Tạm dừng xuất khẩu gạo và lỗ hổng số liệu
Gạo đầy kho, giá cao sao không cho xuất khẩu? Đó là thắc mắc của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đặt ra đối với Bộ Công Thương.
Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng, chủ trương đảm bảo an ninh lương thực cho toàn dân là một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, việc xuất khẩu gạo hiện nay cần phải “cân đo lại” nhu cầu cả nước, còn lại chúng ta nên nhân cơ hội lúa gạo thế giới có giá để tăng “sức khỏe” kinh tế cho nông dân.
Mâu thuẫn lớn về số liệu
Chiều 25/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo. Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Công Thương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua.
Lý giải vì sao trước đó Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 nhưng chỉ sau 1 ngày kiến nghị đó được thực thi thì cũng chính Bộ Công Thương lại phát công văn hỏa tốc đề nghị Chính phủ tạm hoãn lệnh dừng xuất khẩu gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: “Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 928.798 tấn, tăng 31,7%. Trong điều kiện xâm nhập mặn vẫn đang diễn ra hết sức gay gắt, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn ha trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nếu xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như 2 tháng vừa qua, Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, ngay sau đó chúng tôi nhận được ý kiến một số doanh nghiệp thấy có “độ vênh” với số liệu Bộ Công Thương, do vậy, ngay lập tức Bộ đã báo cáo lại Thủ tướng cho cho phép hoãn lệnh dừng xuất khấu để có thời gian đánh giá lại sản lượng…”.
Tuy nhiên, ngay cả “người trong nhà” như giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Hữu Dũng cũng cho rằng: “việc đề nghị dừng xuất khẩu gạo tôi cảm thấy quá đột ngột. Nghe thông tin này, UBND tỉnh có điện cho Bộ Công Thương nhưng không ai nghe máy”. Ông Dũng phân trần: Tại các cuộc họp chuẩn bị đối phó Covid-19, doanh nghiệp nghe thông tin ngừng xuất khẩu gạo có hỏi nhưng tôi chưa biết trả lời thế nào? Thôi thì cứ bình tĩnh xem coi Chính phủ chỉ đạo sao.
Để lý giải số liệu không thống nhất, ông Khánh phân trần: “Trước đây lượng gạo sản xuất, gạo ký hợp đồng hay tồn kho Bộ Công Thương nắm rất chắc. Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 107/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp không phải đăng ký hợp đồng, thông báo số liệu tồn kho nữa nên xuất hiện “độ vênh” số liệu nêu trên”, Thứ trưởng Khánh thanh minh.
Doanh nghiệp “sốc”
Ông Phạm Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh cho rằng: “ Khi đọc được công văn dừng xuất khẩu gạo của Tổng cục Hải quan tôi rất bất ngờ, đành rằng an ninh lượng thực cho toàn dân trong khi xảy ra đại dịch là yếu tố hàng đầu, tuy nhiên tôi thiết nghĩ vấn đề kinh tế khá lớn như việc xuất khẩu gạo hay dừng lại cần có một lộ trình. Hàng hóa đã tập hợp, hàng hóa chuẩn bị thông quan và tiền vay ngân hàng đổ vào thu mua gạo xuất khẩu, nếu không xuất khẩu được doanh nghiệp “chết” vì nợ nần chứ không phải vì COVID-19.
“Việc dừng xuất khẩu đột ngột khiến doanh nghiệp trở tay không kịp, do đó chúng tôi kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương quản lý xuất khẩu theo hình thức cấp quota, với cách này Chính phủ vừa điều phối được sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực, vừa giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Quang đề xuất.
Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam Nguyễn Đình Bích, đưa ra cảnh báo: “Hiện nay giá gạo của Việt Nam nương theo đà lên của gạo Thái Lan đang chào bán cao hơn nhiều so với Ấn Độ, Pakistan. Cho nên, nếu Việt Nam có tham vọng dừng lại để tiếp tục đẩy giá lên cao hơn thì chẳng những không bán được cho thị trường Châu Phi mà còn có nguy cơ mất luôn thị trường Châu Á”.
