Thế giới hậu COVID-19: (Phần 1) Những thay đổi hiện hữu
COVID-19 chưa qua nhưng bệnh dịch đã, đang và sẽ để lại những di chứng nặng nề trên tất cả các mặt của đời sống con người cũng như quan hệ quốc tế.
LTS: Thế giới như chúng ta biết sẽ không bao giờ trở lại như cũ sau dịch COVID-19. Đại dịch sẽ được kiểm soát nhưng có thể để lại những dấu ấn đối với lối sống và cách làm việc của con người, cũng như đối với cách thức quản lý của chính phủ các nước. Khó biết được đầy đủ mức độ của những thách thức phía trước, nhưng chúng ta có thể thấy rõ một số vấn đề trong giai đoạn này… Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu mạch bài viết dự báo về những biến đổi địa chính trị trên thế giới sau đại dịch COVID-19 của Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao.
Thế giới chúng ta đang ở bước ngoặt quan trọng và một thế giới mới đang dần xuất hiện sẽ vĩnh viễn khác hẳn thế giới hiện thực chúng ta đang sống. Có các tác động tốt và cả tác động xấu nữa. Dù thích hay không thích thì chúng ta cũng buộc phải thích nghi với thực tế mới, không còn cách nào khác.
Thế giới mới tạm gọi là "Thế giới hậu Coronavirus". Đã có "Thế giới Hậu chiến tranh thế giới thứ 2", "Thế giới Hậu chiến tranh lạnh", tại sao lại không có "Thế giới hậu Coronavirus"?
Sở dĩ có "Thế giới hậu Coronavirus" là vì những hệ quả nặng nề mà Coronavirus gây ra cho con người:
Một, dịch bệnh COVID-19 là thảm họa y tế cộng đồng ở quy mô và phạm vi lớn nhất mà thế giới từng chứng kiến trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử của mình.
Bệnh dịch không phải là điều gì mới với thế giới. Thế giới đã từng chứng kiến những bệnh dịch kinh hoàng như bệnh tả, thương hàn, dịch hạch, sởi, cúm Tây Ban Nha, đậu mùa, gần đây là HIV, Ebola, SARS... Tuy nhiên COVID-19 mới là bệnh dịch có tính toàn cầu đầu tiên mà gần như tất cả các nước trên thế giới đều ít, nhiều bị ảnh hưởng. Tác nhân chính để phát tán Coronavirus trên phạm vi toàn cầu không ai khác chính là toàn cầu hóa.
Hai, thế giới đương đại chưa từng chứng kiến một khủng hoảng, thảm họa, hay bất kỳ một cuộc chiến nào lại có sức tàn phá hủy diệt nhanh như đại dịch COVID-19, khiến cả thế giới phải "Đóng cửa" như minh họa trên một trang bìa của tạp chí Nhà kinh tế học (Economist).
Chỉ trong khoảng thời gian vẻn vẹn chưa đầy 3 tháng, COVID-19 đã khiến hầu hết các hoạt động sản xuất, giao thương, đi lại, làm ăn, buôn bán, giải trí... của người dân trên khắp thế giới khi bị dừng hẳn lại. Con số thiệt hại vật chất lên đến hàng chục ngàn tỷ USD, và vẫn tiếp tục tăng.
Ba, giống như một bộ phim giả tưởng, cuộc chiến chống COVID-19 chính là cuộc "Chiến tranh thế giới phi quy ước đầu tiên", không tiếng súng, không phải giữa con người với nhau mà giữa toàn nhân loại với một con vật vô hình. Lần đầu tiên thế giới có một "cuộc chiến" trong đó tất cả các vũ khí hiện đại nhất lại trở nên vô dụng.
Điều làm cả thế giới điên đầu và bất lực là mặc dù thiệt hại rất nhiều và tiền của đổ vào cuộc chiến không ít, nhưng con người cho đến nay hầu như vẫn hiểu biết rất hạn chế về cơ chế lây bệnh của loại virus này. Họ cũng chưa rõ đến khi nào và bằng cách nào mới chế được một loại thuốc thực sự hiệu nghiệm để điều trị người bệnh, khống chế và kiểm soát dịch bệnh một cách hữu hiệu.
Bốn, điều bi đát là ở chỗ trong khi cuộc chiến chống lại COVID-19 vừa mới chỉ bắt đầu và chưa có hồi kết, thì nhân loại cũng bắt đầu lờ mờ hiểu ra rằng ngay cả khi họ giành được thắng lợi trước Coronavirus thì đó cũng chỉ là thắng lợi tạm thời.
Thực tế, những gì thế giới đang làm hiện nay mới chỉ là những màn "tập dượt" không hơn, không kém. Khả năng cao là sau khi COVID-19 bị khống chế, thì các "họ hàng", hay "con, cháu" của loại virus này, hay những biến thể hoặc chủng mới của nó có thể xuất hiện và "thăm viếng" con người ngày một thường xuyên hơn. Vấn đề chỉ là khi nào và bằng cách nào mà thôi.
Chúng có thể chui ra từ những lớp băng tan sau khi bị chôn vùi hàng triệu năm do biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên. Chúng cũng có thể xuất hiện từ những cánh rừng già hoặc những con thú hoang ở trong rừng lây sang vật nhà khi môi trường tự nhiên ngày một thu hẹp và môi trường sống của con người với môi trường tự nhiên xích lại ngày một gần nhau. Hoặc chúng cũng có thể "ẩn nấp" ở một nơi nào đó, rồi biến đổi gen để sau đó xuất hiện trở lại một cách "lợi hại" hơn.
Đối phó với một "kẻ thù" như vậy, các quốc gia hay người dân không thể áp dụng các biện pháp hay cách làm thông thường, mà phải sử dụng các biện pháp mạnh tay, đặc biệt và khác thường. Hãy nhìn quanh trong xã hội ta và khắp thế giới - chưa ai, chưa khi nào và chưa có ở đâu người ta phải "tự hành hạ", "tự đầy đọa" mình thế này.
Phần 2: Ba kịch bản của đại dịch COVID-19
Có thể bạn quan tâm
COVID-19 và trật tự kinh tế thế giới mới
11:30, 02/05/2020
[COVID-19] Kinh tế thế giới đang về đâu?
12:46, 17/03/2020
“Bấp bênh” kinh tế thế giới
11:00, 19/01/2020
Những sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2019
07:10, 31/12/2019
Khủng hoảng kinh tế thế giới mang “màu sắc Trung Quốc”
12:09, 25/08/2019
Bức tranh kinh tế thế giới cuối 2019 (Kỳ II): Định hình lại thương mại và đầu tư
11:01, 04/08/2019
Bức tranh kinh tế thế giới cuối 2019 (Kỳ I): Sáng dần trở lại
11:00, 01/08/2019