“Thủ tục nhiêu khê” là cụm từ được nói nhiều nhất. Thế nhưng vì sao 400.000 tấn gạo được hải quan “thần tốc” chỉ trong 3 giờ thì lại bị doanh nghiệp phản ứng?
Cứ 4 phút xử lý xong một bộ hồ sơ!
Sau hơn 18 ngày dừng xuất khẩu để nắm lại sản lượng nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ngày 10/4/2020, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký công văn hỏa tốc số 2827/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc cho xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn với hạng ngạch trong tháng 4 là 400.000 tấn. Ngay sau đó Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1106/QÐ-BCT “chốt” thời gian cho phép thông quan xuất khẩu gạo kể từ 0 giờ ngày 11/4.
Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Lê Bình, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ cho biết tuy địa phương chỉ có hơn 1 triệu tấn lúa/năm nhưng trên địa bàn có đến 41 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo nên kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm đứng đầu khu vực. Theo thống kê sơ bộ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại địa phương dự trữ phục vụ kinh doanh ước đạt 85.952 tấn lúa và 359.411 tấn gạo, hợp đồng ký kết phải giao ước khoảng 216.776 tấn, trong đó số lượng đang kẹt ở các cảng gần 26.000 tấn do lệnh tạm dừng xuất khẩu qua đột ngột. Khi nghe tin Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại không chỉ doanh nghiệp, nông dân vui mà lãnh đạo địa phương cũng “thở phào” nhẹ nhỏm.
“Trưa thứ bảy (ngày 11/4) chúng tôi mới nhận được Công văn của Bộ Công thương và Cục xuất nhập khẩu. Do là ngày nghỉ nên chúng tôi chỉ chia sẻ với doanh nghiệp xuất khẩu qua zalo các công văn này, dự kiến Thứ hai ngày 13/4 là ngày làm việc, chúng tôi sẽ gửi công văn chính thức đến các doanh nghiệp để triển khai. Tuy nhiên, công văn chưa kịp gởi thì đã nghe các doanh nghiệp phản hồi là cổng thông tiếp nhận hồ sơ thông quan trực tuyến của Tổng cục Hải quan đã “khóa cổng” và cho biết đã hết hạn ngạch xuất trong tháng 4 từ khuya ngày 12/4, như vậy địa phương chưa kịp triển khai gì cả thì Tổng cục hải quan đã làm xong xuôi cả rồi”, ông Bình chia sẻ.
Như phản ánh của DĐDN chỉ sau vài giờ từ 0-3 giờ sáng ngày 12/4, cổng kê khai hải quan trực tuyến của Tổng cục Hải quan đã xử lý xong hồ sơ khai báo hải quan của 42 doanh nghiệp xuất khẩu với số lượng gạo đăng ký đạt 399.999,73 tấn, hạn ngạch còn lại là 0,27 tấn. Như vậy, trong vòng 180 phút hải quan xử lý xong 42 hồ sơ, trung bình chỉ mất 4 phút để xử lý xong một hồ sơ đăng ký mở tờ khai hai quan, quả thật là tốc độ quá “thần tốc”!
Làm sao để “thấu lý, đạt tình”?
Trong những ngày qua DĐDN liên tục nhận được ý kiến phản ánh khó khăn từ phía doanh nghiệp. Theo kiến nghị của các doanh nghiệp: “Nguyên nhân 200.000 tấn gạo kẹt ở cảng là do lỗi ở cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành lệnh dừng xuất khẩu một cách đột ngột, không có lộ trình nên doanh nghiệp trở tay không kịp lỡ đưa hàng ra cảng. Do đó, khi có lệnh cho xuất khẩu lại thì cách giải quyết “thấu lý, đạt tình” là Hải quan phải ưu tiên thông quan cho các lô hàng này để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn khi phải nằm chờ gần 20 ngày ở cảng.
“Nếu Hải quan cho mở tờ khai thì việc đầu tiên phải cho các lô gạo của các doanh nghiệp đã và đang khai dở dang xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới. Việc rất đơn giản vậy mà Hải quan không thực hiện, mà chỉ trong 3 giờ đồng hồ lúc đêm khuya đã cho khai hết 400.000 tấn! Việc làm của Hải quan như vậy có đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hay không?”, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An bức xúc nói.
Về kiến nghị giải pháp khắc phục những bất cập trong kê khai hải quan, ông Bình đề nghị Tổng cục Hải quan cho hủy kết quả đăng ký trong đêm 11/4 và cho đăng ký lại sau khi ưu tiên và trừ đi số lượng hơn 200.000 tấn gạo đang kẹt ở các cảng. Việc đăng ký lại được thực hiện không hạn chế số lượng nhưng nếu sau 15 ngày không xuất khẩu được thì phải lùi ra sau xếp hàng lại từ đầu.
Ngày 14/4, Sở Công thương TP.Cần Thơ cũng đã có báo cáo số 914/BC-SCT gởi UBND TP.Cần Thơ kiến nghị: Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Sở Công Thương đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết hàng hóa đang nằm trên các cảng của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cụ thể như sau:
“Ưu tiên một, thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu đang kẹt ngoài cảng cho 10 doanh nghiệp với số lượng 25.965 tấn (từ ngày 23/3 đến ngày 30/3).
Ưu tiên hai, thực hiện mở tờ khai và thông quan đối với lượng gạo xuất khẩu phải giao tháng 4 năm 2020 cho 14 doanh nghiệp với số lượng 50.000 tấn (từ ngày 01/4 đến 10/4).
Từ ngày 10/4 trở về sau, thực hiện thông quan theo quy định của Chính phủ”.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích, việc hạn ngạch xuất khẩu thấp hơn nhu cầu của doanh nghiệp nên cần có cách phân bổ hợp lý tránh tiêu cực.
“Mặc dù Tổng cục Hải quan đã cho rằng, việc thông quan điện tử là hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp của công chức hải quan. Tuy nhiên, cho dù có ứng dụng công nghệ thông minh đến đâu đi nữa thì yếu tố con người vẫn quyết định” - nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo nêu quan điểm.