“Sách trắng” và báo động “đỏ”

Phan Nam 29/04/2020 11:15

Khu vực doanh nghiệp hiện đóng góp trên 60% vào GDP, nhưng sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của khu vực này.

Theo sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Về mật độ, bình quân có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân…

Hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) và hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) năm 2018

Hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) và hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) năm 2018

Thiếu bền vững

30/63 địa phương có tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 so với năm 2018 cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (5,2%), trong đó một số địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp của cả nước có số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng so với năm 2018: Bắc Ninh tăng 17,8%; Bình Dương tăng 11,6%; Hà Nội tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 7,6%; Đà Nẵng tăng 6,0%.

Tuy nhiên, số liệu trong sách trắng doanh nghiệp cũng chỉ ra những dấu hiệu phát triển thiếu bền vững của cộng đồng doanh nghiệp. Tính đến 31/12/2018, cả nước có 610.637 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD), tăng 9,0% so với thời điểm 31/12/2017. Trong đó, 269.169 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, chiếm 44,1%; 45.737 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 7,5%; 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 48,4%.

Có thể bạn quan tâm

  • Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020: Hiệu quả của doanh nghiệp đang hoạt động ra sao?

    Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020: Hiệu quả của doanh nghiệp đang hoạt động ra sao?

    14:00, 28/04/2020

  • Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020: Chỉ số nợ của DNNN lớn gấp 3,4 lần vốn tự có

    Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020: Chỉ số nợ của DNNN lớn gấp 3,4 lần vốn tự có

    12:02, 28/04/2020

  • Sách trắng hợp tác xã Việt Nam 2020 cho thấy những gì?

    Sách trắng hợp tác xã Việt Nam 2020 cho thấy những gì?

    11:30, 28/04/2020

  • Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020: Gần 50% doanh nghiệp thua lỗ

    Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2020: Gần 50% doanh nghiệp thua lỗ

    11:00, 28/04/2020

Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có kết quả kinh doanh hiệu quả, tiếp đến là doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả nhất. Cụ thể, 2.260 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có kết quả SXKD tại thời điểm 31/12/2018 giảm 9,1% so với thời điểm 31/12/2017, chiếm 0,4%; 51 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn, chiếm 2,2%; 436 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, chiếm 19,3%. Mặt khác, năm 2018, khu vực doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ cao nhất là 3,4 lần, trong khi khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,9 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,7 lần.

 Tổng số nợ bình quân của doanh nghiệp năm 2018 gấp 2,1 lần vốn tự có bình quân của doanh nghiệp. Trong đó, khu vực dịch vụ có chỉ số nợ cao nhất với 2,6 lần; khu vực công nghiệp và xây dựng với 1,5 lần.

Theo Tổng cục Thống kê, hiệu suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của toàn bộ doanh nghiệp năm 2018 đạt 7,6%. Còn hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp năm 2018 đạt 3,8%. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có ROE đạt 8,9% (trong đó, khu vực 100% vốn nhà nước đạt 7,3%); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 4,5% và khu vực doanh nghiệp FDI đạt 15,4%. Về hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) năm 2018, khu vực doanh nghiệp nhà nước có ROS đạt 5,6%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 2,4% và khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,6%.

Thách thức kép

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - đơn vị được giao chủ trì xây dựng Sách trắng cho biết: Sách trắng, cung cấp thông tin toàn cảnh về thực trạng doanh nghiệp, là căn cứ để so sánh hiệu quả kinh tế, là sự khẳng định của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn bằng những hành động cụ thể nhất, phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Việc hệ thống hóa và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp cũng sẽ phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách, điều hành kinh tế vĩ mô, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu thông tin của chính doanh nghiệp khi tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Thực tế cho thấy, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng kinh tế của cả nước năm 2019 là sự phát triển tích cực, năng động của khu vực doanh nghiệp, hiện đóng góp trên 60% vào GDP. Nhưng với ảnh hưởng của dịch COVID- 19 cũng như các số liệu cho thấy năng lực nội tại của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu thì việc vượt qua thách thức kép để hoàn thành sứ mệnh tiên phong của mình trên “mặt trận” kinh tế sẽ cần đến sự chủ động, quyết liệt và thực thi có hiệu quả, kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

Phan Nam