“MẮT XÍCH” CỦA CHUỖI CUNG ỨNG MỚI: Thách thức tay nghề

BẤT NHỊ 26/07/2020 05:03

Việt Nam hoàn toàn có cơ hội có nhà máy lắp ráp iPhone cho Apple. Nhưng cơ hội này không phải dễ dàng tận dụng, mà là một thách thức rất lớn.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, dòng vốn FDI chất lượng cao sẽ dần tìm kiếm các cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Thực tế cho thấy, so ảnh hưởng giữa quan hệ Mỹ - Trung, Apple đang tìm cách mở rộng các địa điểm sản xuất iPhone. Hãng này từng tiết lộ ý định chuyển 20% sản lượng iPhone ra khỏi Trung Quốc. PhoneArena cho biết: “Apple đang nhắm Việt Nam làm nơi lắp ráp sản phẩm quan trọng nhất của mình”.

Nhưng lực lượng lao động có tay nghề, chuyên nghiệp, chịu được áp lực và công việc nặng nhọc là yếu tố quan trọng trong việc Apple quyết định có mở nhà máy tại Việt Nam hay không.

fd

Apple đang tìm cách mở rộng các địa điểm sản xuất iPhone. 

Với tham vọng của một quốc gia đang trên đường trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị cao cấp khác, tận dụng cơ hội trong cuộc chiến thương mại khi nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó có Apple, đang tìm cách tăng cường hoạt động sản xuất tại đây, Việt Nam thực sự phải cố gắng và hành động quyết liệt để chớp thời cơ.

Biên độ lợi nhuận (tỷ suất lợi nhuận hay lợi nhuận ròng) khi lắp ráp iPhone rất thấp. Năm 2019 Wistron chỉ đạt 0.2% . Nên để tối đa hóa lợi ích cần tối ưu hóa việc quản lý, nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân.

Với dân số 100 triệu người và hàng năm lực lượng lao động tăng thêm đến 1 triệu người nhưng để trở thành công nhân tại nhà máy Apple, mỗi công nhân cần có tay nghề cao, chịu đựng được áp lực của công việc nặng nhọc trong nhà máy của Apple. Nâng cao tay nghề và độ chuyên nghiệp cho đội ngũ lao động là một yếu tố cực kỳ quan trọng.

Tại Trung Quốc, Foxconn sử dụng đến 1,3 triệu công nhân. Tờ Hoa Nam buổi sáng của Trung Quốc đã từng nhận xét: “Tại Foxconn, cường độ lao động cao vô cùng,...”. Apple giới hạn các tuần làm việc bình thường đến 60 giờ và yêu cầu ít nhất một ngày nghỉ mỗi tuần nhưng trên thực tế công nhân tại Trung Quốc làm việc đến 80 giờ mỗi tuần mới đáp ứng được sản lượng đặt hàng của Apple. Vào mùa cao điểm, trước mỗi đợt mở bán sản phẩm mới, nhà máy Foxconn phải sản xuất đến 500.000 chiếc điện thoại mỗi ngày, hoặc thậm chí 350 chiếc trong một phút.

Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn phải giúp nhà máy Foxconn tuyển dụng, huấn luyện và tìm nơi ở cho công nhân trong những giai đoạn cao điểm sản xuất iPhone. Khẩu hiệu tuyển dụng thường là: “Bạn phải là một người lạc quan và thật chăm chỉ.”

Như vậy để thấy, gia nhập chuỗi cung ứng, lắp ráp một sản phẩm ‘hot’ thuộc bậc nhất thế giới như iPhone là một việc rất hấp dẫn, nhiều lợi ích, nhưng để có thể nắm bắt được thì vẫn còn rất nhiều thách thức, rào cản từ chính phía lực lượng lao động của Việt Nam. 

Có thể bạn quan tâm

  • Sẽ có Iphone “Assembled in Vietnam”?

    Sẽ có Iphone “Assembled in Vietnam”?

    11:10, 24/07/2020

  • “MẮT XÍCH” CỦA CHUỖI CUNG ỨNG MỚI: Việt Nam gây “sốc”

    “MẮT XÍCH” CỦA CHUỖI CUNG ỨNG MỚI: Việt Nam gây “sốc”

    05:45, 25/07/2020

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 24/07:

    ĐIỂM BÁO NGÀY 24/07: "Mắt xích" chuỗi cung ứng mới

    11:35, 24/07/2020

  • “MẮT XÍCH” CỦA CHUỖI CUNG ỨNG MỚI: Thách thức tay nghề

    “MẮT XÍCH” CỦA CHUỖI CUNG ỨNG MỚI: Thách thức tay nghề

    05:03, 26/07/2020

BẤT NHỊ