Nhà đầu tư năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận có thể thiệt hại 480 tỷ đồng

Thy Hằng 31/10/2019 12:48

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho biết, quá tải hạ tầng truyền tải điện trong các dự án năng lượng tái tạo khiến nhà đầu tư thiệt hại khoảng 480 tỷ đồng.

Thảo luận tại Nghị trường về các vấn đề kinh tế - xã hội năm 2019 và Kế hoạch năm 2020, Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) bày tỏ lo lắng trước vấn đề quá tải hạ tầng truyền tải điện trong các dự án năng lượng tái tạo, từ đó khiến những dự án đã hoàn thành nhưng chưa thể phát lên lưới.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận)

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt cho biết đến cuối năm 2019 nhà đầu tư năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận thiệt hại khoảng 480 tỷ đồng.

“Riêng Ninh Thuận có 18 dự án năng lượng tái tạo, 10 dự án giảm phát 60%, đến cuối năm nhà đầu tư thiệt hại khoảng 480 tỷ đồng”, ông Việt cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên thực tế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời đã tạo động lực cho các nhà đầu tư đẩy nhanh thi công, đưa dự án chạy đua với thời gian, sớm hòa lưới để được hưởng giá điện 9,35 cent/kWh theo quy định trước ngày 30/6/2019.

Tuy nhiên do phát triền ồ ạt, không chú trọng việc đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải nên nhiều dự án khi đi vào vận hành buộc phải giảm công suất để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc đua năng lượng tại Đông Nam Á

    07:00, 31/10/2019

  • Năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm của Trung Quốc và bài học cho ASEAN

    07:05, 18/09/2019

  • Phát triển quá nhanh về năng lượng tái tạo dẫn đến nhiều thách thức

    22:09, 17/09/2019

Hiện trạng lưới điện truyền tải ở Ninh Thuận chỉ giải tỏa được công suất cho khoảng 800 MWp. Trong khi đó, đã có khoảng 1.180 MWp điện gió, điện mặt trời đưa vào vận hành, làm quá tải lưới điện 110 kV.

Vì thế để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải, các dự án buộc giảm phát đến 60% công suất (tương ứng 215 MWp).

Theo tính toán sơ bộ đến ngày 30/6/2019, 10 dự án năng lượng có tổng vốn đầu tư hơn 10.500 tỷ đồng của tỉnh đang phải giảm phát khoảng 23,2 triệu kWh sản lượng điện, với số tiền thiệt hại khoảng 49,5 tỷ đồng.

Nếu không giải tỏa được công suất, đến cuối năm 2019, 10 dự án này sẽ tiếp tục giảm phát lên đến 224 triệu kWh, ước thiệt hại cho chủ đầu tư hơn 479 tỷ đồng.

Hầu hết các danh mục lưới điện truyền tải được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh đều dự kiến tiến độ triển khai sau năm 2020.

Do đó, việc giải phóng công suất 2.000 MWp đến hết năm 2020 trên địa bàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, không khai thác tối đa hóa lượng điện sản xuất của các nhà máy.

Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Bắc Việt mong muốn Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sớm có phương án tháo gỡ khó khăn về hạ tầng truyền tải điện, giá mua - bán điện mặt trời, xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng truyền tải điện.

Được biết, liên quan đến giải tỏa công suất điện, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có 12 văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhà đầu tư năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận có thể thiệt hại 480 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO