Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Bên cạnh sự suy giảm mạnh của lượng khách Trung Quốc, dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ giảm từ tháng 2/2020 và có thể đến hết quý 2/2020.
Việt Nam là một quốc gia láng giềng với Trung Quốc, chung đường biên giới, có sự giao thương kinh tế, thương mại, du lịch và đi lại rất lớn; đồng thời, miền Bắc Việt Nam cũng có điều kiện khí hậu, thời tiết tương đồng với nhiều địa phương của Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam được các tổ chức y tế đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Về cơ bản, dịch bệnh vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhưng diễn biến rất phức tạp và khó lường.
TS Cấn Văn Lực và các thành viên Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV thực hiện báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế thế giới, Trung Quốc (tâm dịch); và kinh tế Việt Nam.
Theo đó, Bên cạnh những tác động nhất định đến xã hội như gây xáo trộn cuộc sống, học sinh nghỉ học, tạm dừng hoặc thu hẹp các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người; tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam được phân tích chủ yếu ở 8 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều: dịch vụ y tế và nguồn nhân lực, du lịch - lữ hành - khách sạn, dịch vụ giao thông - vận tải, bán lẻ (tiêu dùng giảm), ngoại thương, đầu tư, chuỗi sản xuất - cung ứng, và dịch vụ tài chính - ngân hàng.
Lĩnh vực y tế và nguồn nhân lực
Khi xảy ra dịch bệnh, đặc biệt khi Việt Nam chính thức công bố dịch bệnh ngày 1/2/2020; chi phí trực tiếp cho công tác phòng, chống, chữa trị chắc chắn sẽ rất lớn khi toàn bộ hệ thống chính trị, các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và người dân… đều phải giành nguồn lực (cả về tài chính, con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị) cho công tác này.
Những chi phí chủ yếu gồm trang thiết bị y tế, đồ dùng vệ sinh – bảo vệ sức khỏe cá nhân, bảo hiểm y tế, dịch vụ phòng và chữa bệnh, cơ sở vật chất cách ly, chi phí tài chính cho nguồn nhân lực y tế tăng ca, truyền thông, giảm thuế cho việc nhập khẩu thiết bị y tế chống dịch…
Ngoài ra, chi phí vô hình khác chính là tâm lý lo âu, e sợ, nếu chúng ta không làm tốt khâu thông tin, tuyên truyền một cách chính xác và phù hợp.
Chúng tôi ước tính chi phí y tế và các hoạt động cho công tác phòng, chống dịch bệnh có thể lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Với nguồn nhân lực, đến thời điểm này, số lượng người bị nhiễm là 15, chưa có người tử vong, cùng với việc các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nhiều hình thức làm việc linh hoạt (làm việc tại nhà, họp và đào tạo trực tuyến, làm bù ngoài giờ…), nên mức độ ảnh hưởng chưa đáng kể. Tuy nhiên, một số chuyên gia và công nhân nước ngoài (nhất là người Trung Quốc) đang làm việc tại Việt Nam vẫn chưa thể quay lại làm việc hoặc bị cách ly đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
11:24, 12/02/2020
11:22, 12/02/2020
11:02, 12/02/2020
07:00, 12/02/2020
05:00, 12/02/2020
Lĩnh vực Du lịch - lữ hành - khách sạn
Lĩnh vực du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 một cách trực tiếp và rõ nét nhất, cả về du lịch quốc tế (khách Trung Quốc, khách Châu Á đến Việt Nam và khách Việt Nam du lịch Trung Quốc và Châu Á…), cũng như du lịch nội địa.
Về du lịch quốc tế, thu từ khách du lịch nước ngoài chiếm khoảng 6,1% GDP Việt Nam (2019); trong đó khách du lịch Trung Quốc đóng góp khoảng 32,2%. Trung Quốc là nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, trong đó 70% sử dụng hình thức vận tải hàng không. Năm 2019, lượng khách Trung Quốc thăm Việt Nam đạt 5,8 triệu lượt khách, chiếm tới 40,36% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam.
