[CHUYỂN DỊCH ĐẦU TƯ] (Kỳ 3): Điểm đến của những cuộc tháo chạy?
Việc các doanh nghiệp dời khỏi Trung Quốc đã không còn là những ý định mà là sự sẵn sàng và đã bước đi. Câu hỏi đặt ra là vậy họ sẽ đi đâu? Những nơi nào sẽ là lựa chọn thay thế tốt nhất?...
Cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm giữa Mỹ và Trung Quốc, cộng với dịch bệnh COVID-19 đang làm rung chuyển chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Khi làn sóng các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc nhằm tránh những tác động trên thì đã và đang tạo ra cơ hội lớn cho các nền kinh tế đang phát triển. Bởi, các doanh nghiệp từ Trung Quốc có thể giúp kiến thiết các khu công nghiệp lớn và chuyển hoá nền kinh tế tại địa phương.
Đây là cơ hội khó có thể xảy ra lần thứ hai trong một thế hệ và là cơ hội khó có thể bỏ lỡ để vươn mình trở thành nền kinh tế phát triển.
Hàng loạt thị trường có khả năng được lựa chọn
Hiện tại, các số liệu chứng minh rằng, các quốc gia Nam Á đang bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút dòng vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất. Theo đó, các quốc gia châu Phi trở thành lựa chọn được ưu tiên hàng đầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Riêng tại Ethiopia, quốc gia này đã mở gần 12 khu công nghiệp quy mô rất lớn trong những năm gần đây và thiết lập một cơ quan nhà nước đặc biệt đảm nhiệm nhiệm vụ thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới xếp hạng các quốc gia châu Phi khu vực cận sa mạc Sahara là nơi có số lượng các cải tổ mỗi năm lớn nhất thế giới kể từ năm 2012.
Trong 5 năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ thống kê được rằng, có 13 thương vụ đầu tư lớn từ Trung Quốc vào châu Phi, trong khi con số này với Nam Á là 9 thương vụ.
Với Ấn Độ, quốc gia này không thể mãi tự tin vào việc nhà đầu tư quốc tế sẽ tìm tới nơi đây bởi quy mô dân số lớn. Nhìn trên cục diện chung, Ấn Độ chính là quốc gia được kì vọng sẽ chia sẻ nhiều nhất vai trò trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu và "đại công xưởng" thứ hai của thế giới với Trung Quốc vì có lợi thế thị trường với trên 1 tỉ dân, nhu cầu tiêu dùng lớn và giá nhân công cũng còn khá rẻ. Tuy nhiên, những lợi thế của Ấn Độ chưa thể nổi bật hơn để đủ sức thu hút đa số các nhà đầu tư di dời toàn phần hay một phần khỏi Trung Quốc.
Bởi nhiều lẽ, thứ nhất Trung Quốc là "đại công xưởng" sản xuất và gia công, cung cấp nguyên phụ liệu với khả năng sẵn sàng cao để đáp ứng số lượng lớn một cách nhanh chóng với giá cả hấp dẫn. Thứ hai, ngành công nghiệp phụ trợ của Trung Quốc đang là số 1 thế giới với hàng chục ngàn doanh nghiệp đã quen việc, cung ứng đa dạng các loại nguyên phụ liệu. Thứ ba, dù giá nhân công đã tăng mạnh ở Trung Quốc nhưng bù lại quốc gia này đang có lực lượng lớn nhân công lành nghề và kinh nghiệm, có thể đáp ứng nhanh các yêu cầu tại các nhà máy sản xuất. Thứ tư, thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ số 1 thế giới, cũng là một trong những thị trường lớn để các nhà đầu tư (đơn cử như Apple chẳng hạn) bán sản phẩm.
Những cuộc di dời nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam hay Ấn Độ cũng đã diễn ra nhiều hơn nhưng thực sự vẫn chưa đến mức cao trào để trở thành cú sốc đối với "đại công xưởng" thế giới.
Ngay cả thị trường sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ cũng đang lao đao vì thiếu nguyên liệu sản xuất vốn dĩ có nguồn cung chủ yếu từ Trung Quốc.
Thiết lập chuỗi cung ứng kép cũng là một trong những phương án được lựa chọn thay thế. Trong khi tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế cho hàng hóa ở Hoa Kỳ, nhiều nhà máy sẽ giữ các nhà máy hoạt động ở Trung Quốc cho thị trường nội địa Trung Quốc. Thiết lập chuỗi cung ứng kép: một cho Trung Quốc và một cho các thị trường khác, nhằm giảm rủi ro, tăng sự linh hoạt, tăng chi phí và lợi nhuận của họ.
"Khả năng thị trường thế giới phân chia thành Trung Quốc và ngoài Trung Quốc đang tăng lên", Yuji Miura, một nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Nhật Bản nói.
