Đầu tư năng lượng tái tạo: Vì sao còn "mắc kẹt"?
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo. Lợi thế thì ai cũng thấy nhưng không phải muốn đầu tư là được?
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo được huy động trong quý I/2020 là 2,76 tỉ kWh, góp phần giúp đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định trong cả nước.
Cùng với các nguồn điện khác được huy động như nhiệt điện than, nhiệt điện dầu… việc huy động được 2,76 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo góp phần giúp EVN đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân tại các địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp cũng đã gặp không ít khó khăn. Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Ecotech Việt Nam.
- Ông nhận định thế nào về tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt nam?
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về năng lượng tái tạo, bao gồm cả điện gió và điện mặt trời. Lợi thế thì ai cũng thấy rõ, tuy nhiên, điểm yếu lại là cơ sở hạ tầng. Thứ hai là lưới điện đầu tư không theo kịp. Thực tế, dù đã có những dự báo về nhu cầu điện tăng nhưng việc dự kiến những nguồn đường dây truyền tải điện năng đối với nguồn năng lượng tái tạo thì chưa được tính hết. Thứ ba, các nhà đầu tư xin đầu tư dự án quá nhanh, quá gấp dẫn đến cơ bản xáo trộn quy hoạch khá nhiều.
- Vậy, khó khăn nào cho các nhà đầu tư Việt Nam đối với ngành này, thưa ông?
Thứ nhất là quy hoạch chung chưa có. Vì thế, doanh nghiệp tự mày mò đi tìm, khảo sát những vùng có tiềm năng để thực hiện. Với các quốc gia khác, thì những vùng có tiềm năng đã được nhà nước điều tra đánh giá từ trước, các nhà đầu tư chỉ cần tính toán phần đầu tư. Do hạn chế này khiến doanh nghiệp gặp rủi ro về đánh giá có thể không chính xác.
Nút thắt của năng lượng tái tạo chính là đường dây truyền tải, hạ tầng. Ví như, với điện mặt trời thì vùng Ninh Thuận, Bình Thuận là tiềm năng, nên ai cũng muốn làm. Nhưng vùng này chỉ truyền tải được 2000, 3000, 5000MW thì nhà đầu tư chỉ đầu tư đến mức như vậy để tránh lãng phí vì không có đường dây truyền tải.
- Điểm mấu chốt trong đánh giá tiềm năng của từng vùng trên lãnh thổ Việt Nam là gì, thưa ông?
Việc đánh giá tiềm năng do Bộ Công thương, các đơn vị tư vấn như viện năng lượng hoặc chuyên gia nước ngoài hỗ trợ. Nếu nhà đầu tư trực tiếp làm thì vẫn phải căn cứ vào đánh giá từ nền tảng cũ của từng vùng.
Về cơ bản, năng lượng tái tạo không thể ngay lập tức có thể thay thế được các nguồn điện khác. Nó chỉ chiếm tỷ lệ nào đó trong tỷ trọng sử dụng điện của Việt Nam. Bởi khi sử dụng quá nhiều về năng lượng tái tạo thì sự ổn định của lưới điện không đáp ứng được. Vì thế, phải đưa ra một tỷ lệ nhất định ví như 5%, 10%,… chứ không phải là cứ thấy tiềm năng là đầu tư được.
- Thưa ông, chính sách và biến động giá có tác động đến việc khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo bền vững không?
Hiện tại, mức giá mua điện mặt trời thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân của EVN không thể coi là khuyến khích năng lượng sạch. Nội dung này đã được Bộ Tài chính góp ý nhưng tiếc là không được tiếp thu. Bởi với giá 7,09 cent, nếu dự án vay trong nước gần như không làm được bởi lãi suất quá cao. Giá mới thấp hơn mức giá cũ 2,26 cent, khiến doanh thu của doanh nghiệp giảm đi gần 32%, kéo theo lợi nhuận giảm đáng kể. Rất khó để làm với mức giá này.
Mặt khác, về thủ tục đầu tư, chi phí đất đai, giải phóng mặt bằng ngày chi phí nhân công, vận hành kỹ thuật ngày càng tăng. Nếu giá điện thấp thì không khuyến khích gì cho năng lượng tái tạo.
