Giảm phí trước bạ ô tô: Vì sao Bộ Công Thương đồng ý, Bộ Tài chính phản đối?
Cho rằng sản xuất, lắp ráp ô tô là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Bộ Công Thương đồng ý giảm phí trước bạ ô tô, tuy nhiên Bộ Tài chính lại từ chối.
Trong bản góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính không đồng tình với đề xuất giảm 50% phí trước bạ và ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nội địa.
Bộ này cho rằng: "Ý kiến này vi phạm cam kết về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), do đó đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết". Bộ Tài chính chỉ chấp thuận giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay để cứu ngành hàng không vì ngành này chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Với ngành vận tải khác, Bộ Tài chính cho rằng Luật Bảo vệ môi trường không quy định việc miễn, giảm thuế Bảo vệ môi trường nên không đưa vào dự thảo Nghị quyết. Chưa kể, giá xăng dầu hiện đã giảm mạnh.
Theo quy định của WTO, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp thuộc các loại thuế nội địa. Các loại thuế này phải tuân thủ nguyên tắc đối xử quốc gia hay còn gọi là Tối huệ quốc (MFN) và chính sách về trợ cấp.
Trong đó, WTO đã quy định rất cụ thể về việc các nước thành viên "không đánh thuế nội địa đối với hàng nhập khẩu cao hơn mức áp dụng với hàng hóa tương tự sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, WTO cũng yêu cầu các thành viên, không phân biệt đối xử trong áp dụng thuế nội địa giữa hàng nhập khẩu và hàng nội địa nhằm mục đích bảo hộ những hàng hoá nội địa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp hoặc có khả năng thay thế lẫn nhau với hàng nhập khẩu.
Trước đó, trong dự thảo Nghị quyết do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Chính phủ, cơ quan này có đưa đề xuất giảm 50% phí trước bạ đối với người mua xe ô tô trong nước trong năm 2020 và chính sách ưu đãi về Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội. Các đề xuất này sẽ được báo cáo Chính phủ cho ý kiến và sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định.
Phản hồi ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn ý kiến của Bộ Công Thương cho biết: "Đây là nội dung kiến nghị của Bộ Công Thương nhằm khuyến khích sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Đề nghị Bộ Công Thương rà soát, đảm bảo kiến nghị này không vi phạm các cam kết của Việt Nam về không phân biệt đối xử giữa hàng sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới".
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư góp ý Dự thảo, Bộ Công Thương cho rằng sản xuất, lắp ráp ô tô là một trong những ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Trong dài hạn, ngành sản xuất ô tô nội địa cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh vô cùng gay gắt trước làn sóng ô tô nhập khẩu giá rẻ trong khu vực ASEAN tràn vào thị trường trong nước khi các hàng rào thuế quan và kỹ thuật đã được gỡ bỏ.
Do đó, nếu không quyết liệt có chính sách kịp thời và đủ mạnh để vực dậy, duy trì ngành sản xuất ô tô trong nước trong bối cảnh dịch bệnh cũng như trong dài hạn, ngành sản xuất ô tô (đặc biệt là ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi) sẽ có nguy cơ sụp đổ, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến ngân sách, việc làm và phát triển bền vững nền kinh tế.
Bộ Công Thương khẳng định, đối với việc đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020. Đây là biện pháp cần thiết để kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nếu áp dụng chung cho cả ô tô nhập khẩu, rất có thể người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang tiêu thụ mạnh ô tô nhập khẩu khi giá bán xe nhập khẩu hạ xuống do lệ phí trước bạ giảm, gây tác dụng ngược đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo Bộ Công Thương, thời gian áp dụng chính sách này cũng rất ngắn (chỉ đến hết năm 2020) và đồng thời chính sách cũng được áp dụng trong bối cảnh đặc biệt (ảnh hưởng của dịch bệnh), do đó khả năng bị các quốc gia khởi kiện do vi phạm cam kết hầu như không có. Do đó, Bộ này đề nghị giữ nguyên đề xuất.
Theo quy định hiện hành, lệ phí trước bạ với người mua ôtô đang ở mức 10-12%/giá trị xe. Trường hợp đề xuất này được thông qua, mức lệ phí sẽ giảm xuống mức 5-6%/giá trị xe. Với mức giá ôtô trên thị trường hiện nay, việc giảm lệ phí trước bạ có thể giúp người mua xe giảm hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng.
Hiện tại, ô tô con từ 9 chỗ ngồi trở xuống chịu hai mức thu lệ phí trước bạ theo từng địa phương là 10% và 12% trên giá bán xe. Tuy nhiên, đề xuất giảm này chỉ dành cho xe sản xuất lắp ráp trong nước. Ví dụ, hiện tại, chiếc Toyota Fortuner bản lắp ráp trong nước giá bán 1,03 tỷ đồng, khách hàng sẽ phải nộp từ 103 - 120,6 triệu đồng lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, nếu đề xuất được thông qua, mức lệ phí trên sẽ giảm được từ 51,5- 60,3 triệu đồng. Theo nhận định của giới chuyên môn, nếu đề xuất này trở thành hiện thực xe sang sản xuất lắp ráp trong nước sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Trước thông tin trên, hiện nay, nhiều khách hàng chia sẻ đang chờ đợi quyết định mới này được ban hành để mua xe. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng việc giảm giá tính phí trước bạ, điều này có thể giúp doanh số bán hàng lấy lại đà bán ra; song nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, việc giảm 50% lệ phí trước bạ với xe tải cũng chưa chắc có thể kích cầu thị trường...
Có thể bạn quan tâm
Bảng giá xe ô tô Honda tháng 5/2020: Nhiều ưu đãi sau đại dịch Covid-19
10:01, 06/05/2020
Ngân hàng tiếp tục thanh lý ô tô giá rẻ để thu hồi nợ xấu
18:32, 05/05/2020
Những quy tắc "vàng" giúp bạn lái xe ô tô an toàn, hiệu quả
16:29, 05/05/2020
Chờ “thời điểm vàng” để mua xe ô tô
14:00, 04/05/2020
Rục rịch ngành ô tô, Volkswagen làm điều chưa từng thấy!
06:00, 29/04/2020