Nga, Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt – Nga
07:11, 06/11/2019
Nhiều dư địa cho hợp tác Việt - Nga
11:01, 22/11/2018
Doanh nghiệp Việt - Nga hợp tác "sâu" trong lĩnh vực nông sản
07:54, 16/11/2018
Tại lễ khai mạc Triển lãm Việt - Nga 2019, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, hiện nay Việt Nam đã ký 13 Hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó 12 Hiệp định đã có hiệu lực và đang hoàn tất phê chuẩn Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA).
"Việc thực hiện đầy đủ những cam kết toàn diện, tiêu chuẩn cao trong các FTA sẽ làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam thuận lợi, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Các Hiệp định FTA sẽ tạo cơ hội để các nhà đầu tư tiếp cận không chỉ thị trường Việt Nam mà cả ASEAN và các thị trường tiềm năng lớn ở Châu Á", Phó Thủ tướng cho biết.
Đồng thời, với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu đã có hiệu lực, Việt Nam mong muốn các sản phẩm dệt may và da giày, nông - lâm - thủy sản, điện tử, hàng tiêu dùng... có chất lượng của Việt Nam có cơ hội tiếp cận thuận lợi hơn với thị trường Nga rộng lớn và thị trường liên minh kinh tế Á - Âu.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam sẵn sàng đón nhận, nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực mà Nga rất có thế mạnh như năng lượng, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, thiết bị công nghiệp, sản xuất ô tô và linh kiện ô tô; khoáng sản, nguyên liệu sản xuất và các sản phẩm công nghệ cao từ Liên bang Nga.
"Việt Nam sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất, là đối tác chiến lược tin cậy, ủng hộ và hỗ trợ các doanh nghiệp Nga trong quá trình kinh doanh đầu tư tại Việt Nam", Phó Thủ tướng nêu rõ và cho biết thêm, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư Liên bang Nga.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, các doanh nghiệp hai bên nghiên cứu cụ thể các nội dung của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu để tận dụng hiệu quả hơn các cơ hội và hưởng các ưu đãi Hiệp định này mang lại.
"Tương lai của quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga không chỉ phụ thuộc vào mong muốn, nỗ lực của hai nhà nước và nhân dân hai nước, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn, sự năng động, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục chủ động phối hợp với các đối tác Nga để xây dựng, tổ chức nhiều chương trình hợp tác và sáng kiến thương mại thiết thực, hiệu quả nhằm góp phần đưa mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đánh giá, với vai trò là đơn vị xúc tiến thương mại, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đã nỗ lực và chủ động cùng phối hợp với các đối tác tổ chức nhiều hoạt động để xây dựng kết nối với doanh nghiệp tại thị trường Nga.
"Với vai trò là đơn vị xúc tiến thương mại quốc gia, VCCI sẽ luôn là cầu nối tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp Nga. Đồng thời phối hợp với các bên liên quan xây dựng chương trình thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong các lĩnh vực hợp tác còn nhiều dư địa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận học hỏi công nghệ của các đối tác Nga", Chủ tịch VCCI khẳng định.
Khai thông cửa ngõ vào Nga
Hiện nay, bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống như cơ khí, dầu khí, chế tạo máy... Các lĩnh vực được doanh nghiệp Nga đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam đang dần chuyển sang vận chuyển, năng lượng, y dược, phân phối và sản xuất thực phẩm.
Trong khi đó, thị trường Nga cần nhiều mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, rau củ, hàng may mặc, đồ gỗ… Tuy nhiên, sự hiện diện của doanh nghiệp Việt tại thị trường Nga vẫn còn khiêm tốn.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công thương Liên bang Nga Serge A.TSYB cho biết, chính phủ Nga đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong phương thức thanh toán, vận chuyển... để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các vùng, các tỉnh thành phố của Liên bang Nga.
Thông qua các hoạt động tiếp xúc trực tiếp trong khuôn khổ "Năm chéo Việt - Nga", các doanh nghiệp có thể cùng trao đổi những khó khăn vướng mắc, kiến nghị gửi đến các cơ quan quản lý. Từ đó, tạo động lực cho sự hợp tác thực tế sâu sắc và tạo điều kiện cho các mối quan hệ kinh doanh, cũng như tạo ra và thúc đẩy các dự án cùng có lợi.