Cần thêm các chính sách hỗ trợ kinh tế nữa hay không?
Các chính sách hỗ trợ hiện nay về cơ bản đã đầy đủ nhưng với tình hình dịch bệnh gia tăng trở lại trong nước, thì một số chính sách hỗ trợ có thể nên được gia hạn.
Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) với báo giới trước tình hình bùng phát của dịch bệnh lần thứ hai tại Việt Nam và ông nhấn mạnh rằng kinh tế chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
Ông Cung cho rằng, các dự báo kinh tế đưa ra cho đến nay có 3 từ người ta hay sử dụng là: Bất ổn, bất định, bất an. Mọi người đều kỳ vọng những tháng tới sẽ tốt lên nhưng dự báo tiếp tục xấu đi và liên tục thay đổi.
Ở Việt Nam, chúng ta đang lạc quan tương đối sau khi kiểm soát được đợt dịch vừa rồi và kỳ vọng hoạt động kinh tế trong nước phục hồi lại, đặc biệt những ngành chịu tác động trực tiếp, nặng nề. Nhưng trong tình hình hiện nay, các dự báo cũng đang liên tục thay đổi và chúng ta phải chuẩn bị chắc chắn cho mọi kịch bản.
“Do đó, xét về tổng thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ thấp, thậm chí là thấp kỷ lục, có thể là kỷ lục của 35 năm đổi mới” – ông Cung nói – “Chúng ta phải tính lại kịch bản tăng trưởng. Rõ ràng, tăng trưởng hiện nay không thể cao được, thu ngân sách không thể nhiều được trong khi chi ngân sách lại tăng lên”.
Các chính sách hỗ trợ hiện nay theo ông về cơ bản đã đầy đủ nhưng với tình hình dịch bệnh gia tăng trở lại trong nước, thì một số chính sách hỗ trợ có thể nên được gia hạn. Ví dụ như chính sách giãn, hoãn, miễn thuế… hoặc thay đổi chính sách cho phù hợp với thực tế của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, dư địa chính sách không nhiều nên phải chọn trọng tâm để giải quyết. Chính phủ có thể phải thay đổi chỉ tiêu về thâm hụt ngân sách, thay đổi chỉ tiêu bội chi ngân sách, thay đổi chỉ tiêu trần nợ công… để huy động nguồn lực trong và ngoài nước.
Ông cho rằng trọng tâm hỗ trợ trước hết phải giữ lao động ở lại, an sinh xã hội, duy trì việc làm, người lao động có thể giảm thu nhập nhưng đừng để bị đứt. Trong cứu trợ thì cố giữ doanh nghiệp lớn vì nếu doanh nghiệp lớn thất bại thì rất khó quay trở lại… Tất cả vấn đề này phải tính toán, định lượng nhiều hơn và phải làm từ bây giờ.
Nhưng điều cần chú trọng nữa là nên bổ sung thêm những cách thức triển khai mạnh mẽ quyết liệt bằng những công cụ, phương án sáng tạo với tình hình mới. Các cơ quan chức năng phải có sự lựa chọn, đi vào trọng tâm để giải quyết. Đơn cử như việc lựa chọn giữa giải cứu doanh nghiệp lớn hay giải cứu doanh nghiệp nhỏ.
Chúng ta luôn muốn cứu tất cả doanh nghiệp, với ưu tiên là giữ lao động, đảm bảo an sinh xã hội. “Nhưng trong cứu trợ, theo tôi, nên có những lựa chọn, tính toán để cứu doanh nghiệp lớn, do số lượng doanh nghiệp này không nhiều, lại có quy mô lớn nên nếu thất bại thì việc quay trở lại rất khó khăn. Còn với những doanh nghiệp nhỏ, do tính chất và quy mô vừa phải, nên nếu ngưng hoạt động, vẫn có thể quay trở lại thị trường nhanh chóng” – ông bày tỏ quan điểm.
Trước đó, chia sẻ tại tọa đàm “Cách thức để doanh nghiệp hưng thịnh trong trạng thái bình thường mới” do Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam và Deloitte tổ chức, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Cạnh tranh khẳng định rằng, bên cạnh sự hỗ trợ lớn nhất, hay nhất của Chính phủ kiểm soát dịch, bỏ giãn cách xã hội, trả lại điều kiện quan trọng nhất cho doanh nghiệp được hoạt động bình thường, thị trường có nhu cầu, có sức mua, có sản xuất, thì việc cố gắng đẩy nhanh các gói đã có, bổ sung, hoãn giãn dài ra và phải được hết năm. Hoặc có thể cứu trợ hỗ trợ cho các tập đoàn 1 số lĩnh vực… là hướng đi quan trọng để có lực đẩy, lan tỏa. Theo đó, ông cho biết có thể tháng 9 này Việt Nam sẽ có gói kích thích mới kinh tế, tính cho cả năm 2021, với hướng hỗ trợ mạnh mẽ tính đến các xu hướng mới như công nghệ, nông nghiệp công nghiệp…
Có thể bạn quan tâm
EVFTA và không gian mới cho kinh tế Việt Nam
05:30, 01/08/2020
Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm (Kỳ V): Khuyến nghị thúc đẩy đầu tư công các dự án trọng điểm
06:00, 27/07/2020
Cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam
04:00, 24/07/2020
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 3% trong năm 2020
09:29, 23/07/2020
Triển vọng kinh tế Việt Nam đứng đầu khu vực châu Á
05:30, 09/07/2020
ADB: Kinh tế Việt Nam tăng 4,1% trong năm 2020
02:00, 19/06/2020
Kinh tế Việt Nam có thể bật tăng trở lại ở mức 7% vào năm 2021
06:00, 27/05/2020
Những tín hiệu giúp kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại
05:30, 06/05/2020