Có thể bạn quan tâm
Ngành Công Thương với xuất khẩu gạo: Đừng để chính sách "giật cục"
08:29, 26/03/2020
Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới ít nhất đến ngày 28/3
15:45, 25/03/2020
[Điểm tin ngày 25/3] Chính phủ yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo
10:00, 25/03/2020
Doanh nghiệp "đứng ngồi không yên" sau "lệnh" tạm dừng xuất khẩu gạo
05:49, 25/03/2020
Doanh nghiệp “ngỡ ngàng” với lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo
19:39, 24/03/2020
“ĐBSCL chúng ta có 1,5 triệu ha đất trồng lúa, cứ 3 tháng rưỡi chúng ta có một vụ thu hoạch lúa, luân chuyển như vậy. Riêng vụ Đông Xuân này ta thu hoạch khoảng 9 triệu tấn lúa, chế biến khoảng hơn 5 triệu tấn gạo, chúng ta mới xuất khẩu gần 1 triệu tấn gạo trong hơn 2 tháng đầu năm. Như vậy ta còn hơn 4 triệu tấn gạo, trong khi đó vụ lúa hè thu còn khoảng 60 ngày nữa thu hoạch. Vì vậy, cần cân đối cung cầu trong nước để người dân bán được lúa giá cao”, Giáo sư Xuân chia sẻ.
Doanh nghiệp muốn... chủ động đón “sóng” tăng giá
Theo quy luật, doanh nghiệp cần bán lúa để đảo kho, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Nông dân cũng mong muốn bán lúa với giá cao để bù đắp lại chi phí giá thành ngày càng tăng như hiện nay.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thai Binh Seed nhận định, sản lượng lúa gạo của Việt Nam năm nay chắc chắn sẽ đảm bảo cân đối được cả an ninh lương thực lẫn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ông Báo kiến nghị: đồng thời cho rằng, các cơ quan tham mưu cần đánh giá chính xác tình hình trước khi tham mưu cho Chính phủ, tránh tình trạng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", hôm trước đề nghị ngừng, hôm sau lại đề xuất cho tiếp tục.
Đồng quan điểm, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho rằng, với cách làm đường đột dừng thông quan ngay từ 24/3 thì doanh nghiệp không kịp trở tay. “Nếu có việc dừng xuất khẩu thật sự, cũng cần có lộ trình, có kế hoạch và nên thống nhất, bàn bạc giữa các bộ, ngành cũng như lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp”, bà Liên nói.
Được biết, những quan ngại về dịch bệnh COVID-19, hạn mặn ĐBSCL và tình trạng tăng mua đột ngột của các nước là lý do đề xuất tạm dừng xuất khẩu gạo được đưa ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, nhu cầu tăng là do các nước giảm nhập khẩu năm 2019.
“Các doanh nghiệp ngành gạo vừa nhận thêm nhiều đơn hàng từ Philippines, Malaysia… Đặc biệt, Malaysia vừa đạt thỏa thuận mua 90.000 tấn gạo của Việt Nam và dự kiến sẽ nhập khẩu thêm trong thời gian tới. Philippines vẫn đang mua nhiều kể từ tháng 12/2019 đến nay, đây là lý do giá gạo xuất khẩu đang tăng”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An lý giải.
“Phải tỉnh táo nhìn nhận, cuối 2019, một số doanh nghiệp lương thực ký hợp đồng xuất khẩu cho năm 2020 nhưng với giá rất thấp. Đến nay, khi giá lúa tăng thì không kham nổi nên mong muốn được tạm dừng xuất khẩu gạo”, ông Bình nhấn mạnh.
Cảnh báo từ chuyên gia
Theo báo cáo về tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lúa gạo của Bộ NN&PTNT, Việt Nam dự báo lượng sản xuất năm 2020 là 43,5 triệu tấn thóc, nhu cầu sử dụng và dự trữ cho 90 triệu dân là 29,9 triệu tấn thóc, dự kiến xuất khẩu gạo mức 6,5-6,7 triệu tấn gạo, tương đương 13-13,4 triệu tấn thóc.
Bài học tổn thất của năm 2008 khi Việt Nam dừng xuất khẩu đột ngột là điều mà nhiều doanh nghiệp và chuyên gia vẫn nhắc nhở. PGS.TS Dương Văn Chín, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành cũng cho rằng, Việt Nam không lo ngại chuyện thiếu lương thực, vì ĐBSCL trồng 3 vụ lúa/năm, từ sạ đến chín rất nhanh. Hiện, lúa hè thu cũng chỉ chưa đầy 3 tháng nữa đã có thu hoạch. Nếu giá lúa tăng khá, Việt Nam nên tiếp tục xuất khẩu gạo. Điều này nhằm khích lệ nông dân trồng lúa, tăng thêm thu nhập.
Thy Hằng