Trong tháng 1/2020, ngành du lịch Việt Nam chưa chịu tác động từ dịch Covid-19 và vẫn tăng trưởng khả quan; với lượng khách Trung Quốc đạt 644,7 nghìn lượt (chiếm 33% tổng lượng khách quốc tế), tăng hơn 15% so với tháng 12/2019 và tăng 72,6% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, dự kiến lượng khách Trung Quốc và một số nước châu Á du lịch Việt Nam và du khách Việt Nam sang các nước trong khu vực sẽ giảm mạnh từ tháng 2/2020 khi từ ngày 28/01/2020, Chính phủ Trung Quốc và nhiều nước đã đình chỉ nhiều hoạt động du lịch và các tour du lịch nước ngoài của công dân nước mình; cũng như những lo ngại, hạn chế du lịch của bản thân người dân và khách du lịch đối với dịch Covid-19.
Vì vậy, bên cạnh sự suy giảm mạnh của lượng khách Trung Quốc, dự báo lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ giảm từ tháng 2/2020 và có thể đến hết quý 2/2020.
Ở chiều ngược lại, năm 2019 lượng khách Việt Nam du lịch Trung Quốc đạt khoảng 6,5 triệu lượt trong số gần 10 triệu người Việt du lịch nước ngoài (trong đó, khoảng 80% đi du lịch châu Á – theo ASEAN Travel). Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 của Trung Quốc, Việt Nam và các nước Châu Á sẽ ảnh hưởng không chỉ tới doanh thu du lịch từ khách Trung Quốc và Châu Á mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động doanh nghiệp du lịch lữ hành của Việt Nam (đặc biệt với các doanh nghiệp có thị trường trọng tâm là Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản)… do bị hoãn, hủy hoặc không đăng ký thêm tour và khách du lịch sang các nước này.
Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ về tác động của dịch bệnh, Việt Nam là một trong những nước trong khu vực chịu tác động tiêu cực về du lịch, khiến GDP có thể giảm 0,37 điểm % trong trường hợp lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam giảm 75% trong 3 tháng tới.
Ngoài doanh thu từ du khách nước ngoài bị ảnh hưởng, nguồn thu từ du khách trong nước cũng sẽ sụt giảm mạnh, khi Chính phủ có Chỉ thị tạm dừng và hạn chế nhiều hoạt động lễ hội (khoảng 8.000 lễ hội/năm, theo Bộ VH-TT-DL), các sự kiện tập trung đông người. Do đó, dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề phục vụ lễ hội (ăn uống, vận tải, du lịch, lữ hành…), từ đó ảnh hưởng nhất định tới lĩnh vực du lịch trong nước nói riêng và nền kinh tế nói chung trong ngắn hạn.
Lĩnh vực giao thông vận tải
Cùng với ngành du lịch, ngành giao thông vận tải (nhất là nhóm các nhà cung cấp dịch vụ vận tải liên quan đến ngành du lịch) sẽ chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19. Xét theo loại hình vận tải, vận tải hàng không chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm tới hơn 79,8% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam (khách Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm 70%) năm 2019 (theo Tổng cục Du lịch).
Ngoài ra, một số loại hình giao thông vận tải khác như vận tải đường bộ, đường sắt… cũng chịu tác động tiêu cực khi hoạt động thương mại và du lịch giảm sút (như đã phân tích ở trên), các doanh nghiệp, người dân hạn chế đi lại, giao thương, du hành, lễ hội.
Bên cạnh đó, người dân cũng có tâm lý e ngại, hạn chế sử dụng các phương tiện công cộng như xe khách, xe bus, tàu điện… nhằm phòng tránh lây lan dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, lữ hành. Đối với ngành hàng không (doanh thu khoảng 200 nghìn tỷ VND, đóng góp trực tiếp vào GDP khoảng 0,1%), đây là ngành chịu tác động tiêu cực trực tiếp và rõ nét nhất, dự báo sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của ngành giảm mạnh trong quý 1, quý 2 và cả năm 2020 - tùy theo diễn biến của dịch bệnh.