Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSC là giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực và nâng tầm thương hiệu gạo Việt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm; đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSCL, ngày 13/7/2025.
Triển khai thực tế tại địa phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam cho biết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tích cực hưởng ứng với tổng diện tích đăng ký tham gia hơn 1,015 triệu ha.
Thứ trưởng Trần Thành Nam cho biết, từ năm 2024 đã triển khai 7 mô hình thí điểm (mỗi mô hình 50ha), tại 2 vụ hè - thu và thu - đông. Năm 2025 tiếp tục triển khai mở rộng thêm 5 mô hình mới. Ngoài ra, các địa phương chủ động triển khai 101 mô hình thí điểm với tổng diện tích hơn 4.500ha.
Kết quả bước đầu từ các mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải cho thấy hiệu quả rõ rệt. Theo thống kê cuối tháng 6.2025, chi phí sản xuất giảm từ 8,2% đến 24,2%; lượng giống và phân bón hóa học đều giảm đáng kể; năng suất trung bình đạt 7,1 tấn/ha – cao hơn 4% so với ngoài mô hình; lợi nhuận tăng từ 4,6 đến 4,8 triệu đồng/ha; đặc biệt, mức giảm phát thải khí nhà kính dao động từ 2 đến 12 tấn CO₂/ha.
Hiện nay, đề án đã thu hút sự tham gia của 620 hợp tác xã và khoảng 200 doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra. Trong số 232.000 ha đã triển khai, 68% diện tích đã có liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ.
Một tín hiệu đáng mừng được Thứ trưởng Trần Thành Nam thông tin là đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu thành công 500 tấn gạo mang nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” sang Nhật Bản. Đây được xem là dấu mốc quan trọng mở ra triển vọng mới cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện quy hoạch liên quan trong quý III/2025; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo Việt, phát triển thêm các dòng sản phẩm mới, song song với việc giữ vững uy tín của những thương hiệu nổi tiếng như ST25.
Đồng thời, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước triển khai chính sách tín dụng ưu đãi; Bộ Tài chính xử lý nguồn vốn quốc tế; Bộ Công Thương đẩy nhanh đàm phán các hiệp định lúa gạo; Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phát triển mẫu mã, bao bì mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần thúc đẩy liên kết bền vững giữa 4 nhà: Nhà nước - doanh nghiệp - nhà khoa học - nông dân, đồng thời đề nghị các địa phương chủ động triển khai nhiệm vụ, phối hợp hiệu quả với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để đảm bảo tiến độ và chất lượng thực hiện đề án.