[8 lĩnh vực ảnh hưởng bởi Covid-19] (Kỳ 3) Đầu tư nước ngoài chịu tác động ở hai khía cạnh
Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương do dịch bệnh covid-19, nhưng quốc tế đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của trong phòng, chống bệnh và cải thiện môi trường kinh doanh...
Đầu tư nước ngoài
Tác động đến lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần nhìn nhận ở hai khía cạnh. Thứ nhất, đối với các dự án đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam; Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 16,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong 17 ngành Trung Quốc có đầu tư ở Việt Nam, nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 54% tổng số dự án; trong đó ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất 54%, sản xuất điện-khí nước-điều hòa 26%).
Về địa bàn đầu tư, FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam nhưng chủ yếu tập trung tại 22/28 tỉnh ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa 2 nước. Tại Việt Nam hiện nay, nhiều dự án, doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc tham gia vào nhiều khâu quan trọng trong sản xuất và điều hành dự án, doanh nghiệp. Việc những lao động này đang bị hạn chế trở lại Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết do các biện pháp phòng lây lan dịch covid-19 có tác động trực tiếp đến các dự án, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này, cũng như thu nhập và đời sống của người lao động trong dự án, doanh nghiệp liên quan.
Thứ hai, dịch covid cũng có thể mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án FDI mới bởi quan ngại dịch bệnh sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hồng Kông, Macau…), vốn dĩ đã dịch chuyển thời gian qua cũng như bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Tuy nhiên, tác động tích cực này sẽ chủ yếu xảy ra trong trung hạn. Tính chung lại, thu hút FDI năm 2020 vẫn có thể tăng (khoảng 5%), thấp hơn 2,2 điểm % so với năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
[8 lĩnh vực ảnh hưởng bởi Covid-19] (Kỳ 2) Gián đoạn chuỗi cung ứng
01:00, 13/02/2020
[8 lĩnh vực ảnh hưởng bởi Covid-19] (Kỳ 1) GDP có thể giảm 0,37% nếu khách Trung Quốc giảm 75% 3 tháng tới
16:27, 12/02/2020
Lĩnh vực tài chính - ngân hàng
Tại Việt Nam, những biến động đầu tiên đã được ghi nhận trên TTCK và thị trường ngoại hối. Lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với yếu tố tâm lý sau kỳ nghỉ Tết, thị trường chứng khoán những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 diễn biến trầm lắng, tâm trạng chờ đợi bao phủ toàn thị trường. Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng (tính đến hết ngày 10/2/2020 tỷ giá trung tâm tăng 0,24%, tỷ giá giao dịch tăng 0,3% so với đầu năm).
Đối với TTCK, các nhà đầu tư đã có những lo ngại đối với dịch covid-19 tác động tới kinh tế Việt Nam, khi VNIndex sụt giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tiên sau Tết (ngày 30 và 31/1), giảm 5,53% so với trước thời điểm nghỉ Tết (cũng là quãng thời gian Chính phủ và các cơ chức năng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt ứng phó với dịch nCoV).
Trong tuần từ 3-7/2/2020, VNIndex tăng giảm đan xen, với biên độ hẹp hơn, mặc dù có lúc sụt giảm mạnh qua mốc 900 điểm (trong phiên ngày 3/2). Đến hết ngày 10/2/2020, VNIndex đóng cửa ở mức 930,73 điểm, giảm 3% so với mức đầu năm 2020 (960 điểm). Riêng tác động của dịch nCoV đến hệ thống ngân hàng chủ yếu thông qua tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khách hàng và bản thân ngân hàng.
Theo đó, dự báo dịch bệnh covid-19 sẽ tác động ở 3 khía cạnh quan trọng: cầu tín dụng giảm, do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý 1 và quý 2; tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất – kinh doanh gặp khó khăn; nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) có phương án tổ chức kinh doanh phù hợp, không ảnh hưởng đến khách hàng, xem xét giảm lãi suất, giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…. Các TCTD cũng đang chủ động, tích cực thực hiện và một số TCTD đã công bố giảm lãi suất hoặc có các gói hỗ trợ tín dụng cũng như tư vấn, thông tin đến khách hàng về dịch bệnh và phòng ngừa.