Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng dài gần 400km
Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải vừa làm việc với UBND tỉnh Hưng Yên, Hải Phòng và Hải Dương về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có giá trị 100.000 tỷ đồng, tốc độ 160 km/h. Theo quy hoạch nghiên cứu, tuyến đường sắt có chiều dài 392 km, diện tích đất sử dụng 1.650 ha, xây dựng theo hướng đông qua 8 tỉnh, thành phố. Tổng mức đầu tư (chưa bao gồm chi phí mặt bằng) ước khoảng 100.000 tỷ đồng.
Trên tuyến có 73 cầu lớn, với tổng chiều dài hơn 130k m, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga, trong đó xây mới 29 nhà ga. Năng lực vận tải trong dài hạn của tuyến dự kiến là 10 triệu tấn hàng hoá/ năm, khai thác 15 đôi tàu/ngày.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất xây mới tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
11:31, 10/03/2019
Hiện thực hóa quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng
11:00, 11/11/2019
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Bao giờ hoàn thành?
09:45, 02/11/2019
Bộ GTVT được giao nghiên cứu Đề án quản lý, sử dụng hạ tầng đường sắt quốc gia
10:53, 08/10/2019
Đường sắt “già mà không lớn”
11:00, 07/10/2019
Tại địa phận Hưng Yên, tuyến đường sắt sẽ có lộ trình qua huyện Văn Lâm và thị xã Mỹ Hào, chiều dài tuyến 19,4 km. Điểm đầu là Km280+000 thuộc xã Lạc Đạo và điểm cuối là Km299+400 thuộc xã Hòa Phong, thị xã Mỹ Hào. Dự kiến, sẽ có 2 nhà ga trên lộ trình qua tỉnh Hưng Yên.
Tại Hải Phòng, tuyến đường sắt đi qua thành phố có điểm đầu tại xã Quang Trung (huyện An Lão), điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (huyện Cát Hải) với chiều dài tuyến khoảng 50,3 km, có 3 ga trung gian và 1 ga nhường tránh.
Tại Hải Dương, theo quy hoạch, đoạn qua tỉnh có chiều dài gần 39 km, qua các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Hà. Theo thiết kế có 3 ga gồm 2 ga trung gian ở huyện Bình Giang, thành phố Hải Dương và 1 ga nhường tránh ở huyện Thanh Hà.
Đánh giá về dự án này, TS Bùi Xuân Phong Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải Đường sắt Việt Nam từng cho rằng, với một đất nước phát triển, đường sắt là điều nên làm. Tuy nhiên, phải làm đúng thời điểm. Trong bối cảnh Việt Nam còn đang khó khăn thì cần phải tập trung vào một số dự án trọng điểm, không nên dàn trải kẻo "nợ càng thêm nợ".
"Về ngành đường sắt, chúng ta đang trọng tâm nghiên cứu thực hiện dự án tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Đây dự án lớn, tiêu tốn khoảng 58.000 tỷ đồng. Ngoài ra công sức của rất nhiều nhà khoa học, cơ quan chức năng bỏ vào đó không thể tính đếm trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thực hiện được. Bây giờ nên tập trung làm dự án đó trước, đừng thực hiện thêm dự án nào khác kẻo dàn trải, có thể dẫn đến chẳng hoàn thành dự án nào", TS Bùi Xuân Phong bày tỏ.
Vẫn theo vị chuyên gia này, với địa hình từ Lào Cai xuống Hà Nội và đi Hải Phòng, có nhiều đoạn đường hiểm trở, đòi hỏi việc gia cố nền móng và các công cụ thanh tà vẹt, đá, thanh sắt... Điều đó sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền mà hiệu quả kinh tế đem lại không tương xứng. Trong khi đó, lượng hàng hóa từ Lào Cai xuống Hà Nội rồi đi Hải Phòng cũng là vấn đề được TS Bùi Xuân Phong đề cấp tới khi nói đến tính hiệu quả nếu tuyến đường sắt này được xây dựng. Bởi thực tế, số lượng hàng hóa từ Lào Cai đi các tỉnh Đông Bắc Bộ chủ yếu không phải là hàng trong nước mà nhập từ cửa khẩu Trung Quốc.