[VBF cuối kỳ 2019] Amcham: Cần xóa bỏ rào cản thương mại và khai phá tiềm năng kinh tế số
Với tình trạng mất cân bằng thương mại ngày càng tăng, các thành viên của AmCham đề nghị, việc loại bỏ những rào cản thương mại đầu tư và khai phá tiềm năng nền kinh tế số là cấp thiết.
Xóa bỏ rào cản thương mại
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 (VBF 2019), bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, việc xây dựng một khung pháp lý công bằng, minh bạch, ổn định và hiệu quả mà trong đó coi trọng sự đổi mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút, duy trì và phát triển thương mại và đầu tư chất lượng cao.
Theo đó, sự thay đổi trong chính sách thuế, bao gồm việc áp dụng hiệu lực hồi tố, là một trong các quan ngại lớn nhất của các doanh nghiệp thành viên của AmCham. Chính vì vậy, AmCham trông đợi các chính sách thuế ổn định, công bằng phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu để thu hút và duy trì đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Rủi ro cho các doanh nghiệp nước ngoài khi thay đổi các quy định pháp luật
09:22, 10/01/2020
Chủ tịch VCCI: “Dư địa quan trọng nhất vẫn là thể chế, cải cách thể chế”
09:19, 10/01/2020
Kocham kiến nghị miễn thuế nguyên liệu nhập khẩu cho sản phẩm gia công ngoài để xuất khẩu
09:05, 10/01/2020
Do đó, Amcham khuyến nghị, việc công nhận các quy định của OECD về chuyển giá, cũng như cho phép thỏa thuận trước về giá giao dịch liên kết để hỗ trợ việc lên kế hoạch kinh doanh, cải thiện một cách hiệu quả việc giảm các gánh nặng về tuân thủ, bổ sung việc tuân thủ thời hạn 15 ngày cho các cuộc thanh tra đơn giản.
Bên cạnh đó, Đại diện Amcham nhận định, việc thực thi tốt các quy tắc xác nhận trước xuất xứ sẽ giúp giảm thiểu sự thiếu chắc chắn và không phù hợp trong quá trình thanh tra hải quan. Tính tuân thủ và hiệu quả sẽ được nâng cao hơn nếu nhiều doanh nghiệp nhận thức được loại hàng hóa nào đáp ứng quy tắc xác nhận trước xuất xứ như việc phân loại, đánh giá và xác nhận nguồn gốc, và thủ tục để thực hiện các công đoạn này.
Tuy nhiên, Amcham cũng bày tỏ lo ngại rằng việc soạn thảo quy định chỉ trong một thời gian ngắn có thể ảnh hưởng đến tính hiệu quả và ổn định của cơ chế mới. Do vậy, việc linh động quy định dịch vụ chuyển phát nhanh phát triển sẽ tăng cường việc tinh giản và minh bạch trong các thủ tục thông quan.
Sự phối hợp giữa Tổng Cục Hải Quan Việt Nam và dự án Tạo Thuận Lợi Thương Mại của USAID sẽ mang lại cơ hội xem xét vấn đề này và nhiều vấn đề hải quan khác đang tồn tại trong cộng đồng kinh doanh.
Một trong những vấn đề đáng chú ý là việc loại bỏ các rào cản kỹ thuật thương mại. Bà Amanda nhận định, thương mại nông nghiệp cũng giúp cân bằng quan hệ thương mại song phương trong thời gian qua. Các nhà xuất khẩu nông nghiệp Hoa Kỳ mang lại những nguyên liệu chủ chốt cho ngành may mặc và nội thất đang phát triển của Việt Nam, cũng như cung ứng thức ăn chăn nuôi và thực phẩm, đồ uống an toàn và chất lượng cao cho người tiêu dùng Việt Nam.
"Tuy nhiên, rào cản kỹ thuật thương mại đã tạo ra ảnh hưởng tiêu cực và sự không chắc chắn đến các nhà xuất khẩu nông nghiệp Hoa Kỳ. Các quy định gần đây về nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp, bao gồm ngũ cốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ đang bị áp đặt chính sách gây nhầm lẫn và không rõ ràng, cản trở các doanh nghiệp vận chuyển đến Việt Nam, và ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam", bà Amanda cho biết.
