5 lĩnh vực kinh doanh sẽ “lên ngôi” trong năm 2020
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển; Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư SSI đã đưa ra 5 lĩnh vực kinh doanh sẽ “lên ngôi” trong năm 2020.
Chia sẻ này được ông đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế 2020: “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”, diễn ra ngày 5/12 tại VCCI.
Lĩnh vực kinh doanh đầu tiên mà ông Linh đề cập đó là ngành hàng tiêu dùng. Ông Linh cho biết, thị trường 100 triệu dân của Việt Nam đang là thị trường vô cùng hấp dẫn và những nhà đầu tư Thái Lan đang tận dụng cơ hội đầu tư. “Khi chúng tôi tiếp xúc với doanh nghiệp Thái Lan sang tìm cơ hội đầu tư cổ phiếu Việt Nam thì họ thường quan tâm tới ngành hàng tiêu dùng với các doanh nghiệp như PNJ, Vinamilk… là chính. Điều đó chứng tỏ rằng tiềm năng của những ngành hàng này là rất lớn” – ông Linh nói.
Do vậy, ông nhấn mạnh rằng, những ngành tận dụng được thị trường 100 triệu dân của Việt Nam sẽ là mảng thị trường “lên ngôi” trong thời gian tới. Với 100 triệu dân này thì không chỉ lĩnh vực bán lẻ như đường sữa, mà còn là về nghệ thuật, giải trí và giáo dục - đó là những ngành kinh doanh rất lớn nhưng dịch vụ và chất lượng hàng hoá còn rất nhỏ.
“Hiện nay, các chuỗi cửa hàng cafe như nấm mọc sau mua. Tưởng chừng như đó là cơ hội nhỏ nhặt mong manh nhưng lại là cơ hội lớn vì đã đánh trúng vào thị trường của Việt Nam. Hay như chiến lược của Viettle đó là “dùng nông thôn bao vây thành thị” bởi đây là thị trường tiềm năng nhưng lại chưa tương xưng với mức thu nhập của họ. Đó là lý do vì sao Thế giới di động đã rất thành công khi tiến công về nông thôn, trong khi thị trường thành phố chỉ là duy trì mức doanh thu” – ông Linh dẫn chứng.
Ở mảng thứ 2, ông Linh nhận định rằng sẽ là ngành du lịch và những ngành phát triển hưởng lợi từ du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng +39% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng cao nhất 23 tháng. Sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc là động lực chính với mức tăng +77%, bên cạnh đó nhiều thị trường khác cũng có tăng trưởng cao như Đài Loan (+37,5%), Thailand (+42,9%)…Khi khách du lịch tăng thì các sản phẩm dịch vụ tăng. GDP của lĩnh vực lưu trú và ăn uống là tăng xấp xỉ bằng GDP của cả nước.
Thứ ba là ngành vận tải logistics. Điểm này rất khác so với thời điểm 2012-2013. Tăng trưởng của ngành kho bãi cứ năm sau tăng cao hơn năm trước, có do nhiều yếu tố nhưng phần lớn là do tăng trưởng xuất nhập khẩu trong những năm gần đây đã tạo ra lưu lượng hàng hoá giao thương trong những năm gần đây.
"Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này bởi ở lĩnh vực này các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam còn rất ít", ông Linh đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Việt Nam cần tăng cường biện pháp ngăn tác động xấu từ FDI và thương mại từ Trung Quốc
15:39, 05/12/2019
[TRỰC TIẾP] Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”
14:19, 05/12/2019
Niềm tin và sự đầu tư của doanh nghiệp quyết định tăng trưởng của nền kinh tế
14:14, 05/12/2019
Thứ tư là ngành xây dựng và vật liệu xây dựng. Năm 2020 ngành này sẽ có sự tăng trưởng cao hơn. Bởi, trong 2 năm vừa qua tốc độ giải ngân đầu tư công rất chấp nhưng sau 2 năm tháo gỡ khó khăn thì đến năm 2020 sẽ tăng mạnh hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn từ tư nhân sẽ tạo ra bước đệm rất lớn cho ngành.
Thứ năm, ngành nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp. "Năm 2019 tăng trưởng của ngành có chậm lại đây là một năm khô hạn. Nhưng thường sau 1 năm khô hạn thì năm sau thường tốt hơn, kéo theo những ngành liên quan khác cũng sẽ tích cực hơn", ông Linh nói.