Băn khoăn “cơ chế đặc thù” cho đường sắt đô thị
Bên cạnh việc ủng hộ Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù, nhiều chuyên gia cũng băn khoăn về tình trạng đội vốn, chậm tiến độ… của những bài học trước đó.
Tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội, một trong những chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất là, ngân sách TP Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phầ hoá doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, toàn bộ số tiền sẽ được dùng đầu tư 2 dự án đường sắt đô thị.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban này đề nghị Chính phủ rà soát lại một số văn bản quy định về việc sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, CPH, thoái vốn đầu tư tại các DN Nhà nước do UBND tỉnh, TP là đại diện chủ sở hữu để sửa đổi cho thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước hoặc các khoản thu này theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước là 100% của thu ngân sách địa phương thì không quy định lại trong nghị quyết này.
Cũng đồng ý với đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý để Hà Nội hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp và hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trao đổi với DĐDN, Chuyên gia Phạm Việt Anh nhận định, việc sử dụng phần tiền sau thoái vốn, cổ phần hoá là sử dụng phần vốn nhà nước sau khi rút ra khỏi doanh nghiệp được điều chỉnh bởi các quy định trong Luật Quản lý vốn Nhà nước.
Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, hiện nay nếu tính tổng tài sản cổ phần hóa các doanh nghiệp thì Hà Nội còn khoảng 25.000 tỷ đồng theo giá trị vốn. Những năm vừa qua số tiền này cũng giữ lại không nộp về quỹ Tài chính của SCIC.
“Hà Nội sử dụng phần tiền này với mục đích xây dựng hạ tầng, hoàn thiện hệ thống phương tiện vận tải công cộng là hoàn toàn hợp lý và là nhu cầu chính đáng”, chuyên gia nhấn mạnh.
Đặc biệt, phân tích cụ thể, chuyên gia Phạm Việt Anh đánh giá, đầu tư hạ tầng và phương tiện vận tải công cộng mang lại lợi ích kép, trước mắt là tạo ra việc làm, cùng với đó là lợi ích dài hạn cho phát triển.
“Phải khẳng định, đầu tư hạ tầng đường bộ là cần thiết, đặc biệt là hệ thống tàu điện, đường sắt nội đô do đến nay chúng ta vẫn chưa có loại hình vận tải công cộng này. Về lâu dài, hệ thống đường sắt này sẽ tạo sự gắn kết giữa các vùng ven và nội đô, mang lại hiệu quả cao nếu được đầu tư phù hợp”, chuyên gia Phạm Việt Anh nói.
Nói tới bài học kinh nghiệm của thế giới, chuyên gia cho biết nhiều quốc gia cũng đang sử dụng vốn nhà nước hoặc hợp tác công tư sau đó để tư nhân khai thác như các nước Trung Quốc, Nhật Bản... “Vẫn phải có vốn nhà nước bởi vốn tư nhân vào các dự án lâu dài như vậy không nhiều, tính khả thi của dự án đường sắt giai đoạn đầu đều phải trợ giá. Nhưng lâu dài đều sẽ phát huy hiệu quả”, chuyên gia nhấn mạnh.
“Việc chọn nhà thầu, phải xem xét kỹ lưỡng những nhà thầu có đủ năng lực, rút kinh nghiệm ở dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ngoài ra, để một dự án đường sắt có thể thành công thì vấn đề quy hoạch, lựa chọn công nghệ, phù hợp nguồn tài chính, điều hành quản lý… hết sức quan trọng và cần được lưu tâm, tránh tình trạng đội vốn, kéo dài thời gian, chất lượng công trình giảm”, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội thông qua chủ trương triển khai 2 dự án đường sắt đô thị
14:40, 22/04/2020
“Chốt hạ” cho đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông?
11:29, 17/01/2020
Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các dự án đường sắt đô thị
00:00, 14/12/2019
Vì sao Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông chưa thể khai thác?
17:51, 27/09/2019
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông: Nhiều "lỗ hổng" trong quá trình đầu tư
00:03, 23/09/2019