- Để phát triển điện gió, theo ông cần chiến lược gì để phát triển bền vững?
Điện gió chia làm 3 loại là: on-shore (trên bờ); here-shore (ven bờ) và off-shore (xa bờ). Tại Việt Nam, cơ bản có 2 loại: on-shore và offshore. Gọi là xa nhưng chỉ được phép làm trong vòng 3 hải lý, nên khá gần.
Chiến lược phát triển bền vững của nguồn năng lượng này thì nó là câu chuyện rất dài và rất xa. Vì đầu tư ra ngoài khơi thì sức đầu tư cao hơn rất nhiều, thậm chí gấp rưỡi với điện gió ven bờ. Tuy nhiên, khi mức đầu tư cao thì giá mua điện cũng phải cao thì chủ đầu tư mới có khả năng hoàn vốn. Dù vậy, lưới điện Chính phủ chưa sẵn sàng để mua với giá cao hơn.
Hiện nay, điện gió trên bờ hay ven bờ dù giá thấp cũng chưa đáp ứng được việc truyền tải. Vì vậy, điện gió ven bờ sản xuất ra vẫn dư thừa. Do đó, nếu sản xuất điện gió xa bờ thì không thể bán được giá cao và chắc chắn chủ đầu tư không thể thu hồi được vốn.
Hơn nữa, nếu doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn nước ngoài do được ưu đãi về lãi suất sẽ nên thực hiện dự án nhanh. Kéo theo đó thời gian hoàn vốn nhanh, thậm chí có thể bán điện với giá thấp hơn. Trong khi đó, nếu nhà đầu tư vay trong nước thì lãi suất rất cao nên lợi nhuận thấp, khó cạnh tranh với nhà đầu tư huy động vốn từ nước ngoài.
Theo Nghị quyết 55 của Đảng về vấn đề năng lượng thì nêu khá rõ, khá cụ thể. Nhưng để sớm thực thi từ nghị quyết thành thực tiễn thì đòi hỏi rất nhiều sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp bộ ngành TW, các lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, đơn vị quản lý chuyên ngành, tất cả cùng vào cuộc mới thành hiện thực… nếu không nghị quyết cũng chỉ là nghị quyết?!
- Nguồn năng lượng tái tạo từ điện sinh khối và điện áp mái thì như thế nào, thưa ông?
Về điện sinh khối, bản chất hiện tại chỉ có một số dự án bao gồm tận dụng bã mía trong các nhà máy mía đường thì phát điện thì có hiệu quả. Còn nếu chỉ là dung sinh khối để phát điện một cách thuần tuý, không có thêm bất kỳ nguồn thu gì khác thì rất khó cạnh tranh.
Về điện áp mái, hiện có 2 loại. Thứ nhất là hộ gia đình, tự đầu tư quy mô nhỏ. Thứ 2 là quy mô công nghiệp nhưng nhỏ hơn 1MW. Chủ trương, chính sách của Đảng cũng như của EVN thì điện áp mái chủ yếu là để cho các hộ gia đình đầu tư, nhằm giảm lưới điện gây áp lực lên lưới điện.
Tôi nghĩ, rất nên khuyến khích để người dân có thể đầu tư điện áp mái vì về quy mô hộ gia đình thì nên ủng hộ để họ làm giá cao hơn, nhằm giảm áp lực lên việc đầu tư hạ tầng lưới điện.
Xin cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm
Cần có chính sách dài hơi phát triển năng lượng tái tạo
11:54, 30/04/2020
Việt Nam cần 10 tỷ USD cho năng lượng tái tạo
10:19, 27/02/2020
Cơ hội mới cho năng lượng tái tạo
11:00, 25/02/2020
“Làn sóng” đầu tư vào năng lượng tái tạo
11:00, 17/02/2020
Đầu tư vào thủy điện: Cơ hội thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo
20:56, 16/01/2020
Doanh nghiệp năng lượng tái tạo gặp khó bởi hành lang pháp lý
00:00, 25/12/2019
Nhà đầu tư năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận có thể thiệt hại 480 tỷ đồng
12:48, 31/10/2019
Năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm của Trung Quốc và bài học cho ASEAN
07:05, 18/09/2019