Làm gì để đón sóng FDI dịch chuyển?
Để thực sự đón nhận được dòng đầu tư tận dụng lợi thế của quốc gia thoát dịch COVID-19 sớm, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển hạ tầng sẵn sàng.
Sự dịch chuyển làn sóng đầu tư từ Trung Quốc gần như là 100%, vấn đề là những lĩnh vực nào chuyển dịch trước, lĩnh vực nào sau và tốc độ như thế nào. Bởi hành động của phía Trung Quốc sau việc xử lý với dịch COVID-19 vừa qua đã khiến các nhà đầu tư nhận ra “bỏ trứng vào một giỏ”, nhất là “giỏ Trung Quốc” là nguy hiểm. Thậm chí còn có nhận định được rút ra trong giới đầu tư rằng “khi đặt sản xuất của mình càng nhiều vào Trung Quốc thì lợi thế mặc cả của nhà đầu tư càng nhỏ đi”.
Làn sóng tháo chạy
Đi đầu trong việc chuyển dịch này là Mỹ, cố vấn kinh tế trưởng của Nhà Trắng đã công bố việc xem xét rút đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Sau Mỹ là Nhật Bản, quốc gia này đã tuyên bố giành tới 2 tỷ USD trong gói hỗ trợ kích thích sau COVID-19 để chấp nhận chi phí cho các công ty Nhật Bản rời khỏi Trung Quốc.
Động thái chuyển dịch đầu tư càng rõ ràng hơn ở Châu Âu mặc dù đây là khu vực kinh tế “va chạm” với Trung Quốc nhất. Các cảnh báo của các quan chức cấp cao của Châu Âu cho thấy Châu Âu đang cân bằng lại quan hệ với Trung Quốc. Đơn cử như Hà Lan, nước nhận rất nhiều từ dự án vành đai con đường của Trung Quốc, sau động thái Trung Quốc gửi hàng y tế kém chất lượng cũng đã có những động thái như thay đổi tên cơ quan đại diện của Đài Loan tại nước này, điều này làm Trung Quốc rất “khó chịu”.
Từ những động thái này cho thấy sẽ có những đụng độ về thương mại lớn trong thời gian sắp tới. Đúng như dự báo trước đó, nó sẽ là một cuộc đấu về mặt địa chính trị ngày càng phức tạp. Như vậy chắc chắn dòng đầu tư của các nước sẽ ra khỏi Trung Quốc, rất nhiều nơi có thể sẽ trở về chính đất nước của họ, hoặc dịch chuyển sang các nước có điều kiện tốt như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan.
Quyết định chuyển dịch của nhà đầu tư sang những nước khác sẽ phải xem xét trên nhiều yếu tố, trong đó có bốn yếu tố chính được ưu tiên là kinh tế vĩ mô ổn định, nhân lực, logistisc và công nghiệp phụ trợ. Phải đảm bảo được những yếu tố này mới thu hút được nhà đầu tư.
Lợi thế so sánh của Việt Nam
Xét theo các yếu tố kể trên, Việt Nam mới chỉ được đánh giá là đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định. Việc xử lý với dịch COVID-19 một lần nữa củng cố lòng tin, sự an tâm của nhà đầu tư vào sự ổn định của chính trị-kinh tế vĩ mô Việt Nam. Tuy nhiên, các vấn đề còn lại cần được khắc phục để có thể cạnh tranh trong thu hút với các quốc gia láng giếng có cùng hấp lực.
Cụ thể, nếu so sánh các yếu tố với các quốc gia có cùng lợi thế thu hút đầu tư, Việt Nam không có hệ thống cảng biển và cảng hàng không lớn cho logistics. Hai cảng hàng không lớn nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất quá tải, hạ tầng xuống cấp trầm trọng mà chưa thể sửa chữa. Hệ thống cảng biển cũng không có cảng lớn đón được các tàu công suất cao vận chuyển máy móc công nghệ lớn. Hạ tầng đường bộ cũng chưa đồng bộ, chi phí cho giao thông đường bộ nói riêng và chi phí logistics nói chung còn cao.
Các đối thủ cũng có nền tảng công nghệ hỗ trợ phát triển từ lâu và mạnh hơn nhiều so với Việt Nam. Chúng ta có 30 năm đổi mới nhưng mới chủ yếu là gia công, lắp ráp, công nghiệp phụ trợ là điểm yếu đã được nói đến từ lâu.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng làn sóng chuyển dịch này sẽ không diễn ra nhanh chóng và ồ ạt. Do đó, chúng ta phải có chiến lược chuẩn bị hạ tầng cho việc đón nhận dòng đầu tư này. Theo đó, chính sách đào tạo nhân lực phải đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Cùng với đó, một chương trình cho thúc đẩy hạ tầng logistics với hệ thống kho hàng, bến bãi cần được xây dựng phát triển tổng thể. Trong đó, có ưu đãi giá thuê bất động sản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi xây dựng hệ thống kho, bãi cần được triển khai. Việt Nam cần tập trung xây dựng một loạt các chính sách để làm sao xây dựng một nền tảng để thu hút đầu tư chất lượng cao, công nghệ sạch, công nghiệp sạch, công nghệ cao. Đây là lĩnh vực tương lai lâu dài đồng thời tận dụng được lợi thế về nguồn nhân lực của Việt Nam.
Để thực hiện được những mục tiêu này, thu hút các nhà đầu tư không có cách nào khác ngoài giảm nhanh kinh tế Nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Tư duy nhiệm kỳ của kinh tế nhà nước đang trói buộc những định hướng phát triển. Các hạ tầng cần thiết cần sự vào cuộc của tư nhân, để tư nhân thực hiện. Mô hình ở nhiều quốc gia cho thấy, nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tư nhân “đầu đàn” cả về tài chính với nguồn vốn vay ổn định lãi suất thấp, cả về ưu đãi thuế và cơ chế mở cho phát triển gắn liền cam kết hiệu quả của các “sếu đầu đàn” này, có vậy mới phát triển và thu hút đầu tư.
Có thể bạn quan tâm
Tìm cơ hội gia tăng nguồn vốn FDI trong đại dịch COVID-19
03:20, 20/04/2020
Bộ lọc mới cho dòng vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch mới
11:00, 25/12/2019
Chiến lược "make where you sell" và sự dịch chuyển dòng vốn của Mỹ sang Việt Nam
05:44, 12/05/2020
Đón sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc: Việt Nam có "cửa" vượt Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ?
11:00, 11/05/2020