Cơ chế xuất khẩu gạo đang thụt lùi! (Kỳ 1): An ninh lương thực có bị “đe dọa”?
Xuất khẩu theo cơ chế “xin cho” theo hình thức cấp quota với nhiều tiêu cực đã được xem là lỗi thời, thế nhưng vì sao xuất khẩu gạo lại quay về với hình thức này?
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT: sản lượng lúa (thóc) cả năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn, chỉ giảm chút ít so với năm 2019. Trong khi nhu cầu tiêu thụ của người dân, phục vụ chế biến, chăn nuôi, dùng làm lúa giống, dự trữ trong nước tất tần tật cũng chỉ khoảng 30 triệu tấn lúa. Lượng lúa còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo. Có thể nói sản xuất lương thực năm 2020 đã “miễn nhiễm” với COVID-19 và hạn mặn; chỉ riêng vùng Nam Bộ sản lượng lúa Đông xuân đã thu hoạch xong trên 11 triệu tấn (6,5 triệu tấn gạo).
Kết quả rà soát mới đây của Bộ Công Thương cũng cho biết: lượng gạo xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm khoảng 1,7 triệu tấn. Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) hiện có 92 hội viên chiếm khoảng 75% xuất khẩu của cả nước. Theo báo cáo của VFA, đến ngày 27/3/2020, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,6 triệu tấn gạo. Trong đó, phải giao từ nay đến 31/5 là gần 1,4 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của doanh nghiệp hội viên (60/92 hội viên) là 1,65 triệu tấn.Tổng cục Dự trữ nhà nước dự kiến mua vào 300.000 tấn gạo và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo cho tháng 4,5.
Như vậy, tổng lượng gạo đã xuất khẩu và dự trữ và tồn kho của doanh nghiệp chỉ mới đạt khoảng 4 triệu tấn, trong khi sản lượng Đông xuân của cả vùng Nam Bộ đã trên 6,5 triệu tấn gạo. Hiện nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ cũng đang bắt đầu vào vụ thu hoạch vụ Đông xuân và khoảng hơn 40 ngày nữa vùng Nam Bộ sẽ bước vào thu hoạch vụ lúa xuân hè, hè thu với sản lượng lúa ước đạt trên 9 triệu tấn lúa, (4,5 triệu tấn gạo).
Dự báo sản lượng lúa cả năm của vùng Nam Bộ sẽ trên 26 triệu tấn. Như vậy, nếu nói về an ninh lương thực thì chỉ riêng vùng Nam Bộ là đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lương thực cho cả nước.
PGS. TS Dương Văn Chín cho rằng Thái Lan dù mỗi năm chỉ làm 1 vụ lúa mùa, năng suất chỉ 2-3 tấn lúa/ha, trong khi Việt Nam trung bình 3 vụ/năm với năng suất 6,5 tấn lúa/ha. Năm nay vụ đông xuân (vụ chính trong năm) ở ĐBSCL, miền Trung đều trúng mùa, Việt Nam nên tranh thủ xuất khẩu để được giá cao. Bởi lẽ, khi COVID-19 dịu đi, Ấn Độ (nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới) kết thúc cách ly xã hội hoạt động trở lại bình thường, gạo Ấn Độ sẽ tung ra thị trường thì giá gạo có khả năng giảm mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Những điểm bất hợp lý trong việc mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm
04:04, 17/04/2020
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài Chính, Công thương báo cáo vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm
08:00, 16/04/2020
Hải quan mở tờ khai “thần tốc”, doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưng hửng
04:08, 15/04/2020
Cơ quan Hải quan khẳng định không có sự can thiệp vào hạn ngạch xuất khẩu gạo
21:00, 13/04/2020
Là một chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp tại ĐBSCL, GS. TS Võ Tòng Xuân-Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ cũng cho rằng với diện tích và trình độ canh tác như hiện nay thì Việt Nam không lo thiếu lương thực. Điều quan trọng là Nhà nước và hệ thống truyền thông của ta tuyên truyền, giải thích cho tốt không để kẻ xấu lợi dụng, gây hoang mang trong nhân dân, đầu cơ nâng giá lương thực, thực phẩm trục lợi.
Kỳ 2: Cơ chế dự trữ lúa gạo lạc hậu
LTS: Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định phân công Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc làm Tổ phó Tổ công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Từ ngày 10/4/2020, DĐDN mở chuyên mục DIỄN ĐÀN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH để tiếp nhận những phản ánh của các Hiệp hội, doanh nghiệp và người dân về các bất cập trong các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về đường dây nóng: 0964 69 06 69 và email: caicachtthc@dddn.com.vn |