Chính vì vậy, Amcham khuyến nghị, Việt Nam cần hướng tới việc loại bỏ các rào cản kỹ thuật thương mại thông qua các tiêu chuẩn dựa trên khoa học phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Theo đó, thiết lập một quy trình tư vấn thường xuyên để giải quyết các chính sách liên quan đến mối quan tâm về sức khỏe cây trồng.
Thông qua nền tảng này, Việt Nam có thể xác định được tập quán tốt nhất với sự hỗ trợ chuyên ngành và áp dụng phương thức chuyên ngành dựa trên khoa học và được quốc tế công nhận trong đó cho phép Việt Nam tiếp tục nhập khẩu bắp (ngô), đậu nành và lúa mì từ Hoa Kỳ.
Một trong những vấn đề uan trong khác được Amcham khuyến nghị là vấn đề cấp quyền sử dụng đất kịp thời và minh bạch. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp thành viên của Amcham bị giảm khả năng phát triển bất động sản gây ảnh hưởng rộng lớn đến các bên liên quan trên tất cả phân khúc của nên kinh tế.
Mâu thuẫn giữa các quy định về quy hoạch, sử dụng đất và quy chuẩn xây dựng cũng như cảnh báo của cơ quan công quyền từ các cuộc điều tra hiện nay đã làm cho nhiều dự án bị đình chỉ, cản trở các nhà đầu tư tham gia phát triển các dự án có chất lượng cao có khả năng mang lại sự cải tiến và tạo ra các cơ hội phát triển kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam.
Phát triển nền kinh tế số
Chủ tịch Amcham nhận định, mặc dù Việt Nam đã sẵn sàng để đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn còn các rào cản cho cỗ máy phát triển tiềm năng này và đe dọa giới hạn việc chuyển tiếp của Việt Nam đến nền Công nghiệp mới này.
Cụ thể, việc thiếu các tiêu chuẩn, chuẩn mực kỹ thuật số và chứng chỉ số, cùng với các rủi ro về đe dọa mạng, có thể kềm hãm sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng doanh nghiệp cần thiết để thúc đẩy việc thực hiện công nghệ để hỗ trợ cho sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam.
Các yêu cầu của pháp luật hiện hành đối với việc lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam và đặt chi nhánh/ văn phòng đại diện tại Việt Nam áp đặt các gánh nặng không cần thiết cho các nhà cung cấp dịch vụ mà không mang lại lợi ích tương ứng.
Việc đặt ra giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính của Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, theo đó dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho các công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty ngang hàng trong khu vực.
Dự thảo nghị định hiện có sửa đổi Nghị định 101 đang áp đặt một mức trần về sở hữu vốn nước ngoài có thể đi chệch hướng của sự đổi mới hiện nay và ngăn cản những thay đổi khác sắp đến. Nhìn chung, các hạn chế này có thể gây trở ngại lớn cho việc phát triển lĩnh vực này và chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ cho phép dịch vụ công nghệ tài chính đóng góp vào nền công nghệ, tính sáng tạo và tài chính toàn diện của Việt Nam.
Theo đại diện Amcham,nền kinh tế kỹ thuật số là một thành phần chính của cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra tại Việt Nam. Duy trì một nền kinh tế kỹ thuật số mở và tự do là chìa khóa để duy trì tính cạnh tranh của Việt Nam và phát huy sự đổi mới, làm giảm đáng kể chi phí, cung cấp sản phẩm và dịch vụ đến người tiêu dùng với phạm vi lớn.
Do đó, các doanh nghiệp Amcham sẵn sàng cung cấp chuyên gia khi Việt Nam xây dựng các quy định áp dụng đối với các công nghệ mới nổi lên gần đây như thanh toán điện tử, dịch vụ nội dung kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, và thành phố thông minh.
Đồng thời, hỗ trợ thiết lập chính sách phù hợp cho phép sử dụng ví điện tử và các phương thức thanh toán điện tử khác có thể hỗ trợ làm giảm việc sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện cho thương mại điện tử hiệu quả hơn, và giảm các tình huống tham nhũng và gian lận. Thông qua việc gia tăng trình độ kỹ thuật số cho người lao động Việt Nam để tiếp cận và chấp nhận sự đổi mới qua đó giúp họ thích nghi được sự thay đổi về kỹ năng và loại công việc cần thiết để hỗ trợ cho cách sống mới và cách thức làm việc mới.