Theo chiến lược "Trung Quốc cộng 1", các công ty sẽ chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á và một số quốc gia khác, đồng thời vẫn tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường Trung Quốc và các thị trường bên ngoài Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
[CHUYỂN DỊCH ĐẦU TƯ] (Kỳ 2) Hàng loạt cuộc tháo chạy khỏi Trung Quốc chưa hẹn ngày trở lại
02:03, 19/02/2020
[CHUYỂN DỊCH ĐẦU TƯ] (Kỳ 1) "Đại công xưởng" đang lỏng lẻo tới từng con ốc vít
11:23, 18/02/2020
Việt Nam có là “vịnh tránh bão”?
Gần đây, Panasonic đã thiết lập một hệ thống cho phép các giám đốc kinh doanh tại chi nhánh Trung Quốc có thể tự do trao đổi thông tin với nhân sự Việt Nam và Ấn Độ hơn. Mục đích của hệ thống này là giúp Panasonic cung ứng sản phẩm cho khách hàng trơn tru hơn nếu công ty phải rời khỏi Trung Quốc.
Một tổ hợp sản xuất lớn của Samsung ở phía Đông Nam Trung Quốc đóng cửa sau 30 năm hoạt động để chuyển đến Việt Nam và Ấn Độ.
Do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã bị đình trệ, và Apple là một trong những công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện một nhà máy đối tác của Apple vẫn đóng cửa, một số nhà máy khác dù đang hoạt động nhưng cũng chỉ đạt công suất 10%. Chính vì vậy, Apple đang phải tính đến những giải pháp gấp rút giải quyết sự thiếu hụt nguồn cung.
Như đã biết, khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên nghiêm trọng giữa cuối năm 2019, các nhà sản xuất đối tác của Apple đã nhanh chóng tìm kiếm những địa điểm mới để chuyển dây chuyền sản xuất một số sản phẩm nhằm không mất vị khách hàng quan trọng từ Mỹ, đặc biệt là các quốc gia phía nam Trung Quốc. Ấn Độ và Việt Nam là những quốc gia nằm trong các ưu tiên lựa chọn hàng đầu.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nguồn vốn đầu tư và các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mới như: EVFFA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU), CPTPP (Hiệp định cải cách kinh tế toàn diện xuyên Thái Bình Dương) và RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện) đã mang lại sự ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giảm thiểu việc thiếu hụt nguồn nhân lực và chi phí tăng để chuyển đổi sang môi trường kinh doanh minh bạch hơn bằng việc áp dụng công nghệ trong sản xuất và tăng đội ngũ lao động được huấn luyện.
Theo Savills Việt Nam, danh sách các doanh nghiệp nước ngoài di dời nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, gồm: Hanwa (Hàn Quốc) về sản xuất phụ tùng máy bay đã di dời sang Hà Nội; Yokowo (Nhật Bản) về sản xuất thiết bị trên xe có động cơ đã di dời sang Hà Nam; Huafu (Trung Quốc) về dệt may đã di dời sang Long An.
Những công ty đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, gồm: Goertek (HongKong) về sản suất tai nghe và linh kiện điện thoại sẽ di dời sang Bắc Ninh; TLC (Trung Quốc) về điện tử, tivi sẽ di dời sang Bình Dương.
Hiện Việt Nam được xem là có nhiều lợi thế cho công cuộc thu hút đầu tư này như lực lượng dân số trẻ của Việt Nam chiếm 62%; theo Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB Việt Nam với sự tăng trưởng kinh tế thuộc hàng nhanh nhất Đông Nam Á, dự kiến năm 2019 tăng trưởng GDP ở mức 6,8%, cao hơn Philippines dự kiến 6,2%, Indonesia 5,8% và Malaysia là 4,5%, Thái Lan 3,5%, Singapore 2,4%...
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho biết tỷ số hoạt động kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 69 trong 190 nền kinh tế dễ hoạt động kinh doanh, cũng như chi phí lương lao động ngành sản xuất tại Việt Nam năm 2018 đang rất rẻ, chỉ 237 USD/tháng, cao hơn Indonesia là 190 USD/tháng, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc là 866 USD/tháng, Malaysia là 924 USD/tháng và Thái Lan là 412 USD/tháng.
Rõ ràng, cơ hội đang chia đều cho tất cả. Và khi làn sóng các doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc nhằm tránh những tác động từ cuộc chiến thương mại, dịch COVID-19 thì các quốc gia như nói trên cũng có một cuộc cạnh tranh ngầm với mong muốn trở thành "công xưởng của thế giới" thay cho Trung Quốc…
[CHUYỂN DỊCH ĐẦU TƯ] (Kỳ IV) Cuộc chiến định hình lại bản đồ chuỗi cung ứng